Đại tá - Nhà văn Chu Lai: “Bình Dương là quê hương thứ hai của tôi”

Cập nhật: 29-04-2014 | 00:00:00

   Đại tá - Nhà văn Chu Lai giao lưu trong lễ tổng kết trao giải cuộc thi viết cảm nhận Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh tổ chức tại Bình Dương. Ảnh: T.VĂN 

Thời gian đầu, Chu Lai công tác tại Đội hình chủ lực Sư đoàn 5, đến năm 1970 ông vào Nam làm lính đặc công tại vùng Chiến khu Đ (Bình Dương), rồi tham gia chiến đấu khắp các địa bàn như: Tân Uyên, Bến Cát, Chơn Thành, Lái Thiêu, Dĩ An, Thủ Dầu Một… Sau giải phóng vào Sài Gòn, Chu Lai vừa tham gia công tác quân quản vừa viết văn, viết truyện ngắn và được nhiều người biết đến qua truyện ngắn đầu tay “Kỷ niệm vùng ven” (viết về chuyện tình của ông với một cô gái ở Bình Dương) đăng 2 kỳ trên báo Văn nghệ Trung ương. Rồi lần lượt ông xuất phẩm các cuốn tiểu thuyết: Nắng đồng bằng (viết về Thủ Dầu Một), Đêm tháng hai, Sông xa, Gió không thổi từ biển, Vòng tròn bội bạc, Bãi bờ hoang lạnh, Ăn mày dĩ vãng, Phố, Ba lần và một lần, Cuộc đời dài lắm, Chỉ có một lần… và hàng chục bộ phim, hàng chục vở kịch nổi tiếng. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Hội đồng Văn học chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang (Hội Nhà văn Việt Nam) cho quyển tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng (1993). Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1994. Giải thưởng tiểu thuyết Nhà xuất bản Hà Nội với tiểu thuyết Phố 1993; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật 2007…

Những năm gần đây, Đại tá - Nhà văn Chu Lai còn tích cực tham gia công tác xã hội và 6 lần được “ngồi ghế nóng” làm giám khảo chấm thi tại Liên hoan phim Việt Nam toàn quốc, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Liên hoan ảo thuật toàn quốc, Hội thi “Người đẹp Kinh Bắc”, cuộc thi “Người dẫn chương trình”, cuộc thi Nữ hoàng Biển trong khuôn khổ festival biển Nha Trang.

Đại tá - Nhà văn Chu Lai chia sẻ: “Bình Dương là quê hương thứ hai của tôi. Mỗi năm tôi đều về Bình Dương ít nhất một lần để được “tắm rửa linh hồn” tưởng nhớ về những người bạn và những chiến hữu của tôi đã hy sinh trên mảnh đất này. Vì thế ấn tượng về Bình Dương là ấn tượng một đời. Ngoài ra, tôi còn đặc biệt ấn tượng với hình ảnh những người con gái Nam bộ, họ như những ngọn đèn trong đêm với sức sống rất bền bỉ và dẻo dai. Với tôi, con gái làm mềm cuộc chiến tranh, con gái làm xanh lại chết chóc, con gái làm tác phẩm nghệ thuật trở nên giàu có”. Hy vọng rằng, từ nay đến cuối đời tôi sẽ có thêm nhiều dịp về Bình Dương và viết thêm vài cuốn tiểu thuyết, để được sống hết đời vì nghệ thuật văn chương, vì lý tưởng cách mạng, Chu Lai nói thêm.

 T.VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên