Nhận lỗi khó vậy sao?

Cập nhật: 05-12-2018 | 07:14:29

Trong lúc dư luận xã hội về “nỗi đau 231 cái tát” vì cô giáo chủ nhiệm cho phép các bạn tát một học sinh đến mức phải nhập viện đã tạm lắng xuống thì nay lại “dậy sóng” một lần nữa. Bởi cái kiểu điều tra... ngược đời, ép học sinh không dám nói lên sự thật khiến dân tình lại một phen nữa phẫn nộ...

Diễn biến mới nhất của vụ việc này là Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) yêu cầu trường THCS Duy Ninh chấm dứt việc điều tra, lấy lời khai của học sinh liên quan đến vụ một học sinh lớp 6 bị tát 231 cái. Đồng thời kiểm điểm nghiêm túc về việc làm không phù hợp này.

Trước đây cũng từng có một hiệu trưởng lái xe hơi vào trường đụng phải học sinh cũng “phát phiếu điều tra học sinh” khiến mọi người bức xúc. Thì nay lại một vụ điều tra phản giáo dục nữa được thực hiện. Chúng ta thường dạy con cái cũng như tự nhắc nhở bản thân rằng phải biết chịu trách nhiệm, nhận trách nhiệm những việc mình đã làm sai. Sẵn sàng nhận lỗi và sửa sai khi làm cho ai đó tổn thương hay gây ra hậu quả không đáng có. Tuy nhiên, ở đây môi trường giáo dục lại đi ngược với tất cả những điều trên khiến cho dư luận ngày càng “bực bội”.

Tôi còn nhớ ngày con trai vào lớp 6, trong tuần đầu tiên đến lớp, nhà trường cho các em học sinh làm quen với môi trường học tập mới. Đó là môi trường học tập hoàn toàn khác với cấp tiểu học mà các em đã trải qua trong 5 năm. Trong số mấy chục điều nội quy của trường có nhắc nhở về: Đạo đức, ăn mặc, lối sống, không bạo hành học đường, không nói tục chửi thề, lễ phép kính trên nhường dưới... Tất cả được quy định rõ ràng trong 2 trang viết và tôi cũng nhắc nhớ con trai mình phải học thuộc lòng để trả lời cô giáo chủ nhiệm bất cứ điều gì mà cô giáo hỏi tới. Vậy mà ở câu chuyện giáo dục đang nóng hổi này thì mọi việc đã đi quá xa, để cái sai này chồng lên cái sai kia mà lẽ ra người làm ra lỗi biết chịu trách nhiệm, nhận lỗi và khắc phục hậu quả do mình gây ra thì mọi chuyện sẽ không có gì để bàn.

Vai trò của giáo dục là hướng con người đến với nhân văn, nhân bản hơn, hòa hiếu hơn. Giáo viên dạy học sinh học để biết, học để làm việc, học để chung sống trong cộng đồng, học để khẳng định bản thân mình. Đơn giản thế thôi và luôn luôn trong quá trình đó, ai có lỗi, phải biết nhận lỗi.

Chừng nào việc nhận lỗi còn quá khó như thế, bao biện như thế, tìm các mối quan hệ để che giấu sai lầm như thế thì vấn đề sẽ còn... phức tạp!

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X