Lặng thầm nghề công tác xã hội

Cập nhật: 14-03-2018 | 08:37:54

 Họ là người “mẹ” của những đứa trẻ khuyết tật, mồ côi; “con cháu” của những cụ già neo đơn không nơi nương tựa… Đó là hình ảnh của những người làm nghề công tác xã hội (CTXH) chúng tôi tiếp xúc tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) trong tỉnh. Để trụ được với nghề, họ phải vượt qua nhiều khó khăn và luôn tự hào về nghề của mình, nỗ lực học hỏi thêm để trở nên chuyên nghiệp hơn.

 Yêu thương như người thân

Những ngày cuối tuần, chúng tôi tham dự cùng đoàn từ thiện đến Trung tâm BTXH tỉnh để tổ chức vui chơi cho các em nhỏ bất hạnh tại đây. Một ngày phụ các bảo mẫu chăm sóc “các con” của họ mà trong nhóm chúng tôi ai nấy cũng thấm mệt, bởi số lượng trẻ ở trung tâm khá đông nhưng bảo mẫu lại ít. Không chỉ ở Trung tâm BTXH tỉnh mà ở các cơ sở BTXH trong tỉnh cũng như vậy, một “mẹ” phải chăm hơn 10 bé. Cho ăn, tắm rửa, bới tóc… cho từng bé đã hết ngày. Thế nhưng nhìn cách chăm sóc của các bảo mẫu tại các trung tâm, cơ sở BTXH họ không hề mệt mỏi mà còn hạnh phúc khi được chăm sóc, yêu thương các cháu như con của chính mình.

Chị Nguyễn Thị Trung Hiếu, bảo mẫu tại Trung tâm BTXH tỉnh vui đùa bên các “con” của mình

Trò chuyện với chúng tôi nhưng tay của chị Nguyễn Thị Trung Hiếu, bảo mẫu tại Trung tâm BTXH tỉnh vẫn không ngừng công việc rửa mặt, lau người, mặc quần áo cho trẻ, đôi mắt không ngừng quan sát xem các bé còn lại đang làm gì. Chị Hiếu nói vui với chúng tôi: “Tất cả đây là con em”. Chị bộc bạch: “Mình cho đi tình yêu thương sẽ được nhận lại sự yêu thương. Đặc biệt, với các con ở đây, các “mẹ” ở trung tâm là nguồn yêu thương duy nhất. Còn đối với các “mẹ” ở trung tâm, nụ cười của các con cũng chính là nguồn vui để các chị tiếp tục cống hiến, tâm huyết và gắn bó với nghề”, chị Hiếu chia sẻ.

Chăm sóc các em nhỏ tự kỷ, khuyết tật đã khó để làm “vừa lòng” những cụ già neo đơn là việc khó khăn hơn. Thế nhưng, các hộ lý ở những trung tâm, cơ sở BTXH trong tỉnh làm rất tốt. Chính vì vậy, các cụ luôn xem hộ lý như con, cháu của mình. Họ tâm sự những chuyện vui buồn trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, một hộ lý tâm sự, mỗi đối tượng mình phải có một cách chăm sóc riêng chứ không áp dụng chung được. Đối với chị, ngày mới vào làm chị không quen với việc các cụ hay càm ràm khi mình làm không đúng ý; hay phải lau dọn, tắm rửa cho các cụ… Thế nhưng càng làm càng thấy yêu cái công việc này, quý các cụ như người thân của mình. Chính vì vậy mỗi lúc đau bệnh không đi làm chị lại nhớ các cụ vô cùng. Chị Thủy trải lòng, cái nghề mang danh nghề CTXH này nếu không làm bằng cái tâm chắc khó theo nghề.

Hướng đến chuyên nghiệp

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các bảo mẫu, hộ lý ở các trung tâm, cơ sở BTXH đều làm bằng kinh nghiệm chứ không được học qua trường lớp. Do đó, họ rất muốn có những lớp tập huấn để bản thân có thêm kinh nghiệm chăm sóc các đối tượng, cũng như giải quyết những vấn đề phát sinh trong lúc làm việc. Chị Tâm, cán bộ Trung tâm BHXH tỉnh cho biết, mỗi khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lớp tập huấn về nghề CTXH, trung tâm có cử hộ lý, bảo mẫu tham gia. Tuy nhiên số lớp tập huấn quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của mọi người. Do đó cũng rất mong có những lớp tập huấn ngắn hạn để những cán bộ, bảo mẫu, hộ lý tại đây nắm bắt, có thêm kinh nghiệm, hướng đến sự chuyên nghiệp trong chăm sóc các đối tượng. Từ đó, đem lại sự hài lòng cho các đối tượng tại trung tâm.

Được biết, ở Việt Nam, hơn 10 năm nay, CTXH đã được coi là một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã ngạch viên chức. Ngày 25-3 hàng năm được lựa chọn là Ngày CTXH Việt Nam. Đặc biệt từ khi Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 (Đề án 32) của Chính phủ ra đời, Bình Dương cũng đã xem xét lập đề án và triển khai. Theo ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức đào tạo 2 lớp đại học chuyên ngành CTXH, hệ vừa học vừa làm. Tỉnh cũng đang xem xét nhu cầu và xây dựng kế hoạch mở lớp đại học chính quy ngành CTXH. Bên cạnh đó, hàng năm tỉnh luôn cử cán bộ công chức tham gia các khóa đào tạo do bộ tổ chức (lớp đào tạo cán bộ cấp cao ngành CTXH, khóa đào tạo giảng viên nghề CTXH); mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn.

Trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục điều tra, khảo sát hiện trạng các trung tâm, cơ sở BTXH và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH; bổ sung viên chức, công chức CTXH cho những nơi còn thiếu, yếu; đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH; tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề CTXH để thu hút học viên theo học phục vụ đối tượng BTXH tại các địa phương, trung tâm, cơ sở BTXH. Tuy nhiên, để nghề CTXH trở nên chuyên nghiệp thì rất cần sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh từ kinh phí đến cơ sở vật chất để tổ chức các lớp học, tập huấn.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên