Những nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn phổ cập bậc trung học

Cập nhật: 31-10-2011 | 00:00:00

Là xã vùng xa của huyện Phú Giáo đồng thời là xã vừa mới được tái lập, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nên đời sống của người dân xã An Thái còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí bước đầu còn thấp. Tuy nhiên, với tinh thần hiếu học, cùng với nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong công tác giáo dục, An Thái vừa được công nhận xã đạt chuẩn bậc trung học. Kết quả này ghi nhận những nỗ lực phấn đấu của Đảng, chính quyền và nhân dân. 

Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh trao chứng nhận xã đạt chuẩn phổ cập bậc trung học cho xã An Thái

 Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhận xét An Thái là xã vùng sâu, vùng xa, còn nhiều khó khăn, nhưng đã trở thành xã thứ 38 của tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập bậc trung học. Thành tích này ghi nhận những nỗ lực phấn đấu của tất cả mọi tầng lớp nhân dân trong xã. Và đây cũng là một trong những điển hình tiêu biểu của ngành giáo dục tỉnh Bình Dương trong công tác phổ cập giáo dục bậc trung học. Trên thực tế, những đánh giá, nhận xét của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh có đầy đủ cơ sở thuyết phục, bởi hiện nay trên địa bàn xã đã có những dòng họ hiếu học, gia đình hiếu học; tiêu biểu nhất là dòng họ Nguyễn Công, với rất nhiều em học sinh đã, đang theo học tại các trường đại học, nhiều học sinh là những học sinh giỏi của các cấp học từ tiểu học đến THPT trong huyện. Để đạt được kết quả trong công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục trong những năm qua, theo ông Vũ Văn Chửng, Bí thư Đảng ủy xã An Thái ngoài sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh và huyện luôn hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho xã về mọi mặt như đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, phân bổ đầy đủ nguồn giáo viên đứng lớp có trình độ, năng lực chuyên môn cao, có nhiệt huyết, tâm huyết với nghề ra, thì để quyết định sự thành quả ngày hôm nay đó còn là sự phấn đấu không ngừng của toàn thể nhân dân trong xã, nhất là ý chí vươn lên để khẳng định mình của các gia đình, của các em học sinh, của toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức các trường trên địa bàn xã. Cùng với đó là tinh thần trách nhiệm của Ban chỉ đạo chống mù chữ, phổ cập giáo dục của xã, công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy, UBND. Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên một sức mạnh đoàn kết để xã nhanh chóng vươn lên trở thành xã đạt chuẩn phổ cập bậc trung học.

Hàng năm tỷ lệ huy động thanh thiếu niên từ 15 đến 21 tuổi tốt nghiệp THCS theo học chương trình phổ cập bậc THPT của xã đạt trên 83%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp chương trình phổ cập bậc THPT đạt trên 82%, số thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 18 đến 21 có bằng tốt nghiệp THPT hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề hoặc hoàn thành chương trình THPT hoặc giáo dục thường xuyên đạt trên 60%. Hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cũng được quan tâm trong đó Ban giám hiệu các trường luôn quan tâm chú trọng đến công tác xây dựng đội ngũ giáo viên có năng lực thực hiện phương pháp dạy học theo phương pháp mới, theo chương trình mới; quan tâm, chú trọng đến chất lượng học tập của học sinh như xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch bồi dưỡng học sinh khá giỏi; phụ đạo học sinh yếu kém; kịp thời giúp đỡ, động viên những học sinh có hoàn cảnh khó khăn tạo điều kiện cho các em đến lớp; kịp thời vận động các em nghỉ bỏ học tiếp tục đến lớp. Đặc biệt công tác xã hội hóa giáo dục của xã trong những năm qua luôn được các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn, Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh hỗ trợ tích cực về mọi mặt, trong đó tiêu biểu có gia đình ông Nguyễn Xuân Diệu và gia đình ông Bùi Duy Tâm ở ấp Tân Thái.

Với những kết quả bước đầu đạt được trong công tác phổ cập giáo dục bậc trung học vừa qua, theo ông Bùi Văn Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã An Thái, Trưởng Ban chỉ đạo chống mù chữ - phổ cập giáo dục xã cho biết để công tác phổ cập giáo dục của xã ngày càng nâng cao và duy trì thành tích được công nhận xã đạt chuẩn phổ cập trung học trong những năm tới, Đảng, chính quyền và nhân dân xã không ngừng nỗ lực hơn nữa xây dựng các giải pháp và thực hiện tốt các giải pháp phổ cập giáo dục; trong đó vai trò của Ban chỉ đạo xã, Ban giám hiệu các trường là yếu tố quan trọng, cùng với tinh thần xã hội hóa giáo dục và tinh thần xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học trong mỗi người dân.

HOÀI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên