Miền Đông vang mãi bản hùng ca

Cập nhật: 09-04-2015 | 08:18:36

Việt Nam, Tổ quốc “bên bờ sóng” trong thế kỷ XX đã làm nên những kỳ tích chấn động bằng hai cuộc chiến đánh đổ hai thế lực xâm lược sừng sỏ nhất thế giới. Điều gì đã khiến một quốc gia nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu đã chiến thắng những siêu cường, đó vẫn là câu hỏi đầy bí ẩn mà ngày nay các học giả trên thế giới vẫn đang đi tìm. Nhưng với nhân dân Việt Nam thì chẳng có gì là khó hiểu: Chúng ta đã chiến thắng không phải vì chúng ta là mình đồng da sắt mà là những con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống hơn 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng…

 Một trang sử “chân trần, chí thép”

Vâng! Chỉ có lòng yêu nước nồng nàn mới thôi thúc người dân từ trong bùn đen nô lệ đứng lên đánh giặc. Và chỉ có lòng căm thù giặc sâu sắc mới “chỉ đường” cho người nông dân bao năm gắn liền với ruộng đồng biết tạo ra những Tam giác sắt, Chiến khu Đ… kiên cường.

Trong một chuyến thăm thủ đô Matx-cơ-va (Liên Xô cũ) gặp gỡ những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Chính phủ Liên Xô, khi các nhà lãnh đạo bạn hỏi: Việt Nam có bao nhiêu quân đoàn chủ lực dự bị để đối phó với cuộc chiến tranh mở rộng của Mỹ? Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trả lời: “Tôi hiểu ý các đồng chí. Với những gì đất nước chúng tôi đang có mà ra đánh dàn hàng với đối phương, chúng tôi sẽ không đứng được đến quá một tiếng đồng hồ. Nhưng xin các đồng chí yên tâm, chúng tôi có cách đánh của chúng tôi”. Cách đánh mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời với lãnh đạo nước bạn, đó là sự quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam đứng lên đánh Mỹ bằng cuộc chiến tranh nhân dân, với chiến lược, chiến thuật: quân sự, chính trị; tiến công kẻ địch bằng 3 mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận trên cả 3 mặt trận: rừng núi, đồng bằng, đô thị.

Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở Khu di tích lịch sử địa đạo Tam giác sắt, TX.Bến Cát. Ảnh: KIẾN GIANG

Lịch sử đã chứng minh sự sắc bén về chiến lược của tướng Giáp. Để đánh đổ những đế quốc hùng mạnh, trong hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ chúng ta đã phát động chiến tranh toàn dân, cả nước cùng đánh giặc để cuối cùng lập nên những chiến thắng vang dội. Toàn dân đánh giặc là một ưu việt của người dân Việt Nam mỗi khi Tổ quốc lâm nguy. Quay về lịch sử, sự ra đời của địa đạo Tây Nam Bến Cát sẽ thấy rõ điều đó. Căn cứ này được hình thành từ năm 1948, bắt đầu từ trận đánh đồn Rạch Bắp. Để đánh thắng trận này, đồng chí Lâm Quốc Đăng, Huyện đội trưởng Bến Cát lúc bấy giờ đã vận dụng kinh nghiệm đào địa đạo của nhân dân Phú Thọ Hòa quê ông, hướng dẫn cho du kích đào đường hầm xuyên vào đồn để đưa thuốc nổ vào lòng địa đạo diệt đồn. Do đào chệch hướng nên chỗ đặt bộc phá nổ cách đồn vài chục mét. Trận đánh đồn Rạch Bắp lần ấy không thành công, nhưng sau đó nhân dân ba xã Tây Nam đã vận dụng tổ chức đào từng đoạn địa đạo để ẩn nấp, tránh các cuộc càn bố của địch.

Sang thời đánh Mỹ, phong trào đào địa đạo phát triển rầm rộ hơn với chủ trương biến lòng đất thành một chiến trường đánh giặc. Để thực hiện được chủ trương này, cấp ủy Đảng ba xã Tây Nam Bến Cát đã phát động một phong trào rộng rãi trong nhân dân để đào địa đạo: Chồng vác xuổng, vợ vác len/ Con xách lồng đèn, cầm vá theo sau/ Cả nhà chung sức với nhau/ Đào hố, đào hào, chống đạn, chống bom… Trong cuốn sách “Lịch sử địa đạo ba xã Tây Nam” có đoạn viết: “Nếu như trên thế giới xây dựng hệ thống xe điện ngầm bằng các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại thì công trình đào địa đạo ở Bến Cát là công trình của lòng yêu nước, của truyền thống bất khuất hơn 4000 năm giữ nước, của ý chí độc lập tự do”. Đó còn là biểu tượng sáng ngời của toàn dân đánh giặc. Kẻ địch không thể hiểu nổi, vì sao chúng đã thả hàng ngàn tấn bom đạn nhưng dưới lòng đất của ba xã Tây Nam nhỏ bé, sự sống và chiến đấu vẫn tiếp diễn.

Những tên người bất khuất

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta thật hào hùng. Tuy vậy, có cuộc chiến nào mà không mất mát hy sinh. Kết thúc kháng chiến chống Mỹ, ba xã Tây Nam có 1.043 người hy sinh, trong đó có 2 gia đình có 6 người con là liệt sĩ; 2 gia đình có 5 người con liệt sĩ. Đó là, gia đình má Hai Thơ, bà Nguyễn Thị Trông ở An Điền, ông Trương Văn Sử…. Chiến công của họ đã được ghi vào trang sử truyền thống của địa phương. Tổng cộng có 4 du kích đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, gồm: Liệt sĩ Nguyễn Văn Chê, bà Võ Thị Huynh, ông Nguyễn Văn Thâm, ông Phạm Văn Trọng. Ba xã Tây Nam Bến Cát có hơn 90 mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó nổi tiếng nhất là má Hai Thơ, ở xã Phú An. Má Hai Thơ nay không còn nữa, hiện ông Đỗ Văn Tranh là con út của má đang thờ cúng. Hôm về xã Phú An, ông Tranh dẫn tôi vào thắp hương trên bàn thờ gia tộc, khiến chúng tôi vừa tự hào vừa xúc động. Trong cuộc chiến, gia đình má Hai Thơ có 6 người con đã hy sinh vì Tổ quốc.

…Trong đấu tranh, người miền Đông anh dũng/ Trong lao động, người lại cũng anh hùng… Thật khó hình dung vùng đất thanh bình với bao nhiêu nhà máy, xí nghiệp, những khu công nghiệp rộn ràng hôm nay, lại chính là nơi mà trước đây đã bị bom cày đạn xới tơi bời. Ba xã Tây Nam Bến Cát hôm nay đang khoác lên mình màu áo mới. Những con đường mở rộng nối dài xen lẫn những công trình, những vườn cây trái sum suê, trù phú và sầm uất. Trong tương lai, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, các chủ trương phù hợp của lãnh đạo tỉnh nhà, Bến Cát sẽ còn vươn mình để trở thành một đô thị năng động phía bắc tỉnh, xứng đáng là mảnh đất anh dũng trong đấu tranh và sáng tạo trong lao động sản xuất.

KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên