Cần giải quyết dứt điểm các loại phương tiện bị đình chỉ lưu thông

Cập nhật: 12-10-2011 | 00:00:00

Sau hơn 2 năm Bình Dương thực hiện chương trình hỗ trợ thay thế xe công nông, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh, đến nay dù số lượng phương tiện có giảm, tuy nhiên khắp các tuyến đường trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều người hành nghề bằng loại xe này. 

Đến nay các loại xe thuộc diện bị đình chỉ lưu thông vẫn tồn tại

Thực hiện Nghị quyết 32 và Quyết định 548/QĐ-TTg của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định 3915/QĐ-UBND ngày 1-9-2009 về chính sách hỗ trợ cho các đối tượng có phương tiện thuộc diện bị đình chỉ lưu thông. Theo đó, mức hỗ trợ cho một phương tiện bị đình chỉ lưu thông là 5 triệu đồng. Đối với các trường hợp thay thế xe thuộc diện bị đình chỉ lưu thông còn được hỗ trợ thêm 4 triệu đồng/một xe được mua mới. Đồng thời được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi, ủy thác với mức 30 triệu đồng/hộ. Ngoài việc hỗ trợ thay thế phương tiện bị đình chỉ lưu thông, các chủ phương tiện hoặc người trực tiếp hành nghề chuyên chở thuê bằng các loại xe bị cấm đình chỉ lưu thông còn được hỗ trợ học nghề.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ngân sách Nhà nước tỉnh đã chi hơn 51 tỷ đồng hỗ trợ thay thế cho 10.196 phương tiện; chi ngân sách cho vay ưu đãi, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên 22 tỷ đồng để cho đối tượng chuyển đổi ngành nghề và mua xe thay thế. Đến nay người dân đã ý thức được chủ trương trên, mua thay thế gần 3.000 phương tiện mới được phép đăng kiểm lưu hành; số xe 3, 4 bánh thô sơ vi phạm lưu thông bị thu giữ lên tới hàng ngàn chiếc.

Đơn cử như huyện Dầu Tiếng, là huyện nông thôn nhưng trong 12 xã, thị trấn có số lượng xe khá lớn, 2.113 chiếc được chi hỗ trợ, phần lớn là xe lôi máy chiếm 80%. Đã giải ngân được 2.113 chiếc, mức hỗ trợ mua xe mới là 41 chiếc với tổng kinh phí là 369 triệu đồng. Hiện còn 90 chiếc chưa nhận được tiền hỗ trợ do bị sai sót trong quá trình cập nhật thông tin, di chuyển chỗ ở không còn trùng khớp với địa chỉ trong danh sách, một số trường hợp không biết thời hạn cuối giải ngân do xã thông báo. Về thực hiện vốn vay ưu đãi, huyện Dầu Tiếng đã giải ngân cho 93 hộ với số tiền gần 3 tỷ đồng.

Trước khi Nghị quyết 32 được ban hành và có hiệu lực từ 1-1-2008 về đình chỉ các loại phương tiện trên lưu hành thì chủ trương của tỉnh về cấm xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã được thực hiện từ trước đó 4 năm. Nghị quyết 32 là bước đệm để xóa bỏ xe công nông trong đời sống xã hội. Thế nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, mà nguyên nhân chính là do sự thiếu hiểu biết của một bộ phận chủ phương tiện và một phần là do sự vào cuộc chưa đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền cơ sở, ngành chức năng. Công tác điều tra lập danh sách còn nhiều sơ hở, thiếu sót, cán bộ xã phường, khu ấp nể nang, thiếu trách nhiệm dẫn đến thiếu chính xác hàng chục trường hợp phải xử lý thu hồi (vấn đề mượn xe, kê khống, đăng ký 2 lần...). Việc lập nhu cầu vay vốn ưu đãi không xác thực làm tồn đọng 1.123 triệu đồng... Đây chính là “lỗ hổng” để loại phương tiện này tồn tại dai dẳng đến tận bây giờ.

Tại cuộc họp tổng kết thực hiện Quyết định số 548/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3915/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc hỗ trợ thay thế xe công nông, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng cần xử phạt mạnh tay với những trường hợp xe máy 3, 4 bánh đã bị đình chỉ lưu hành. Tuy nhiên, Thượng tá Trần Văn Kiết, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, đã nêu rõ quan điểm: Đối với các loại xe đã bị đình chỉ lưu hành, khi lực lượng CSGT phát hiện thì tịch thu để xử lý theo đúng quy định của pháp luật chứ không thể xử phạt vi phạm hành chính vì phương tiện không có giấy tờ đăng ký chủ sở hữu.

Luật Giao thông đường bộ quy định: Đối với các phương tiện xe công nông, xe thô sơ 3, 4 bánh, xe ba gác máy... không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, không đăng ký, đăng kiểm... sẽ bị tịch thu nếu bị xử phạt. Thế nhưng, CSGT không ít lần phải nương tay bởi không nỡ tước chén cơm của những người lao động nghèo. Xã hội ngày càng văn minh, đường phố cần sự an toàn, thông thoáng... Vì thế mọi người phải thực hiện nghiêm quyết định của Chính phủ. Muốn vậy, không chỉ cần liều thuốc mạnh của luật pháp mà còn rất cần ý thức của người dân.

Thiết nghĩ với loại phương tiện này khi phát hiện lưu thông trên đường thì không chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính mà phải tịch thu và tiêu hủy phương tiện. Có như vậy, tinh thần Nghị quyết 32 mới thực sự đi vào cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị đã chỉ ra những hạn chế và thiếu sót trong quá trình thực hiện, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa một số cấp, ngành; trong quá trình thực hiện chưa chọn địa phương điểm để triển khai rút kinh nghiệm mà thực hiện đại trà; áp đặt vùng sâu, vùng xa như các đô thị nên không phù hợp; một số hộ dân lợi dụng kê khai không đúng phương tiện bị đình chỉ. Để khắc phục các hạn chế trên, Phó Chủ tịch đề nghị, các huyện, thị cần rà soát lại những trường hợp đã vi phạm và xử lý triệt để; thu hồi phương tiện và xử lý các trường hợp vi phạm để giáo dục răn đe; các trường hợp, các phương tiện thuộc diện đối tượng thay thế thì xem xét giải quyết hỗ trợ vốn thay thế và ưu đãi; thống nhất không thu hồi xe lại nhưng nếu còn lưu hành thì tịch thu; các địa phương giải ngân nguồn vốn thay thế và vốn ưu đãi trước 15-10-2011 để báo cáo Sở Tài chính và UBND tỉnh.

 

T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên