Đại học Thủ Dầu Một: Xây dựng đội ngũ giảng viên theo mô hình trường đại học nghiên cứu

Cập nhật: 19-09-2014 | 09:23:18

Luật Giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam đã xác định rõ chủ trương của Nhà nước về xây dựng một hệ thống giáo dục ĐH có tính chất đa dạng, với những loại trường nhằm thực hiện những sứ mạng và đáp ứng những nhu cầu khác nhau của xã hội. Trong 3 loại hình trường ĐH (nghiên cứu, ứng dụng và thực hành), trường ĐH nghiên cứu có vai trò đặc biệt trong việc tạo ra những kiến thức mới, ý tưởng mới, sáng tạo mới.

GS.TSKH Vũ Minh Giang

Với vai trò và sứ mệnh của mình, trường ĐH Thủ Dầu Một đang hướng đến mô hình ĐH nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực và đang có những bước chuẩn bị không chỉ về nguồn lực, mà còn tạo ra một môi trường hỗ trợ nhằm bảo đảm thực hiện được những nhiệm vụ trọng yếu của mình trong tương lai gần.

Với mục đích ấy, nhà trường đã mời GS.TSKH Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội nói chuyện với cán bộ giảng viên trường ĐH Thủ Dầu Một với chuyên đề “Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên theo mô hình trường ĐH nghiên cứu”.

Tinh thần của ĐH nghiên cứu

Mở đầu buổi báo cáo chuyên đề, GS.TSKH Vũ Minh Giang đã nêu rõ thế nào là ĐH nghiên cứu và tinh thần của trường ĐH nghiên cứu. Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, trường ĐH nghiên cứu không chỉ là một tổ chức, đơn vị, mà còn là một tư tưởng. Việc tạo ra và duy trì một tổ chức dựa trên một khái niệm không phải là điều dễ dàng. Tâm điểm của một trường ĐH nghiên cứu là đội ngũ giảng viên, những người phải gắn bó với tư tưởng nghiên cứu và sử dụng nó cho xã hội hiện tại.

Lễ ra mắt các nhà cố vấn đề án nghiên cứu miền Đông Nam bộ của trường Đại học Thủ Dầu Một

Một trường ĐH nghiên cứu cần phải xác định được mục tiêu sáng tạo tri thức mới và phải là một tổ chức tinh hoa, có cơ chế sử dụng con người dựa trên tài năng và phẩm chất. Nó phải công nhận được địa vị đứng đầu của phẩm chất và tài năng và những quyết định mà nó đưa ra dựa trên sự theo đuổi nghiêm ngặt tính đúng đắn của vấn đề.

GS.TSKH Vũ Minh Giang cũng đã chia sẻ hiểu biết từ kinh nghiện làm việc tại trường ĐH nghiên cứu của các nước trên thế giới. Trong đó, sinh viên (SV) là thành tố trung tâm trong trường ĐH. Họ phải có sự gắn kết với mục đích của nhà trường và với đạo đức khoa học. SV phải đáp ứng kỳ vọng thực hiện mọi hoạt động với chất lượng cao. Những SV ấy phải là những người thực sự dũng cảm dám đương đầu với những ý tưởng khoa học đã được xác lập.

Một trường ĐH nghiên cứu phải tự chủ được 3 vấn đề: Tài chính, nguồn nhân lực và học thuật. Một nhân tố trọng yếu trong tinh thần của một trường ĐH nghiên cứu là nguyên tắc về tự do học thuật. Không có tự do học thuật, một trường ĐH không thể nào hoàn thành được sứ mạng của mình, cũng không thể nào trở thành một trường đẳng cấp quốc tế. Trường ĐH nghiên cứu phải phát huy quyền tự do của giảng viên và SV trong việc theo đuổi hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, công bố và diễn đạt. Nhân tố chủ chốt của tự do học thuật là khái niệm rộng mở con đường tìm kiếm tri thức và đó là giá trị cốt lõi của một trường ĐH. Các trường ĐH nghiên cứu đặc biệt cần đến sự can dự của giới học thuật trong quá trình đi đến những quyết định quan trọng của nhà trường. Quyền lực của các giáo sư trong các trường ĐH nghiên cứu điển hình bao giờ cũng có một mức độ lớn hơn và quyền tự chủ trong học thuật cũng được bảo đảm mạnh mẽ hơn so với những trường khác. SV tuy không nhất thiết liên quan trực tiếp đến hoạt động quản trị, cũng phải được coi là một bên liên quan trọng yếu của cộng đồng học thuật.

Vai trò của nhà quản lý của ĐH nghiên cứu

Từ thực tế kinh nghiệm làm việc và tìm hiểu các trường ĐH nghiên cứu, GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, lãnh đạo hoạt động khoa học là một việc ngày càng quan trọng hơn trong kỷ nguyên của những tổ chức khoa học phức tạp. Vai trò của người đứng đầu trường ĐH là quản lý và thực hiện hoạt động khoa học. Trong các trường ĐH nghiên cứu, hiệu trưởng phải là người có uy tín khoa học và phải bày tỏ sự tôn trọng và sự hiểu biết sâu sắc về sứ mạng khoa học của nhà trường. Đồng thời, họ phải có khả năng đại diện cho nhà trường trước mặt xã hội và phải biện minh được tính chất quan trọng và trung tâm của nhà trường. Lãnh đạo giới khoa học hiện đại là một nhiệm vụ rất phức tạp và tìm được một nhà lãnh đạo tài ba là vô cùng khó. Hiện nay trên thế giới, những trường ĐH hiện đại tốt nhất là những trường có cơ chế đồng quản trị, trong đó cộng đồng khoa học kiểm soát các quyết định về đào tạo và về học thuật, các nhà quản lý thì chịu trách nhiệm về nguồn lực, cơ sở vật chất và những vấn đề quản lý khác. Chính vì vậy, nhà quản lý của trường ĐH nghiên cứu luôn phải phát huy được tính tự chủ cao nhất.

GS.TSKH Vũ Minh Giang cũng đã nhấn mạnh những áp lực khi xây dựng mô hình trường ĐH nghiên cứu đối với nhà quản lý, như: Áp lực tự chủ về nhân lực, tự chủ về học thuật, tự chủ tài chính, áp lực về mặt xã hội… nhất là khi chất lượng giáo dục là một thành phần khó lòng đánh giá một cách nhanh chóng.

Các nhà quản lý của ĐH nghiên cứu luôn đảm đương trọng trách tạo sự nối kết vững chắc với xã hội cả về học thuật, nhân lực và tài chính. Trong đó vấn đề tự chủ tài chính là áp lực không nhỏ đối với các trường ĐH trên thế giới hiện nay bởi thành công của một trường ĐH nghiên cứu là nguồn tài chính tương xứng và ổn định. Các nhà quản lý sẽ ngày càng bị thách thức hơn trong việc tự tìm kiếm nguồn tài chính cho mình từ các nhà tài trợ tiềm năng, thông qua việc bán các sản phẩm trí tuệ và qua hoạt động tư vấn, cũng như sẽ ngày càng dựa vào nguồn thu học phí nhiều hơn.

Trong thời đại mà tinh thần giải trình trách nhiệm ngày càng phát triển, các trường ĐH nghiên cứu sẽ bị thử thách trong việc duy trì sự tự chủ về quản lý của mình và kiểm soát những quyết định quan trọng về đào tạo. Thực tế cho thấy đa phần các trường ĐH nghiên cứu đều là trường công. Cho dù các trường ĐH nghiên cứu đòi hỏi được tự chủ trong việc tự xác định con đường của riêng mình trong việc đạt đến sự ưu việt và trong việc quản lý nguồn lực, nhưng những áp lực về giải trình trách nhiệm trong việc phải chứng minh những tính ưu việt so với mô hình ĐH khác với xã hội cũng là áp lực đối với nhiều trường ĐH nghiên cứu.

 TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X