Người đưa đò ở “bến tri ân”

Cập nhật: 15-10-2011 | 00:00:00

Không dừng ở đó, mỗi khi có thông tin về liệt sĩ bị sai lệch giữa bia mộ và hồ sơ, anh lại đối chiếu với giấy tờ gốc của đơn vị trước khi liệt sĩ hy sinh để tìm lại đúng tên tuổi của liệt sĩ, công bố lên blog, gửi thư về cho gia đình liệt sĩ, giúp họ tìm kiếm. Bằng xe máy, nhiều năm qua, anh tới rất nhiều nghĩa trang từ TP.HCM đến các tỉnh Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước để chụp ảnh bia mộ và tìm thông tin về liệt sĩ. Hàng trăm lá thư được anh gửi cho các thân nhân liệt sĩ hoặc dẫn đường cho họ tìm kiếm.

Kỳ 1: Câu chuyện đi tìm anh

Gần một năm trời, qua nhiều lần đi lại từ Bình Dương lên Long An, tìm kiếm, xác minh từ những tàng thư của đồng đội và đơn vị, anh Nguyễn Sỹ Hồ và gia đình mới tìm thấy phần mộ của anh trai cùng 6 đồng đội. Tuy nhiên, để tìm lại tên tuổi cho họ, anh và người thân đã phải trải qua một hành trình gian truân nữa.

Từ TP.HCM, tôi gọi điện hẹn gặp anh. Khi tôi tới nơi, anh cũng vừa dạy xong tiết cuối, vừa về nhà. Ngồi nói chuyện mới biết, quê anh ở xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, đồng hương với tôi...

Lần theo manh mối

Trong ngôi nhà nhỏ ở xã Tân Bình, huyện Tân Uyên (Bình Dương), với giọng điềm đạm và dí dỏm, người thầy giáo hiền hòa phúc hậu Nguyễn Sỹ Hồ đã kể cho tôi nghe về công việc “ăn cơm nhà đi... tìm liệt sĩ” của mình. Nhưng trước khi vào chuyện, xin được nói đôi nét về anh. Nguyễn Sỹ Hồ sinh năm 1956, học Đại học Sư phạm Vinh, khoa toán năm 1977. Năm 1981, anh ra trường và được phân công vào huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) giảng dạy. Thời gian sau, anh được điều về dạy ở trường THPT Tân Bình (xã Tân Bình, Tân Uyên, Bình Dương) cho đến nay. Anh có người anh trai cả tên Nguyễn Đăng Khoa đi bộ đội năm 1968. Năm 1971, anh Khoa về thăm gia đình để đi B rồi hy sinh. Giấy báo tử ghi anh hy sinh ngày 15-10-1972 tại mặt trận phía Nam. Gia đình lấy ngày 15-10 làm ngày giỗ anh. Đồng đội nói anh hy sinh ở chiến trường tỉnh Quảng Trị. Nhiều năm liền gia đình anh đi tìm mộ anh Khoa nhưng không thấy!

Năm 2007, anh Hồ về quê thăm gia đình. Khi lần giở lại những giấy tờ kỷ vật của anh trai, anh Hồ thấy rơi ra một tờ giấy khen của anh Khoa do Nguyễn Đình Ích - Thủ trưởng Trung đoàn 271 - ký tặng. Từ đầu mối đó, anh Hồ gọi điện về Trung đoàn 271, biết tin trung đoàn hiện đóng quân ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Vào Bình Dương, anh Hồ đến Trung đoàn 271 tìm kiếm thông tin về anh Khoa và biết chuyện anh Khoa hy sinh ở Quảng Trị là nhầm lẫn. Vì lúc đó Trung đoàn 271 được tách làm 2 đơn vị là 27 và 271. Đơn vị 27 ở lại chiến đấu. Anh Khoa theo 271 đi B dài. “Trong tàng thư của Trung đoàn 271 còn giấy viết tay của đồng đội nói anh hy sinh ngày 16-4-1973 ở Mỹ Thạnh Đông, xã Đức Hòa, tỉnh Long An. Lúc đó anh tôi cùng đồng đội đi Ba Thu - Campuchia về đến biên giới thì bị phục kích và họ hy sinh. May còn một người sóng sót tên Thành quay lại báo cáo với bộ đội địa phương chôn cất. Anh Thành còn vẽ lại sơ đồ của những ngôi mộ. Tiếc là khi tôi đi tìm thì anh Thành không còn sống”, anh Hồ kể lại.

Hành trình đi tìm anh

Sau đó, anh cùng gia đình đi tới nghĩa trang huyện Đức Hòa, tỉnh Long An tìm kiếm. “Chúng tôi hồi hộp dò từng dòng tên trong danh sách liệt sĩ do Trung đoàn 271 yêu cầu địa phương Đức Hòa tiếp tục quy tập về nghĩa trang. Trong danh sách này có tên anh tôi, nhưng trong sổ quản trang không có tên anh!”, anh Hồ nhớ lại.

Trao đổi với người quản trang nghĩa trang huyện Đức Hòa, họ mới biết xã Mỹ Thạnh Đông thuộc huyện Đức Huệ. Có thể anh Khoa được quy tập về nghĩa trang Đức Huệ. Vậy là họ đến đó. Tới nghĩa trang, dù được anh Hai Chỉnh - quản trang nghĩa trang huyện Đức Huệ - mang hồ sơ cho họ dò tìm, họ rất thất vọng vì không thấy tên anh Khoa. Lý do là có hơn 3/4 là liệt sĩ vô danh ở nghĩa trang này!

Anh Hồ trở lại Trung đoàn 271, gặp đại úy Toản, người phụ trách công tác chính sách trung đoàn, mang toàn bộ hồ sơ lưu trữ dò tìm. Anh Hồ tìm thấy một quyển sổ ghi chép của đồng đội anh Khoa, trong đó có biên bản kiểm tra mồ mả liệt sĩ đợt 2 ở khu vực Đức Hòa, Long An. Biên bản cho biết anh Khoa được chôn cất tại xã Mỹ Thạnh Tây huyện Đức Huệ cùng với 6 đồng đội nữa. Biết tin đó, họ đến Mỹ Thạnh Tây, một xã sát biên giới Việt Nam - Campuchia của huyện Đức Huệ. Nhưng khi đến gặp chính quyền xã, thì họ khẳng định là không có ai là liệt sĩ được chôn ở đây.

Anh lại quay về Ban chính trị Trung đoàn 271 tiếp tục tìm kiếm. “Đã hết cả một buổi chiều lục lọi nhưng tôi vẫn không tìm ra manh mối nào. Đang ngao ngán và chán nản, thì kỳ lạ sao, tôi chợt nhìn thấy tấm bản đồ chôn cất liệt sĩ mà tôi đang cần. Trên tấm bản đồ này ghi rất rõ ràng: 7 liệt sĩ hy sinh tại ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Thạnh Tây và được chôn tại ấp Voi (xã Mỹ Thạnh Tây, Đức Huệ, Long An) trong đó có tên anh tôi. Trước khi tạm biệt tôi nói với anh Toản: “Những tờ giấy cũ này nhưng là vô giá! Nó không thể mua được bằng tiền. Xin các đồng chí hãy nâng niu, hãy cất giữ cẩn thận vì đang còn rất nhiều thân nhân các liệt sĩ cần tới chúng”.

Được anh Ba Tuấn, Phó Chủ tịch xã Mỹ Thạnh Tây, giúp anh Hồ gặp anh Sáu Dân là bộ đội địa phương thời kỳ 1972-1975. Anh Sáu đã tham gia chôn cất 7 liệt sĩ. Người dân địa phương xác nhận thêm, sau giải phóng 7 mộ liệt sĩ được chôn tại đây theo hướng bắc - nam vẫn còn nguyên vẹn. Đến năm 1982 huyện quy tập về nghĩa trang Đức Huệ. Người dân nơi đây còn gọi khu đất này là “khu bảy mộ”. Anh Hồ và gia đình tới Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Đức Huệ và tìm thấy sơ đồ quy tập 7 liệt sĩ từ Mỹ Thạnh Tây về nghĩa trang Đức Huệ.

“Đến đây tôi lại thắc mắc: Vì sao trong bản đồ của đồng đội để lại thì ghi là chôn tại ấp Voi, gần nhà ông Sáu Huỷnh mà sơ đồ của nghĩa trang thì ghi 7 mộ của Mỹ Thạnh Tây? Khi anh Ba Tuấn dẫn đến gặp ông Hai Cậy, nguyên là Huyện đội trưởng Đức Huệ thời kỳ 1972-1975 thắc mắc đó đã sáng tỏ. Ông Hai Cậy cho biết: “7 chiến sĩ này là bộ đội thuộc Trung đoàn 271 được cử đi dự đại hội chiến sĩ thi đua và bị phục kích. Lãnh đạo và nhân dân địa phương nhiều người còn nhớ rất rõ sự kiện này. Tôi là người chỉ đạo việc chôn cất 7 liệt sĩ. Xã Mỹ Thạnh Tây chỉ có duy nhất ở ấp Voi là chôn 7 liệt sĩ”, anh Nguyễn Sỹ Hồ kể.

Để chắc ăn, anh Hồ đối chiếu trang chép tay của đồng đội anh Khoa ghi: “Ấp Voi - Mỹ Thạnh Tây: 7 mộ (chiến sĩ thi đua 1972)” với cuốn “Lịch sử Trung đoàn bộ binh 271” của Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 5, Quân khu VII, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, ấn hành năm 2007. Ở trang 131 của sách ghi: “Ngày 16-4-1973, 11 đồng chí ở Tiểu đoàn 9 có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu được cử đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua của trung đoàn. Trên đường đi đến địa điểm tổ chức đại hội, các đồng chí lọt vào trận địa phục kích của đại đội thám sát 773 của Tiểu khu Hậu Nghĩa và đã anh dũng hy sinh...”. Đối chiếu các thông tin trên, anh Hồ thấy hoàn toàn trùng khớp.

Anh Hồ đã tìm thấy phần mộ anh trai. Nhưng do khi quy tập, 7 ngôi mộ đã bị mất tên, không còn biết phần mộ nào là của ai nữa. Để tìm ra tên tuổi cho anh trai và các đồng đội, anh Hồ lại phải tiến hành xét nghiệm ADN. Nhưng chi phí xét nghiệm ADN rất tốn kém. Tiền đâu để xét nghiệm?

NGUYỄN VĂN THỊNH

Kỳ 2: Dùng công nghệ “đưa đò” cho những linh hồn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên