Đoàn công tác Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia làm việc tại Bình Dương: Đề xuất nhiều biện pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông

Cập nhật: 08-04-2015 | 08:25:52

Sáng 7-4, đoàn công tác của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia do ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Bình Dương về tình hình trật tự ATGT 3 tháng đầu năm và những tháng tiếp theo trong năm 2015. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành và các thành viên trong Ban ATGT tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.

 40% vụ tai nạn giao thông xảy ra tại nông thôn

Thay mặt Ban ATGT tỉnh, ông Lê Văn Rum, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh báo cáo về tình hình trật tự ATGT của tỉnh trong 3 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ của những tháng tiếp theo trong năm 2015.

Theo đó, trong quý I-2015, toàn tỉnh đã xảy ra 608 vụ tai nạn giao thông (TNGT), giảm 30 vụ so với cùng kỳ, làm 92 người chết, bị thương 718 người (giảm 91 người bị thương). Tuy nhiên, số người chết đã tăng 35 người, tương đương 61% so với cùng kỳ. Trong đó, xảy ra 86 vụ TNGT từ nghiêm trọng trở lên, làm chết 91 người, bị thương 49 người, tăng 31 vụ so cùng kỳ; số người chết tăng 34, số người bị thương giảm 3 người. TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra 1 vụ, TNGT rất nghiêm trọng xảy ra 4 vụ, tăng 1 vụ so với cùng kỳ.

Lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm kéo giảm TNGT từ nay đến cuối năm. Trong ảnh: CSGT Công an TX.Dĩ An xử phạt tài xế xe tải trên tuyến quốc lộ 1K. Ảnh: P.V

Phát biểu tại buổi làm việc, thượng tá Nguyễn Thành Công, Phó Trưởng phòng CSGT - Công an tỉnh, cho rằng nguyên nhân số người chết gia tăng là do quý I rơi vào dịp lễ, tết nên lượng người tham gia giao thông rất đông, Bình Dương lại là cửa ngõ đi lại của nhiều tỉnh, thành nên lượng xe lưu thông khá nhiều. Bên cạnh đó, đặc thù các tuyến đường trên địa bàn Bình Dương có rất nhiều trục đường chính thông nhau nên các tài xế tìm cách né trạm thu phí, né tránh lực lượng chức năng, không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, chạy xe quá tốc độ… cũng là nguyên nhân làm cho số vụ TNGT đường bộ gia tăng.

Phân tích thêm về nguyên nhân số vụ TNGT và số người chết gia tăng trong quý I-2015, Thượng tá Công cho biết có hơn 40% vụ TNGT đường bộ xảy ra tại các tuyến đường giao thông nông thôn, đường nội ô. Đây là do lỗi chủ quan, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ chưa tốt của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông. Do đó, việc tuyên truyền để người dân chấp hành Luật Giao thông đường bộ tại khu vực nông thôn là rất quan trọng.

TNGT do người điều khiển mô tô gây ra ở mức cao

Nói về công tác tuần tra kiểm soát, thượng tá Nguyễn Thành Công cho rằng lực lượng làm nhiệm vụ này hiện quá mỏng. Toàn tỉnh chỉ có 167 cán bộ CSGT, trong đó chỉ có 61 cán bộ trực tiếp làm công tác tuần tra kiểm soát. Tính ra mỗi cán bộ CSGT tỉnh phải đảm đương khoảng 4,2km đường, ở huyện là 41,6km.

Là địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ, Thượng tá Trần Nhựt Hiếu, Phó Trưởng Công an TX.Dĩ An cho biết, qua các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn, có hơn 70% số vụ TNGT là do người điều khiển xe mô tô gây ra. Nguyên nhân chính gây nên TNGT là do người điều khiển phương tiện đi sai làn đường, chuyển hướng không đúng quy định, không làm chủ tốc độ, phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng. Tại Dĩ An, chỉ trong quý I-2015, số lượng xe mô tô đăng ký mới là hơn 2.000 xe. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu. Qua thống kê, TNGT xảy ra trên đường ĐT743 vẫn ở mức cao, bởi đây là đoạn đường hẹp, có mật độ xe lưu thông dày đặc, nhất là xe container.

Để kéo giảm TNGT trong thời gian tới, Thượng tá Trần Nhựt Hiếu đưa ra một số giải pháp, đó là: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng về Luật Giao thông đường bộ trong mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó, đặc biệt chú ý đến lực lượng công nhân; khảo sát những tuyến đường thường gây TNGT nhằm khắc phục kịp thời; có hình thức giáo dục, răn đe đối với những đối tượng hay vi phạm trật tự ATGT…

Nói về nguyên nhân làm cho số người chết vì TNGT trên địa bàn gia tăng so với cùng kỳ 2014, ông Nguyễn Hồng Khanh, Chủ tịch UBND TX.Bến Cát phân tích: Do địa phương có hơn 50% dân số là người nhập cư, có 9 khu công nghiệp với nhiều tuyến đường thông thoáng, rộng rãi, bên cạnh đó Bến Cát cũng có nhiều trục đường lớn nối liền các tỉnh, thành nên một bộ phận người dân chủ quan, chạy quá tốc độ đã gây ra nhiều vụ TNGT. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cho lực lượng công nhân cũng gặp khó khăn vì chủ doanh nghiệp hợp tác chưa tốt. Qua phân tích, đánh giá các vụ TNGT trên địa bàn TX.Bến Cát cho thấy có đến gần 80% số vụ TNGT là do người điều khiển mô tô gây ra.

Xử lý tận gốc xe quá khổ, quá tải

Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ - Bộ Công an cho rằng, đối tượng chính gây ra TNGT đường bộ trên địa bàn Bình Dương chủ yếu do người điều khiển xe mô tô, do vậy lực lượng CSGT Bình Dương cần tăng cường tuần tra, kiểm soát đối với những đối tượng này. Đồng thời cần xử lý nghiêm hơn nữa đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt mức cho phép.

Liên quan đến việc kiểm soát tải trọng xe, Đại tá Dánh đề nghị cần có biện pháp xử lý tận gốc. Đó là, lực lượng chức năng của tỉnh cần làm việc với các chủ bến, bãi, hầm mỏ để họ ký cam kết chấp hành theo quy định việc không chở quá khổ, quá tải. Sau đó phải thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành. Cần thiết có thể bố trí chốt kiểm soát tải trọng ngay điểm xe ra vào tại các cơ sở này.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cơ bản thống nhất với kế hoạch công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2015 của tỉnh. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý để kéo giảm số vụ TNGT và số người chết, Bình Dương cần rà soát lại toàn bộ kết cấu hạ tầng giao thông, những “điểm đen” thường gây TNGT để có hướng xử lý, khắc phục kịp thời; tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới công nhân lao động. Bình Dương cần nghiên cứu và có thể cho lắp hệ thống camera trên các trục đường chính để giám sát việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Cần thiết, đặt các trạm cân di động tại các tuyến đường BOT và có thể từ chối các trường hợp xe quá khổ, quá tải qua các tuyến đường này.

Cũng liên quan đến việc xử lý tình trạng xe quá khổ, quá tải, ông Khuất Việt Hùng đề nghị tỉnh cần có kế hoạch chuyên đề về vấn đề này. Trong kế hoạch có thể giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo UBND cấp huyện, thị. Ông cũng đồng tình với ý kiến đóng góp của lãnh đạo Cục CSGT đường bộ nên bố trí các chốt kiểm tra tải trọng tại các bến bãi, hầm mỏ nhằm giải quyết triệt để tình trạng xe quá khổ, quá tải…

 Trong quý I-2015, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã lập 324 biên bản vi phạm chở hàng quá tải, buộc hạ tải hơn 950 tấn, xử phạt với tổng số tiền 1,170 tỷ đồng, tước 179 giấy phép lái xe; lập biên bản 78 trường hợp vi phạm tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe, lập biên bản 3 trường hợp vi phạm tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe…

 

NHÂN QUANG – BÌNH MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên