Xu hướng chọn ngành 2011 - Vẫn thưa vắng khối C

Cập nhật: 15-05-2012 | 00:00:00

Theo đánh giá chung từ các trường cho biết, lượng hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ)  năm nay lại tiếp tục tập trung vào nhóm các ngành kinh tế, kỹ thuật,  tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh... và khối C lại thưa vắng. Vòng luẩn quẩn “thưa vắng học sinh ban khoa học xã hội - chất lượng tuyển sinh thấp - đóng cửa ngành ĐH - thiếu nhân lực ngành xã hội” sẽ lại tiếp diễn trong năm nay.

 Hồ sơ thi khối C quá ít

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Bình Dương, tổng hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ nộp tại Sở GD-ĐT năm 2012 là 14.681 hồ sơ. Tuy nhiên, trong đó có chỉ có 551 hồ sơ đăng ký dự thi khối C.

Thực tế cho thấy tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi khối C giảm liên quan đến việc sử dụng, đãi ngộ lao động cũng như chính sách tuyển sinh hiện nay của các trường ĐH, CĐ. Số trường, ngành tuyển sinh khối C đang có xu hướng giảm dần do thấy khó tuyển, nhiều trường mở rộng thêm khối thi hoặc thay bằng khối D. Theo chương trình phân ban trong trường THPT là có 3 ban: ban Cơ bản, ban Khoa học tự nhiên (KHTN) và ban Khoa học xã hội (KHXH), còn gọi là ban C. Nhưng thực tế khi triển khai thì phần lớn học sinh chọn học ban cơ bản, hoặc ban KHTN. Còn với ban C, số lượng học sinh theo học chỉ “đếm trên đầu ngón tay”; thậm chí có rất nhiều trường THPT trong tỉnh không đủ số lượng học sinh đăng ký để mở lớp. 

Dù được tư vấn kỹ nhiều thí sinh vẫn không mặn mà với khối C

Ông Vương Văn Thanh, Hiệu trưởng trường THPT nói: “Chúng ta không thể trách thí sinh là tại sao chỉ đổ xô vào các khối khác, hờ hững với khối C trong khi chỉ tiêu khối C ít, các ngành học không mang lại lợi ích thiết thực như xin việc khó, lương thấp...”. Ông Trần Đình Phú, Hiệu trưởng trường THPT Dầu Tiếng cũng cho biết: “Năm đầu tiên thực hiện phân ban, trường cũng mở 2 lớp ban C (chuyên văn và chuyên sử - địa). Song, những năm sau đó, số học sinh (HS) đăng ký học ban C ngày càng ít đi khiến không đủ HS để mở lớp, nhà trường phải xóa bỏ ban này”. Rất nhiều trường THPT trong tỉnh cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Năm nào cũng vậy, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ khối C rất ít. Năm nay cũng không ngoại lệ. Việc thí sinh không mặn mà với khối C không quá khó để lý giải. Xu hướng xã hội coi trọng kinh tế, cơ hội việc làm của khối ngành kinh tế nhiều hơn, thu nhập lại cao hơn, trong khi đó khối C phải học thuộc nhiều hơn, đòi hỏi khả năng tổng hợp kiến thức và tư duy ngôn ngữ tốt. Việc thí sinh “đổ xô” vào khối A, B, D để học các ngành kinh tế, kỹ thuật cũng là điều dễ hiểu”.

Ngành xã hội vẫn ở thế yếu

 Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, mọi tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp nhằm hướng các em vào những ngành cơ bản đều phản tác dụng khi hàng ngày sản phẩm đầu ra của một số ngành xã hội, ngành khoa học cơ bản bị bỏ rơi. Nhiều sinh viên ra trường không xin được việc làm đúng với chuyên môn.

Em Nguyễn Thanh Hùng, học sinh trường THPT Võ Minh Đức chọn thi vào khối ngành kinh tế của trường ĐH Kinh tế Luật. Em nói: “Em chỉ nghe các bạn nói học kinh tế dễ kiếm việc làm, thu nhập khá. Mặc dù em rất thích ngành báo chí của trường ĐH KHXH&NV nhưng theo em được biết, học ngành này ra vừa khó xin việc vừa vất vả nên lại thôi”.

Có thể lý giải lý do của sự “lạnh nhạt” đối với các ngành khối C là do tâm lý xã hội chưa coi trọng nhóm ngành KHXH&NV. Nhiều người quan niệm chỉ khi không có năng lực thì mới thi vào nhóm ngành này. Phụ huynh và HS thì lại nghĩ rằng đây là nghề khó xin việc và thu nhập thấp... nên họ không chọn học. Thật ra, các thí sinh đều có một ước mơ chính đáng là được bước vào giảng đường ĐH sau 12 năm đèn sách ở bậc THPT. Xu hướng chọn ngành, nghề của thí sinh tập trung vào nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật... vẫn khá cao. Thực ra, đây cũng là điều phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến những bất cập nhất định, bởi nhu cầu sử dụng lao động của xã hội đa dạng, chứ không chỉ là những ngành khối kinh tế.

Bình Dương hiện có hơn 30 trường THPT nhưng rất ít trường tổ chức được ban KHXH&NV do rất ít HS chịu học ban này. Em Huỳnh Mỹ Phương, HS trường THPT Trịnh Hoài Đức tâm sự: “Ngay từ đầu những năm học cấp 3, qua tìm hiểu em thấy rất ít trường ĐH, CĐ có thi khối C. Thêm vào đó, qua kinh nghiệm của các anh chị khóa trước rằng học khối C ra trường rất khó tìm việc làm hơn so với các khối A, B, D. Nếu không đậu nguyện vọng 1, cửa vào nguyện vọng 2 và 3 của khối C là rất hẹp, trong khi khối A và D chỉ cần đủ điểm sàn là chắc chắn có cơ hội vào một trường nào đó. Vì vậy, em và các bạn đều quyết tâm học thật tốt các môn tự nhiên để sau này có nhiều cơ hội hơn thay vì phải chọn ban C để học”.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=237
Quay lên trên
X