Cảnh báo từ những vụ tai nạn giao thông do mất lái

Cập nhật: 27-06-2012 | 00:00:00

Các vụ xe mất lái, mất thắng thường gây tai nạn giao thông (TNGT) hết sức bất ngờ và khó lường. Tuy nhiên hầu hết nguyên nhân khiến xe mất lái, mất thắng là do lỗi chủ quan của lái xe hoặc của chủ phương tiện, do đó nếu gây hậu quả nghiêm trọng, người có lỗi phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự. Các tài xế cần chú ý kiểm tra định kỳ phương tiện khi tham gia giao thông

Một chiếc xe ô tô đỗ bên đường, khi nổ máy, người lái do nhầm chân thắng sang chân ga đã khiến xe lao mạnh vào người và phương tiện, gây hậu quả nghiêm trọng. Một số trường hợp người lái không để ý số tiến và số lùi khiến xe lao theo chiều ngược lại, tông chết người. Có trường hợp do hoảng loạn, đạp thắng, ga lẫn lộn, xe húc mạnh vào người đi đường... Tất cả những vụ việc như vậy, nhiều người gọi là hung thần do xe mất lái, mất thắng. Tuy nhiên, bản chất không đúng như vậy vì những chiếc xe này thắng và lái vẫn đầy đủ, hoạt động bình thường, nguyên nhân do người điều khiển sơ ý hoặc do hoảng loạn đã nhầm lẫn trong thao tác kỹ thuật khiến không điều khiển được lái hoặc phanh, gây hậu quả nghiêm trọng. Điển hình, có vụ tai nạn xảy ra ở địa bàn huyện Bến Cát, sau khi nhậu xong, một người lái xe ô tô chạy phía sau xe mô tô của người bạn và nói lớn: Chạy nhanh lên, đến quán khác nhậu tiếp, nếu không sẽ bị đụng xe bây giờ! Tưởng là nói chơi, người bạn đi xe mô tô vẫn điều khiển xe chạy bình thường. Thấy vậy, anh bạn điều khiển phương tiện ô tô nhấn ga để dọa người bạn của mình, nhưng do không quan sát được khoảng cách an toàn nên xe tăng ga đột ngột và đụng vào xe mô tô của bạn, tai nạn làm cho người bạn bị tử vong do vết thương quá nặng. Nhiều người cho rằng tai nạn trên là do xe mất lái, nhưng kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng nhận thấy các hệ thống kỹ thuật của xe vẫn bảo đảm, việc xe mất lái lao lên phía trước có thể do người lái xe ô tô đùa với bạn, nhưng lại đạp quá chân ga.

Các vụ xe mất thắng, mất lái do lỗi của lái xe, gây hậu quả nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự “Tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Việc một số lái xe bao biện như xe mất lái, mất thắng do khách quan, lái xe bị bất ngờ... là không có cơ sở thuyết phục và chỉ đúng trong một số ít trường hợp, còn lại chủ yếu do lỗi của lái xe. Trong các lỗi này, tùy tính chất vi phạm đã xác định tính chất, mức độ của hành vi. Chẳng hạn, nhiều vụ lái xe ben, xe tải lao quá tốc độ khiến xe bị mất thắng, mất lái, đâm vào người đi đường và nhà dân thì lỗi vi phạm này rất nguy hiểm bởi lái xe biết rõ hậu quả việc lao xe quá nhanh. Tương tự, nếu chở tải trọng quá nặng khiến xe bị nổ lốp, xuống dốc mất thắng, đâm vào phương tiện khác... lỗi này cũng mang tính chủ quan của lái xe, tính chất rất nguy hiểm. Những vụ tai nạn xảy ra dưới dạng này, ngoài việc căn cứ hậu quả (số người chết, bị thương, tài sản bị thiệt hại) thì khi xét xử, tòa còn căn cứ vào yếu tố lỗi chủ quan của lái xe: cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, coi thường tính mạng người khác...

Đối với những vụ tai nạn bất ngờ do lái xe nhầm lẫn chân ga, chân thắng thì lỗi người lái xe dù chỉ do sơ suất cũng phải chịu trách nhiệm khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Điều 16 Luật Giao thông đường bộ quy định về nguyên tắc lùi xe như sau: Khi lùi xe, người điều khiển phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi. Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, nơi đường bộ giao nhau, đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt... Việc lái xe gây tai nạn như ở vụ việc nêu trên thì lỗi của người lái xe cũng rất rõ. Một số vụ xe đang dừng, đỗ bỗng chồm sang bên kia đường, đâm vào người và phương tiện phía trước, nguyên nhân cũng xuất phát từ lỗi lái xe. Vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 18-1-2012, tại đoạn đường ĐT744 thuộc ấp Yên Ngựa, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng xe ô tô BS 61H- 0405, do Nguyễn Công Minh, SN 1980, thường trú xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng điều khiển, trên xe chở Luân Thanh Dũng, SN 1966, thường trú phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một; Trần Thanh Sơn, SN 1958, thường trú khu phố 1, thị trấn Dầu Tiếng và Nguyễn Thanh Phong, SN 1972, thường trú phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một thì xảy ra sự cố lạc tay lái đụng vào trụ điện số 139 trên đường. Tai nạn làm Minh chết và 3 người còn lại bị thương, xe ô tô hư hỏng nặng.

Luật Giao thông đường bộ quy định nguyên tắc dừng xe, đỗ xe trên đường phố như: Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình, bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25m và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20m... Việc lái xe dừng đỗ sai quy định gây hậu quả nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm về hành vi này.

Trong một số trường hợp, xe mất thắng, mất lái do lỗi kỹ thuật, dù không có lỗi trực tiếp của người lái xe. Những vụ việc này phải căn cứ từng vụ để xem xét trách nhiệm, bởi có thể không phải lỗi trực tiếp nhưng là gián tiếp. Nếu xét lỗi gián tiếp, luật đòi hỏi người lái xe phải kiểm tra, bảo dưỡng xe theo định kỳ, bảo đảm an toàn kỹ thuật khi lưu thông. Nếu lái xe thiếu kiểm tra, bảo dưỡng để xe mất thắng, mất lái thì nếu gây hậu quả vẫn phải chịu trách nhiệm.

            Đồng Phương

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên