Đổi giờ học, làm: Áp lực giờ cao điểm đã giảm 15%

Cập nhật: 23-08-2012 | 00:00:00

Sau hơn một năm Hà Nội tiến hành đổi giờ học, giờ làm, theo đánh giá của liên ngành giao thông và công an Hà Nội, việc đi lại của người dân ở Thủ đô trên một số tuyến đường đã nhanh hơn trước 15 phút, áp lực và mật độ giao thông giờ cao điểm đã giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, một số điểm ùn tắc mới xuất hiện sau khi đổi giờ như: nút Nguyễn Chí Thanh- Kim Mã, nút Trường Chinh-Tôn Thất Tùng, Lê Duẩn-Khâm Thiên do đây là những tuyến đường trục chính, thành phần tham gia giao thông đông.

Ngoài ra, tại một số khu vực cổng trường học vẫn còn hiện tượng ùn tắc giao thông do phụ huynh học sinh tụ tập đưa đón học sinh.

 Giao thông đã được cải thiện do đổi giờ nhưng lại xuất hiện thêm một số điểm ùn tắc mới.  Thông tin trên được đưa ra trong hội nghị đánh giá kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố 8 tháng đầu năm vào hôm qua (22-8).

Thời gian đi lại giảm 15 phút

Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, thực hiện điều chỉnh giờ học, giờ làm, Sở Giao thông đã phối hợp với các sở ngành như Sở Giáo dục, Công an thành phố… triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như tăng khung giờ phục vụ cao điểm sáng của xe buýt, tăng tần suất phục  vụ và điều chỉnh giờ phục vụ của 6 tuyến buýt nhanh, đồng thời tổ chức thêm 7 tuyến buýt nhanh đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

"Nhờ việc điều chỉnh giờ nên áp lực tham gia giao thông đã giảm, xe buýt vận hành thông suốt và thuận lợi. Số chuyến lượt bỏ do ùn tắc giao thông trông giờ cao điểm và tổng số chuyến lượt bỏ giảm rõ rệt," Sở Giao thông cho biết.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2012, xe buýt đã phục vụ hơn 1.877 nghìn lượt xe, đạt 99% so với kế hoạch được giao. Tổng số chuyến lượt xe không thực hiện giảm 10% so với 6 tháng đầu năm 2011, trong đó số chuyến lượt không thực hiện do ùn tắc giao thông giảm 11%.

Theo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, để đánh giá hiệu quả của biện pháp đổi giờ với việc chống ùn tắc giao thông, đơn vị này đã phối hợp với Viện Chiến lược, Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức đếm và tổng hợp, phân tích lưu lượng phương tiện qua một số nút, tuyến trọng điểm của thành phố làm cơ sở đánh giá chính xác hiệu quả của công tác điều chỉnh giờ làm.

Ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra, Sở Giao thông - Vận tải cho biết, lưu lượng phương tiện nói chung và phương tiện xe máy, xe con nói riêng tại các nút trọng điểm đã được phân bố giãn đều ra các giờ khác nhau, không tập trung quá đông vào giờ cao điểm. Mật độ phương tiện đã giảm tại giờ cao điểm từ 5-15%, và giờ cao điểm được giãn rộng ra. Cụ thể, thời gian chuyến đi của phương tiện tham gia giao thông trung bình giảm từ 10-15 phút.

“Kết quả giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố thông qua một loạt các giải pháp trong đó có đổi giờ học, giờ làm được thể hiện rõ rệt”, ông Giáp nói.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Giáo dục – Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các trường thực hiện đổi giờ học khá nghiêm túc. Khảo sát cho thấy, có đến 106/118 (chiếm trên 90%) tổng số các trường đại học, cao đẳng, trung cấp thực hiện đổi giờ.

Xuất hiện điểm ùn tắc mới

Sau khi tiến hành đổi giờ, hiện tượng ùn tắc giao thông tại một số điểm trên địa bàn thành phố đã từng bước được giải quyết. Tuy nhiên, đại diện Sở Giao thông - Vận tải cũng thừa nhận, tại một số khu vực cổng trường học như: Trường Tiểu học Thái Thịnh, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Trường Tiểu học Thành Công… vẫn còn hiện tượng ùn tắc giao thông do phụ huynh học sinh tụ tập đưa đón học sinh.

Tại một số tuyến phố khác như nút Daewoo, Trường Chinh – Tôn Thất Tùng, Lê Duẩn – Khâm Thiên, La Thành… việc đổi giờ không có tác dụng nhiều, do đây là những tuyến đường trục chính, thành phần tham gia giao thông chủ yếu là cán bộ, công chức, lao động tự do… (nhóm không điều chỉnh giờ).

Về vấn đề ùn tắc tại các cổng trường học, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội cho biết, tại hầu hết khu vực các cổng trường đều đã cắm biển cấm dừng đỗ phương tiện. Trong thời gian qua, lực lượng chức năng mới chỉ nhắc nhở.

“Chỉ tính từ đầu tháng 8 đến nay, cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 100 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm giao thông. Thời gian tới, lực lượng cảnh sát sẽ tiếp tục lập những chuyên đề xử phạt, nhất là đối với học sinh cấp 3 không đủ tuổi điều khiển xe máy, đèo 3, đèo 4, đánh võng, vượt đèn đỏ…”, Đại tá Ngọc cho hay.

Bên cạnh đó, Đại tá Ngọc cũng cho rằng, nhà trường cần phối hợp hơn nữa với cơ quan chức năng trong việc xử phạt học sinh, vinh viên vi phạm mới mong hạn chế được tình trạng này.

Ngoài phương án đổi giờ, theo nhiều đại biểu đại diện các trường tham dự Hội nghị cho rằng, ngành giao thông không nên đổ lỗi hết cho ý thức học sinh, sinh viên mà cần quan tâm đến cơ sở hạ tầng giao thông mới giảm ùn tắc khu vực gần trường học.

Bức xúc vì tình trạng lộn xộn, mất trật tự tại cổng trường, Ông Ngô Xuân Hiếu, Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, Đại học Hà Nội phản ánh, vỉa hè hai bên cổng trường rất rộng nhưng sinh viên không bao giờ được đỗ xe, đi lại bởi vây quanh khu vực này là hàng quán.

Cùng chung nhận định này, bà Trần Thu Hà, Thư ký Ban An toàn giao thông thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, dù mới có 30 trường báo cáo về tình trạng hàng quán, trông xe trái phép khu vực xung quanh trường học, nhưng số vi phạm đã lên hơn 200 trường hợp.

“Điểm dừng đỗ xe buýt sát cổng trường, cộng thêm với phụ huynh, học sinh, sinh viên đổ ra giờ tan trường, làm tình trạng ùn tắc, lộn xộn tại các cổng trường gia tăng,” bà Hà cho biết thêm.

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, sở sẽ tiếp thu và giải tỏa các vỉa hè vi phạm, cắm biển báo cấm dừng đỗ; tập trung lực lượng xử lý dứt điểm tình trạng mất trật tự an toàn giao thông trước cổng trường học, giao cho nhà trường quản lý để bố trí khu đỗ xe, khu đợi đón con cho các bậc phụ huynh… để giảm ùn tắc và an toàn giao thông.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên