Cảnh giác thủ đoạn lừa chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội

Cập nhật: 29-06-2018 | 14:11:04

Quen biết nạn nhân qua kết bạn trên mạng xã hội Facebook, Zalo, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự cả tin của nạn nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là thông qua việc gửi cho, tặng nạn nhân những vật phẩm, quà tặng có giá trị khiến nạn nhân “sập bẫy” chuyển tiền cho đối tượng để làm thủ tục nhận quà tặng.

Thủ đoạn cũ

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Dương nổi lên tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội với các thủ đoạn như: Các đối tượng là người nước ngoài thông qua mạng xã hội để kết bạn với người bị hại, đa số các nạn nhân bị chúng đưa vào bẫy là phụ nữ.

Thủ đoạn của đối tượng là sau khi quen biết các nạn nhân một thời gian, chúng nhắn tin, nói chuyện để tạo niềm tin cho các bị hại. Khi đã được lòng tin, bọn chúng gợi ý gửi quà tặng có giá trị cao như: Điện thoại di động, máy tính, túi xách, thời trang, mỹ phẩm… và bọn chúng còn cho nạn nhân biết, kèm những món quà này là gói hàng gửi sang Việt Nam còn có số tiền ngoại tệ lớn. Sau khi đưa nạn nhân vào bẫy, các đối tượng tiếp tục cấu kết với đồng bọn là người Việt Nam giả danh nhân viên hải quan sân bay, nhân viên công ty vận chuyển và gọi điện thoại đến người bị hại để thông báo gói hàng đã được chuyển về Việt Nam. Để nhận được hàng, các đối tượng yêu cầu bị hại phải chuyển tiền làm các thủ tục khác nhau như: Tiền thuế, tiền bảo hiểm, tiền phạt, tiền làm thủ tục hải quan… Sau đó bọn chúng đưa số tài khoản của đồng bọn là người Việt Nam để nạn nhân chuyển tiền vào.


Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin về tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua

Sau khi tiền được chuyển, ngay lập tức toàn bộ số tiền này được chuyển sang tài khoản ở nước ngoài thông qua dịch vụ E-Banking và chiếm đoạt. Khi tiền đã được chuyển, nhưng không thấy hàng được chuyển đến, lúc này các nạn nhân liên hệ với đối tượng thì không thể liên lạc.

Nạn nhân mới

Theo đại tá Trần Văn Chính, chỉ tính từ năm 2017 đến nay, cùng với thủ đoạn, phương thức nêu trên các đối tượng đã tổ chức lừa đảo 10 vụ, chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân, trong đó chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy 4 vụ lừa đảo với hình thức nêu trên. Tổng số tiền thiệt hại của nạn nhân hơn 3,1 tỷ đồng.

Một số vụ việc điển hình như trường hợp của chị Nguyễn Thị Th. (SN 1981, ngụ TX.Thuận An) quen biết một người trên mạng xã hội tên là Yannameteee Wetkama, đối tượng này tự giới thiệu là người Nhật và đang sinh sống ở Đức. Đối tượng nhắn tin thông báo cho chị Th. sẽ gửi quà tặng là điện thoại iPhone, iPad, Laptop HP, đồ trang sức và 5.000 USD. Sau đó đối tượng yêu cầu chị Th. phải trả khoản phí phạt do số tiển quá lớn và chi phí để gửi số tiền trong gói hàng quá nhiều phải đóng tiền bảo hiểm… Tin lời, chị Th. đã bị đối tượng lừa số tiền 838 triệu đồng..

Tương tự thủ đoạn trên, tháng 2-2017, cũng thông qua mạng xã hội Facebook, anh Lưu Đại D. (SN 1972, ngụ TP.Thủ Dầu Một) kết bạn với người phụ nữ tự nhận tên Maguette Justine, chị ta tự giới thiệu là quân nhân Mỹ, hiện đang sống ở Orlando, Florida. Sau nhiều lần chat trên mạng, đối tượng nhờ anh D. nhận và giữ cho bà ta kiện hàng trị giá 1,2 tỷ USD gửi từ Syria (do Chính phủ Syria bồi thường cho bà ta trong chiến tranh). Ngay sau đó, anh D. tiếp tục nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên công ty vận chuyển và yêu cầu phải nộp tiền thuế thông quan. Sau đó anh D. đã nộp tổng cộng 10 lần vào nhiều số tài khoản khác nhau với số tiền hơn 820 triệu đồng và bị chiếm đoạt. Khi không thấy nhận được kiện hàng, anh D. liên lạc với đối tượng thì không thể liên lạc.

Tiếp đó, vào đầu tháng 1-2018, qua mạng xã hội Facebook, chị Bùi Thị H. (SN 1989, quê Thanh Hóa) tạm trú tại phường Lái Thiêu, TX.Thuận An kết bạn với người trên mạng xã hội tên Walker Jackson. Cùng với thủ đoạn như trên, chị H. bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 93 triệu đồng. Vào tháng 2-2018, chị Trần Thị U. (SN 1986, quê Bắc Giang, tạm trú tại xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng) kết bạn qua mạng xã hội Faccebook với đối tượng tên Pronx Josh cũng gửi hàng cho chị và yêu cầu chuyển số tiền 23 triệu đồng tiền thuế; 115 triệu đồng tiền bảo hiềm và 241 triệu đồng tiền chống rửa tiền và hơn 129 triệu đồng theo số tiền phần trăm mà đối tượng sẽ gửi tặng, tổng cộng số tiền chị U. bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 508 triệu đồng.

Theo cơ quan điều tra Công an tỉnh, qua quá trình xác minh các tài khoản ngân hàng mà những bị hại đã chuyển tiền vào cho thấy còn có rất nhiều người khác đã chuyển tiền vào, sau đó tiền đã được chuyển đi. Nhận định rất có thể các trường hợp chuyển tiền cũng là những bị hại khác nhưng các nạn nhân đã không tố giác hành vi với cơ quan công an.

Theo các chuyên gia, nếu bạn được một người quen qua mạng xã hội đề nghị tặng một món quà giá trị qua email hoặc yêu cầu bạn cung cấp thông tin bổ sung cho tài khoản ngân hàng hay thông tin mật khẩu, khả năng rất lớn là bạn đang bị kẻ lừa đảo nhắm tới.

Đây là những cách đơn giản giúp bạn tránh được việc bị lừa đảo qua mạng: Hãy ký tên mình vào mặt sau của thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ sau khi ngân hàng phát cho bạn. Việc ký tên này nhằm để tránh tình huống thẻ tín dụng của bạn có thể bị sao chép rồi đánh cắp trong quá trình bạn đưa thẻ để quẹt thanh toán; thận trọng khi chơi game online; cập nhật địa chỉ gửi thư; mua bán online: Luôn sử dụng dịch vụ của những đơn vị bán hàng tin cậy trong khi mua sắm qua mạng. Để bảo đảm giao dịch của bạn được bảo vệ, hãy kiểm tra xem địa chỉ trang web có phải bắt đầu bằng những chữ https:// hay không; sử dụng tính năng chặn. Nếu bạn nghi ngờ ai đó khả nghi đang cố tình liên lạc với bạn, hãy chặn họ lại hoặc xếp họ vào danh sách thư rác; đừng chia sẻ thông tin chi tiết về tài khoản ngân hàng; đầu tư phần mềm chống virus loại tốt; không đăng nhập tài khoản ngân hàng ở máy tính công cộng; chia sẻ kinh nghiệm. Nếu bạn từng bị lừa gạt trên mạng, hãy chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên trong gia đình, nhất là những đối tượng dễ bị tấn công như trẻ em hay người già….

Kiểm tra các báo cáo tín dụng hàng năm; sử dụng nhiều mật khẩu. Đừng bao giờ sử dụng cùng một mật khẩu cho các tài khoản online như email, ngân hàng và mạng xã hội; đừng sử dụng ngày tháng năm sinh của bạn hay địa chỉ làm mật khẩu. Những thông tin rõ ràng này khiến mật khẩu của bạn yếu và dễ bị đoán ra; ghi nhớ mã PIN. Hãy thuộc lòng mã PIN thẻ ATM và đừng bao giờ viết nó lên bất cứ đâu, nhất là lên ngay chính thẻ ATM của bạn; cẩn trọng trong khi lưu trữ thông tin online…

P.V

MINH DUY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên