Giám đốc Sở giáo dục - đào tạo Dương Thế Phương: Thực hiện mạnh mẽ “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo”

Cập nhật: 10-03-2014 | 00:00:00

  Giáo viên trường THCS Phú An (Bến Cát) đổi mới cách dạy, bám sát học sinh

 - Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, với cương vị là người đứng đầu ngành GD-ĐT, ông đã chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện đổi mới như thế nào và bắt đầu từ đâu?

- Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, Tỉnh ủy đã xây dựng dự thảo chương trình hành động để thực hiện nghị quyết nêu trên. Trong đó có 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đến năm 2020. Về phía ngành, không chờ văn bản hướng dẫn của bộ, sở đã chỉ đạo các đơn vị, trường học căn cứ vào Nghị quyết 29, chương trình hành động của Tỉnh ủy bước vào đổi mới mạnh mẽ.

- Theo chủ trương của bộ, đầu tiên là đổi mới thi cử, đây chính là điểm nhấn thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Vậy ngành sẽ thực hiện việc này như thế nào, thưa ông?

- Thật ra ngành GD-ĐT Bình Dương đã thực hiện đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá từ mấy năm nay. Chủ trương này là phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu đổi mới giáo dục. Với phương châm “dạy thật, thi thật, chất lượng thật”, các trường phổ thông đã tổ chức kiểm tra theo đề chung cho cả khối, các đợt thi học kỳ các trường tổ chức thi tương tự thi tốt nghiệp. Với cách làm này, chúng tôi có thể khẳng định, chất lượng giáo dục trong những năm qua là chất lượng thật, đúng thực chất. Trong tình hình hiện nay, không đổi mới thi cử, kiểm tra thì học sinh sẽ học lệch. Do đó kỳ thi học kỳ II sắp tới, sở sẽ ra đề thi ở tất cả các môn từ lớp 9 đến lớp 12.

- Vậy việc thực hiện đổi mới chương trình được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Việc thực hiện đổi mới chương trình bản thân các trường đã làm. Ngành cho phép các trường linh hoạt thực hiện đổi mới chương trình phù hợp với đối tượng học sinh và đặc điểm của mỗi trường. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học. Trong năm 2013 ngành GD-ĐT đã triển khai thực hiện nhiều đề án quan trọng, trong đó có đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông.

- Cốt lõi của Nghị quyết 29 là đổi mới đội ngũ, vậy ngành đã tính toán đến việc này như thế nào, thưa ông?

- Tôi có thể khẳng định, nếu không đổi mới đội ngũ thì dứt khoát không thành công. Đổi mới ở đây là nâng chất anh em lên. Và không đợi đến khi có Nghị quyết 29, mà trước đó ngành đã xây dựng đề án “xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục từ năm 2011 đến 2015”. Mục tiêu trọng tâm của ngành là đổi mới công tác quản lý, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

Thời gian qua, các đơn vị đã rà soát đội ngũ, xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch đào tạo bồi dưỡng từng năm. Sau 3 năm thực hiện đề án, số lượng nhà giáo đã từng bước phát triển đáp ứng nhu cầu của tỉnh. Chất lượng cũng đã có những chuyển biến tích cực, hầu hết các chỉ tiêu về đào tạo bồi dưỡng đều tăng, tỷ lệ đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên tăng đáng kể.

- Xin cảm ơn ông!

H.THÁI (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X