Cảnh giác trước thủ đoạn lập hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giả tạo

Cập nhật: 19-10-2018 | 09:43:16

Ngày 18-10, báo Bình Dương có bài viết “Biến tướng từ dịch vụ “tín dụng đen”: Nguy cơ đưa người vay vào cảnh mất tài sản” phản ánh thực trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự “nhẹ dạ cả tin” của một số bà con để cho vay nóng rồi âm thầm sang tên, đổi chủ giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ) để trục lợi. Các công chứng viên đã chia sẻ một số quan điểm dưới góc độ pháp lý, từ đó khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ pháp lý trước bất cứ hợp đồng giao dịch đất đai nào…

Bà Nguyễn Thị Phương Ngọc, Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh, Trưởng phòng Công chứng số 1: Luôn nhắc nhở công chứng viên phải cảnh giác!

Một số đối tượng xấu lợi dụng kẽ hở của công chứng để đề nghị công chứng viên chứng nhận các giao dịch giả tạo. Thậm chí, chúng còn lợi dụng việc cầm cố giấy tờ, tài sản, làm giả một số giấy tờ, đóng giả người lừa cả công chứng viên. Trong quá trình hành nghề, nếu công chứng viên thiếu tỉnh táo có khả năng bị đối tượng điều khiển, lợi dụng theo ý đồ riêng của chúng và nhiều trường hợp đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Vô tình hoặc cố tình tiếp tay cho các đối tượng xấu.


Bài báo phản ánh về thực trạng “tín dụng đen” sử dụng hợp đồng giả cách nhằm chiếm đoạt tài sản của người đi vay
Ảnh: P.V

Trong các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm, chúng tôi đều có các chuyên đề bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chứng viên, chuyên viên nghiệp vụ; khi hành nghề phải ứng xử đúng chuẩn mực đạo đức nhằm nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, nâng cao uy tín của công chứng viên và góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Ông Đoàn Xuân Hội, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, Trưởng Văn phòng Công chứng Đoàn Xuân Hội, Bắc Tân Uyên: Tín dụng đen diễn biến ngày càng phức tạp!

Hiện nay, hoạt động vay tiền ngày càng biến tướng, phát triển như một nghề cho vay siêu lợi nhuận. Người cho vay tiếp thị bằng nhiều hình thức, lồng vào các hoạt động khác như cầm đồ, ký gửi, tư vấn và giao dịch bất động sản… Trong số những người này có một số người hoạt động bất chấp pháp luật, dùng mọi thủ đoạn làm giả giấy tờ, con dấu giả, mướn người đóng giả các bên giao dịch, qua mắt công chứng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác. Những người này hoạt động rất linh hoạt, khi thì họ là người cho vay, khi thì họ lại là người đi vay. Họ lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lách luật hoặc lợi dụng sự kém hiểu biết của một số người để lừa đảo. Sau đây tạm phân ra một số tình huống cụ thể:

Thứ nhất, người đi vay do có nhu cầu bức thiết, lại kém hiểu biết pháp luật nên bị người cho vay “đạo diễn” dẫn đến công chứng làm hợp đồng không đúng thực tế. Cụ thể, hợp đồng vay tiền nhưng lãi suất thấp hơn nhiều so với lãi suất và các điều kiện thực tế của hai bên thỏa thuận. Vay tiền nhưng làm hợp đồng ủy quyền hoặc làm hợp đồng chuyển nhượng, mua bán... Sau đó bên cho vay dựa vào những thỏa thuận của hai bên để thu lãi hoặc sử dụng hợp đồng đã công chứng để chiếm đoạt tài sản. Trường hợp này người đi vay bị lừa và công chứng viên cũng có thể “dính miểng”.

Thứ hai, người đi vay tận dụng cơ hội, bất chấp sự ràng buộc và những cảnh báo không an toàn cố vay cho được, hậu quả tính sau; chấp nhận mọi điều kiện do bên cho vay yêu cầu. Hai bên cùng ra công chứng làm hợp đồng, văn bản nhưng giấy tờ hồ sơ, thông tin họ cung cấp có thể giả hoặc không đúng thực tế, không đúng với thỏa thuận của hai bên. Khi xảy ra hậu quả không thể tự giải quyết được, họ sẽ bằng mọi thủ đoạn để quỵt nợ và tranh chấp xảy ra.

Thứ ba, người cho vay hoạt động chuyên nghiệp, có mục đích thu lãi cao bất chấp pháp luật, hoặc có mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ đầu. Trường hợp này người đi vay như “con mồi”, còn người cho vay có nhiều thủ đoạn xảo quyệt khó nhận biết trước. Hai bên cùng nhau thỏa thuận trước bằng văn bản với điều kiện bên vay khi ra công chứng phải khai báo theo chỉ dẫn của bên cho vay để làm hợp đồng giả cách. Sau khi giao tiền vay và có hợp đồng công chứng, bên cho vay tìm cách sang đoạt tài sản cho người khác và tranh chấp xảy ra.

Thứ tư, người vay và người cho vay đều có ý đồ, thủ đoạn trước. Có người đóng vai để giao dịch qua mắt công chứng viên; họ giao tiếp khéo không để lộ sơ hở, công chứng viên bó tay. Khi tranh chấp thì những người này cao chạy xa bay, chỉ còn người bị hại và công chứng viên chịu trách nhiệm.

Phát biểu tại Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng viên ngày 29-9-2018, bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, nhấn mạnh: “Hiện nay phát sinh nhiều biến tướng của hoạt động cho vay của các cá nhân, tổ chức. Bên cho vay ngoài ký kết hợp đồng cho vay còn yêu cầu bên vay ký thêm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, mua bán nhà hoặc hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng đối với tài sản này với giá thấp, khiến bên đi vay phải thực hiện thủ tục đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, công chứng viên khi phát hiện trường hợp người yêu cầu công chứng vừa ký hợp đồng vay tiền sau đó ký hợp đồng chuyển nhượng, mua bán đất thì kịp thời hướng dẫn giải thích rõ cho các bên biết hậu quả pháp lý (giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu). Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho bên đi vay tiền.

LÊ NA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên