May mắn bên đời còn có nhau...

Cập nhật: 10-12-2011 | 00:00:00

Họ là những người bất hạnh bởi khuyết tật của bản thân: “Mắt không nhìn thấy gì cả, toàn một màu tối đen thôi chị à...”. Nhưng, vượt lên tất cả những mặc cảm, nỗi đau, họ đi tìm nhau. Để rồi bất hạnh vơi bớt đi, hạnh phúc tìm về khi trong nhà có những đứa con xinh xắn, “không mù như vợ chồng tụi em” ra đời - những đứa con đem lại nguồn sáng cho ba mẹ...

Mình không cô đơn

Tủi thân, mặc cảm, luôn thấy cô đơn là những “cung bậc” cảm xúc của người khiếm thị. Khi họ biết về thân phận mình, ai cũng đau khổ đến tột cùng và những tình cảm, suy nghĩ tự ti này khiến họ sống khép kín. Không muốn làm gánh nặng cho gia đình nên ai cũng có ý thức tìm một việc làm lương thiện để tự lo cho bản thân mình.

 Vợ chồng Phương - Thủy trong một lần đi nhận quà từ thiện

Nhưng tuổi ngày một lớn và họ, 22 người mù ở đây (chiếm đa số... nhân khẩu ở Tỉnh hội Người mù hiện nay cũng dần dần trở thành những chàng trai, cô gái với khao khát tình yêu, khao khát có người tâm giao để chia sẻ cùng nhau ngọt bùi, đắng cay. Không nhìn thấy nhau nhưng trái tim, tấm lòng của họ đã “tự đi tìm nhau” và khi “bắt nhịp” được nhau rồi, họ mừng vô cùng bởi từ nay mình không cô đơn nữa của cặp đôi Thám - Vân. Thám người Nhơn Trạch, Đồng Nai và Vân ở xã Vĩnh Hòa, Phú Giáo. Họ cùng theo học với nhau lớp đào tạo nhân viên mát-xa dành cho người mù của Tỉnh hội Người mù Đồng Nai. Cùng cảnh ngộ, cả hai đã đồng cảm rồi thương yêu nhau. Sau 5 tháng học chung, tình yêu của họ cũng... “tốt nghiệp” và năm 2006, đôi này cưới nhau, cùng đưa về Bình Dương lập nghiệp. Theo Thám cho biết là: “Bên đó điều kiện khó khăn hơn nên em theo về quê vợ và hiện tại, hai vợ chồng cùng làm mát-xa. Thu nhập không cao nhưng đủ lo cho cuộc sống nếu biết tằn tiện và lo cho con cái học hành đàng hoàng”...

Cặp đôi Phương - Thủy thì “anh ở Bến Cát và em ở Thuận An, cùng quen biết nhau khi về sinh hoạt ở Tỉnh hội Người mù. Biết mình tìm được... một nửa của nhau, tụi em cưới nhau năm 1997 và từ đó đến nay, không hề thấy... ân hận vì quyết định của mình. Vợ chồng vẫn thương yêu nhau thật nhiều và ai cũng muốn bù  đắp cho nhau thật nhiều”...

Hoa hạnh phúc...

Kết quả tình yêu của Phương - Thủy là một đứa con trai thật ngoan ngoãn, học khá nay đã lên lớp 9. Thủy kể: “Vợ chồng em có nhà tình thương ở Thuận An nhưng lên đây thuê nhà trọ 500.000 đồng/tháng để đi làm cho tiện. Con trai gửi học ở nhà ông bà nội. Do được miễn giảm học phí nên tụi em chỉ lo cho con tiền học thêm 4 môn với 700.000 đồng/tháng (cô giáo cũng đã giảm rồi đó chị!). Tính ra, tụi em hiện nay là... một cảnh 3 quê. Nhà ở Thuận An, vợ chồng làm việc ở TX.TDM, con ở Bến Cát. Nhưng hạnh phúc lắm chị ạ. Tụi em không đòi hỏi gì hơn nữa...”. Câu này có lẽ nhiều người có điều kiện, sáng mắt nhưng chưa biết hài lòng cần học tập! Đó là tôi nghĩ thế khi nghe Thủy tâm sự!

Phương rất siêng... mày mò vi tính. Anh có thể tự lên mạng đọc báo, tra cứu thông tin ngoài giờ làm việc ở đây. Tối về anh “kể lại” cho vợ nghe những tin tức trong ngày. Thủy nói, đó cũng là cách anh thể hiện tình thương yêu, quan tâm tới vợ và cô thấy hạnh phúc bởi “người mù như tụi em biết giải trí gì đâu”...

Do được Tỉnh hội Người mù hỗ trợ gạo miễn phí, tiền ăn chỉ đóng... tượng trưng 5.000 đồng/ngày (trừ những ngày có tổ chức từ thiện đến nấu phục vụ) và biết tiết kiệm, tích lũy nên những đôi vợ chồng mù ở đây dần dần ổn định cuộc sống. Ổn định nhất có đôi  Hải - Diễm mua được nhà có giá 270 triệu đồng. Đôi Thám và Vân có nhà ở đường Lê Hồng Phong. Căn nhà gần 30m2 có giá 150 triệu đồng là một tổ ấm thực sự của họ. Anh chị Hồng - Hai thì có nhà và 3 căn phòng trọ cho thuê. Tất nhiên, ngoài nỗ lực của bản thân những đôi này còn được “tiếp sức” rất nhiều từ gia đình nội ngoại nhưng họ luôn là tấm gương để người cùng cảnh noi theo.

Vân nói trong niềm hân hoan: “Chiều chiều, em đi đón con bé nhà em gần 4 tuổi học bên trường Mầm non Hoa Phượng gần nơi em làm luôn nè chị. Em mù, không thấy đường nên không biết nó giống ba hay mẹ nhưng ai cũng khen nó xinh là em vui lắm rồi”. Một ngày làm việc ở phòng mát-xa của hai vợ chồng này từ 8 giờ đến 20 giờ 30 phút. Nhưng những ngày nghỉ ca, vợ chồng cùng nấu nướng, ăn uống với nhau thật vui vẻ, hạnh phúc. Vân lại lần nữa tự hào khoe rằng chồng nấu ăn nhiều hơn mình nữa. Còn Thám thì: “Nấu người ta ăn mới sợ, còn mình nấu mình ăn, cứ chín là ăn chứ sợ gì!”. Lau nhà à, cũng “ai làm mà chẳng được, việc dễ mà!”...

Cuộc sống với những đôi vợ chồng ở đây đa số vẫn còn vất vả. Nhân viên mát-xa khoảng 2 - 4 vé/ngày. Họ thu nhập khá hơn tổ làm chổi. Nhưng ai cũng “ráng vượt qua khó khăn”. Và khi có con, ai nấy rất mừng bởi con không bị khuyết tật như mình. Hạnh phúc gia đình được họ cho là  hai vợ chồng cũng có lúc này lúc khác nhưng phải biết... nương nhau mà sống. Biết lo cho gia đình, biết thương yêu nhau mới vơi bớt bất hạnh của bản thân mình...

Quen biết những đôi vợ chồng ở đây khá lâu nên cũng có nhiều điều được họ chia sẻ, tâm sự! Cũng có lúc, cuộc sống của họ gặp sóng gió chứ không hẳn “xuôi chèo mát mái” mãi được. Con người mà! Ai cũng có cái tôi của mình. Tuy nhiên, đa số họ biết thương quý, trân trọng tình cảm của nhau thật lòng. Nhiều đôi có cách yêu thương, chia sẻ với nhau thật hay. Đó là không cãi nhau. Khi vợ nóng, chồng... nguội và ngược lại! Bởi họ nói, đã mù thế này, có nhau bên đời là phải mừng chứ, cắn đắng nhau làm gì. Lo làm ăn, nuôi con và tìm hạnh phúc bình dị mà sống...

Quỳnh Như

Theo “thống kê” của anh Lê Khánh, Chánh Văn phòng Tỉnh hội Người mù thì ở đây có đến 11 đôi vợ chồng. Có đôi cả vợ chồng đều làm nhân viên mát-xa. Có đôi, vợ làm mát-xa, chồng làm chổi hoặc ngược lại! Tổ mát-xa có 9 đôi: Nguyễn Sỹ Luân - Nguyễn Hồng Nga; Nguyễn Văn Hải - Trịnh Thị Thúy Diễm; Lý Văn Toàn - Nguyễn Thị Tú; Nguyễn Văn Thám - Võ Thị Thanh Vân; Nguyễn Đình Phương - Nguyễn Thị Thu Thủy; Phạm Văn Xuân - Phạm Thị Ngọc Điệp; Nguyễn Hoài Phong - Nguyễn Ngọc Hương; Nguyễn Văn Quyền - Nguyễn Thị Ngọc Hòa; Nguyễn Văn Phong - Nguyễn Thị Kim Ngọc (chồng làm nhân viên mát-xa, vợ làm chổi). Bên tổ làm chổi có 2 cặp vợ chồng: Nguyễn Văn Anh - Nguyễn Thị Ngọc; Nguyễn Văn Hai - Nguyễn Thị Hồng. Duy nhất chỉ có chị Ngọc sáng mắt lấy chồng là người mù và cũng tình nguyện vào làm nhân viên vệ sinh ở Tỉnh hội. Hỏi anh sao “thuộc” hết tất cả các hộ gia đình trẻ ở đây thế, anh cười cho biết Tỉnh hội như một tổ ấm chung vậy và ai nấy như thành viên trong một đại gia đình, phải biết nhau, quý và thông cảm với nhau...

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên