Phát huy quyền tham gia của trẻ em ở các diễn đàn

Cập nhật: 27-10-2016 | 08:59:15

Từ lâu, quyền trẻ em (TE) nói chung, quyền tham gia nói riêng đã được Nhà nước bảo đảm và quan tâm đặc biệt. Tới đây, các quyền này sẽ được thực hiện đầy đủ hơn, tạo cơ hội cho TE thực hiện quyền chính trị, xã hội của mình trong mối tương quan với các quyền dân sự, văn hóa và kinh tế.


TE tham gia thảo luận nhóm tại Diễn đàn TE tỉnh Bình Dương năm 2016

Để thúc đẩy các quyền TE, ngày 3-8-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1235/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của TE vào các vấn đề về TE giai đoạn 2016-2020. Theo đó, 100% pháp luật, chính sách về TE ở Trung ương, tỉnh, huyện; 90% các quyết định có liên quan đến TE trong nhà trường, trong cộng đồng, xã hội được tham vấn ý kiến TE; đồng thời, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện ít nhất 2 mô hình thúc đẩy quyền tham gia của TE vào các vấn đề về TE. Thực hiện chỉ đạo trên, tỉnh Bình Dương đã ban hành Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của TE vào các vấn đề về TE giai đoạn 2016- 2020 với nhiều dự án, chương trình thiết thực, thúc đẩy quyền tham gia của TE, đặc biệt là diễn đàn TE năm 2016.

Diễn đàn TE tỉnh Bình Dương năm 2016 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho TE” được tổ chức, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Thông tư số 33/2014/TT-BLĐTBXH ngày 24-12-2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn tổ chức Diễn đàn TE các cấp. Diễn đàn cũng là nơi để các em rèn luyện các kỹ năng, làm việc nhóm, thuyết trình, đặt câu hỏi, phản hồi, lắng nghe… Những ý kiến của các em đã thể hiện sự tự tin để độc lập suy nghĩ với đầy đủ tính năng động, sáng tạo, mạnh dạn dám nêu lên những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà các em đã quan sát, đã cảm nhận được tại địa phương mình... Qua đó, đã góp phần thực hiện tốt các quyền của TE theo luật định.

Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp có liên quan đã tham gia tích cực vào việc chuẩn bị, tổ chức và tham dự Diễn đàn TE các cấp. Đặc biệt là cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp các câu hỏi của TE tại diễn đàn một cách thân thiện, thẳng thắn, gần gũi với TE xoay quanh việc thực hiện quyền tham gia của TE ở trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và trong việc phòng chống, tai nạn thương tích TE. Điều này cho thấy sự quan tâm, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp đối với công tác chăm sóc, giáo dục bảo vệ TE.

Chương trình đưa ra nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, sự cần thiết về quyền tham gia của TE, giúp cho TE chủ động, sáng tạo, tự tin trong cuộc sống, trở thành chủ nhân tương lai của tỉnh nhà và đất nước. Nâng cao năng lực về quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của TE cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân.

Hàng năm, các chiến dịch truyền thông nhân Tháng hành động vì TE, Hội khỏe Phù Đổng, dịp hè… tổ chức thường xuyên xuống tận cơ sở để thúc đẩy sự thay đổi nhận thức và sự quan tâm của toàn xã hội về thực hiện quyền tham gia của TE. Ngoài xây dựng thông điệp, các chương trình truyền thông chuyên đề về TE, tư vấn tại cộng đồng, truyền thông trực tiếp và gián tiếp đến các đối tượng của dự án… cần chú trọng việc giới thiệu các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong việc thực hiện, thúc đẩy quyền tham gia của TE.

“Việc thực hiện đầy đủ quyền TE là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị địa phương, của mỗi gia đình và cộng đồng xã hội. Đây là việc làm cần thiết nhằm từng bước bảo đảm quyền lợi mọi mặt cho trẻ và quyền được tham gia là một trong số đó”.

(Bà Trịnh Thị Huyền, Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc TE, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

 

HUỲNH THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên