Nhiều biện pháp ứng phó với nguy cơ cháy rừng

Cập nhật: 18-03-2015 | 09:00:37

Thời điểm hiện nay bắt đầu bước vào mùa khô nên nguy cơ cháy nổ xảy ra rất cao. Nhằm chủ động ứng phó, ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành đã xây dựng phương án phòng, chống cháy rừng (PCCR), trong đó rừng phòng hộ Núi Cậu (Dầu Tiếng), Khu di tích lịch sử rừng Kiến An (xã An Lập, Dầu Tiếng) được xem là những “điểm nóng” cần quan tâm.

Các lực lượng ở rừng phòng hộ Núi Cậu - Dầu Tiếng quét lá tạo hành lang chống cháy. Ảnh: C.KHANH

Nguy cơ cháy

Ông Lưu Tuấn Bằng, Ban Quản lý Bảo vệ rừng (BQLBVR) cho biết, rừng phòng hộ Núi Cậu có địa hình rất phức tạp, đồi núi cao, hiện trạng là rừng non tái sinh, rừng trồng bổ sung và trồng toàn diện cây gỗ còn nhỏ. Thảm thực vật rừng chủ yếu là trúc đá, cỏ mỹ, cỏ tranh. Độ tàn che của rừng còn thấp, chưa đạt yêu cầu kỹ thuật... Vào mùa mưa, cây bụi, cỏ tranh, cỏ mỹ, trúc đá… phát triển rất tốt nên mùa khô sẽ tạo thêm khối lượng vật liệu cháy rất lớn.

Theo ông Bằng, điều đáng lo là trong rừng phòng hộ có một số hộ dân sinh sống, họ chủ yếu làm rẫy, lập vườn. Đó là chưa kể nơi đây có khu vực hồ Than Thở và chùa Thái Sơn - Núi Cậu thu hút rất nhiều khách hành hương. Thời gian qua, một số khách tham quan du lịch chưa có ý thức tốt trong công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Mặt khác, người dân sinh sống ven và xung quanh các khu rừng đã khai phá lấn chiếm diện tích rừng phòng hộ Núi Cậu để mở rộng diện tích đất sản xuất nên ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy. Ông Bằng cho biết hiện nay lực lượng của BQLBVR túc trực 24/24, với 3 chốt trực. Ngoài lực lượng chính còn có một số người dân được ký hợp đồng tham gia bảo vệ rừng. Bên cạnh đó còn có lực lượng liên ngành như: Kiểm lâm, công an, quân đội thực hiện quy chế phối hợp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Khi xảy ra cháy sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ các địa phương trong việc chữa cháy rừng. Nếu phát hiện có đám cháy, lực lượng sử dụng các dụng cụ tại chỗ như bình xịt nước nhựa, cào cỏ, dao, rựa… để chặt cây tách đám cháy ra nhằm khống chế đám cháy tạm thời, đồng thời báo tin với các ban, ngành, đoàn thể và lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến hỗ trợ ứng phó chữa cháy.

Tại rừng lịch sử Kiến An (xã An Lập) nhằm bảo đảm công tác bảo vệ rừng và PCCR, thời gian qua Trung tâm Phát triển Quỹ đất đã phối hợp với Ban Quản lý dự án huyện, UBND xã An Lập, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm liên huyện thực hiện công tác kiểm kê, bồi thường giải tỏa cho các hộ dân sinh sống, sản xuất trong khu vực quy hoạch di tích lịch sử, đồng thời triển khai thực hiện khu quy hoạch tái định cư ở An Lập. Hiện trạng rừng trong khu vực quy hoạch chủ yếu là rừng non tái sinh, cây gỗ còn nhỏ và các vườn cao su, điều, tầm vông của các hộ dân trồng nhưng không chăm sóc đã ảnh hưởng đến công tác bảo vệ cây trồng và rừng tự nhiên.

Phương châm 4 tại chỗ

Ông Võ Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Hiện nay, trên toàn tỉnh có 10.844 ha rừng. Cuối mùa khô năm 2014, Ban chỉ đạo PCCR tỉnh đã khảo sát thực tế tại các cánh rừng. Trên cơ sở khảo sát tại hiện trường, cũng như dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Trung ương cho thấy khả năng 2015 tình hình thời tiết có biến đổi bất thường do sự cố nóng lên toàn cầu. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nguy cơ cháy rừng.

Trước nguy cơ cháy rừng xảy ra cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo sâu sát về việc PCCR trong mùa khô. Cụ thể, Chi cục Kiểm lâm là đơn vị thường trực Ban chỉ đạo, phối hợp với các ngành, các cấp liên quan như: Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị nơi có rừng thực hiện tốt công tác phòng cháy, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Theo ông Võ Thành Long, riêng ngành kiểm lâm hàng năm đều lập kế hoạch PCCR, duy trì thường xuyên công tác diễn tập phòng cháy chữa cháy; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, địa phương. Ngành thực hiện phương châm 4 tại chỗ là: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Các ban ngành cũng thường xuyên kết hợp với các phương tiện truyền thông để thông tin đến người dân địa phương cùng chung tay bảo vệ rừng, không chặt cây, đốt phá rừng làm nương rẫy…

“Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác dự báo, chủ động ứng phó với nguy cơ cháy rừng nên Bình Dương không xảy ra cháy rừng lớn. Tuy nhiên, không vì thế mà công tác PCCR bị lơ là. Bình Dương đang tập trung triển khai tất cả các phương án để bảo vệ, PCCR” - ông Võ Thành Long cho biết.

CÔNG KHANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên