Để làm bài thi địa lý đạt kết quả cao

Cập nhật: 25-04-2014 | 00:00:00

So với môn lịch sử, môn địa lý dễ đạt điểm cao hơn nếu học sinh (HS) nắm chắc kiến thức, có kỹ năng đọc Atlat. Trước mùa thi tốt nghiệp THPT năm nay, một số giáo viên (GV) giảng dạy môn địa lý chia sẻ kinh nghiệm ôn tập và hướng dẫn HS học và làm bài thi sao cho đạt kết quả cao nhất.

Sau khi Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố môn thi tốt nghiệp và chính thức nhận lớp ôn thi, tiết học đầu tiên cô Trần Thị Lý, trường THPT Huỳnh Văn Nghệ (TX.Tân Uyên) thường dành khoảng 15 - 20 phút để làm công tác tư tưởng cho các em. Tùy theo đặc thù từng lớp để có cách tiếp cận và định hướng học tập cho HS.

Những ngày này, học sinh trường THPT Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An) ráo riết ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: A.SÁNG

Trên lớp cô hướng dẫn HS ôn tập từng phần theo thứ tự chương trình, mỗi phần cô dành 2 - 4 tiết để khái quát lại kiến thức bằng sơ đồ, yêu cầu HS tự vẽ trên cơ sở GV hướng dẫn. Riêng phần địa lý dân cư tương đối ngắn nên cô sẽ ghép phần dạy kỹ năng vào đây. Sau 2 - 4 tiết ôn tập của phần nào, cô sẽ giải đề của phần đó. Mỗi tiết có 4 câu (mỗi câu thường có số điểm theo đề) được 4 HS làm trên bảng, ở dưới lớp mỗi tổ làm 1 câu. Sau khi HS làm xong, GV sửa , chấm điểm. Khi về nhà mỗi HS chọn 1 trong 3 câu còn lại tự làm vào tập, tiết sau GV kiểm tra.

Thầy Đào Duy Nội, trường THPT Phan Bội Châu (huyện Dầu Tiếng), cho rằng trước đây trong quá trình ôn thi tốt nghiệp hầu như HS chỉ biết ôm quyển tập hoặc đề cương đã có sẵn nội dung rồi lên lớp và về nhà cứ thế hết ngày này qua ngày khác chỉ biết cắm cúi nhồi nhét sao cho hết lượng kiến thức có trong đề cương. Cứ như thế các môn thi tốt nghiệp được HS tiếp thu dần dần vào đầu, nhưng lượng kiến thức bài học cứ ngày càng một nhiều đến một lúc không thể chịu nổi áp lực HS dễ bị strees nên khó mà có thể tiếp thu thêm bài học. Môn nọ nhầm lẫn sang môn kia, trong cùng bộ môn thì phần này nhầm lẫn với phần khác làm cho quá trình ôn tập không hiệu quả. Từ đó thầy thấy cần tìm ra phương pháp ôn tập khác nhau sao cho trong quá trình ôn tập không quá nặng nề, không mang tính nhồi nhét mà HS dễ dàng ôn tập nắm được kiến thức một cách hệ thống dễ dàng tái hiện kiến thức khi làm bài.

Theo kinh nghiệm của thầy, thầy áp dụng nhiều phương pháp khác nhau như: Sử dụng Atlat, biểu đồ và áp dụng thêm phương pháp xây dựng bản đồ tư duy. Cho HS tự xây dựng các bản đồ tư duy theo nội dung của các bài học theo chương, các phần của toàn bộ chương trình địa lý lớp 12 vào các tờ giấy khổ A4. Đối với GV thì thực hiện xây dựng bản đồ trên phần mềm iMindMap Professional để tăng tính sinh động trong quá trình ôn tập.

Tổ sử - địa của trường THPT Nguyễn An Ninh (TX.Dĩ An) cũng có cách làm riêng. GV truy bài bằng nhiều hình thức, hướng dẫn HS xử lý số liệu, định dạng vẽ biểu đồ, nhận xét bảng số liệu, ghi nhớ kiến thức bằng Atlat; Hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ, hướng dẫn trả lời các dạng câu hỏi mỗi bài. GV còn phối hợp với gia đình hỗ trợ trong đợt ôn thi, có chế độ cho con em ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí hợp lý. Với những HS lười học, GV nên có biện pháp kịp thời khi các em vi phạm các quy định GV đề ra. Ngoài ra cũng cần tổ chức cho HS thi thử theo đợt nhằm đánh giá kết quả và điều chỉnh phương pháp ôn tập phù hợp.

H.THÁI (ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X