Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật: 11-03-2021 | 07:33:00

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của địa phương, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã có nhiều đổi thay và khởi sắc. Những giải pháp đồng bộ, hiệu quả của huyện đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đồng thời xây dựng được niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong ĐBDTTS; qua đó góp phần tạo nên diện mạo văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc của huyện.

 Huyện Dầu Tiếng luôn quan tâm chăm lo phát triển đời sống vật chất, tinh thần ĐBDTTS

 Từ chăm lo đời sống vật chất

Hiện nay, ĐBDTTS huyện Dầu Tiếng chiếm 0,7% dân số toàn huyện. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, trong những năm, qua công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn được các cấp ủy Đảng và chính quyền huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, chăm lo cho ĐBDTTS tại địa phương. Hiện tại đời sống của các hộ ĐBDTTS khá ổn định. Hoạt động kinh tế của đồng bào nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với việc trồng các loại cây như: Cao su, điều, mì… Ngoài ra, còn một số hộ kinh doanh buôn bán nhỏ tại các chợ trên địa bàn các xã, thị trấn. Đa phần các hộ ĐBDTTS đều có đất đai, nhà cửa ổn định và đã tiếp cận với dự án sử dụng nước sạch, nhà vệ sinh, bảo hiểm y tế bảo đảm chất lượng cuộc sống.

Ðể hỗ trợ đồng bào thoát nghèo, nâng cao đời sống, bằng nhiều nguồn vốn, huyện đã đầu tư cơ sở vật chất điện, đường, trường, trạm. Đến nay, 100% hộ dân trên địa bàn huyện được sử dụng điện lưới ổn định, đường sá khang trang trải nhựa hoặc trải bê tông đến tận nhà. Ông Kho Sanh, Phó Giáo cả Ban Quản trị Thánh đường Hồi giáo Minh Hòa, xã Minh Hòa cho biết: “Hiện nay, ấp Hòa Lộc có 87 hộ đồng bào dân tộc Chăm với 300 nhân khẩu. Được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương nên đến nay đời sống đồng bào dân tộc Chăm đã dần ổn định. 100% hộ dân đều có điện sử dụng, có nước sạch để dùng. Đường vào trung tâm làng Chăm được nâng cấp, mở rộng. Con em đến tuổi đi học đều được đến trường. Đời sống bà con làng Chăm đã đổi thay đáng kể. 50% số hộ có mức sống khá, còn lại là trung bình, không còn hộ nghèo”.

Theo lời hướng dẫn của ông Kho Sanh, chúng tôi tìm đến gia đình anh Si Ro tại ấp Hòa Lộc. Trước đây gia đình anh Si Ro nghèo nhưng đã được xã Minh Hòa hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Từ số tiền này, anh Si Ro đã đầu tư mua các vật dụng để theo nghề thợ hồ, số còn lại anh mua gà, vịt về nuôi ở vườn, cải thiện đời sống gia đình. Anh Si Ro cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay của địa phương nên đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo, đời sống đã ổn định hơn. Bản thân tôi làm thợ hồ, vợ ở nhà nuôi gà, vịt lấy trứng bán. Hiện gia đình tôi đã sắm sửa đầy đủ các phương tiện nghe nhìn và đi lại, con cái được học hành đầy đủ. Gia đình tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương luôn giúp đỡ, chăm lo đời sống ĐBDTTS như chúng tôi”. Theo số liệu thống kê, trong 5 năm qua, huyện Dầu Tiếng đã hỗ trợ, xây dựng 10 căn nhà tình thương, đại đoàn kết cho các hộ là ĐBDTTS tại xã Minh Hòa và Minh Tân. Đặc biệt, UBND huyện còn tạo điều kiện cho 1 hộ dân tộc vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua xe để đưa đón con, em dân tộc Chăm đến trường.

Đến hỗ trợ tinh thần

Không chỉ được hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, ĐBDTTS huyện Dầu Tiếng còn nhận được sự chăm lo về đời sống tinh thần. Hàng năm, huyện phối hợp với Phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật cho ĐBDTTS, tập huấn khuyến nông; tổ chức đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất, nắm bắt tâm tư nguyện vọng ĐBDTTS. Hiện nay, 100% xã, thị trấn của huyện đã được phủ sóng truyền hình, có đường truyền internet, bưu điện văn hóa xã, đã góp phần cung cấp thông tin, phục vụ đồng bào dân tộc tiếp cận khoa học kỹ thuật, sử dụng các dịch vụ công.

Để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, hưởng thụ các loại hình văn hóa của nhân dân và phục vụ các nhiệm vụ chính trị, UBND huyện Dầu Tiếng còn quy hoạch, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, cấp xã. Các thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện và cấp xã đã thưc hiện tốt nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho nhân dân và ĐBDTTS. Ngoài ra, hàng năm, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện còn tổ chức tuyên truyền Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4, tổ chức túi sách lưu động phục vụ nhân dân, trong đó có học sinh ĐBDTTS tại 12 xã, thị trấn. Những buổi sinh hoạt này đã làm phong phú đời sống tinh thần, góp phần tạo nên diện mạo văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc của huyện nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh.

Cùng với đó, huyện Dầu Tiếng cũng thường xuyên quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có uy tín trong ĐBDTTS. Các hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người có uy tín trong ĐBDTTS được huyện thực hiện thường xuyên. Các xã, khu ấp luôn quan tâm thăm hỏi, tặng quà người có uy tín nhân dịp lễ, tết, khi đau ốm, gặp khó khăn; cấp phát kịp thời, đầy đủ các ấn phẩm báo, tạp chí, giúp ĐBDTTS nâng cao nhận thức, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng khấm khá.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên