Phát triển cây măng cụt ở Dầu Tiếng: Vừa mừng, vừa lo

Cập nhật: 31-10-2013 | 00:00:00

Bài 1: “Giấc mơ” cây măng cụt

Thời gian thu hoạch dài, giá trị kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần so với cây lúa, giá bán lại ổn định nên trong những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Dầu Tiếng đã chọn cây măng cụt để phát triển kinh tế gia đình. Hiệu quả từ cây măng cụt ở Dầu Tiếng đã được kiểm chứng trong thời gian qua. Tuy nhiên, phát triển ở mức độ nào, quy hoạch ra sao, chọn giống và điều kiện thổ nhưỡng như thế nào… là điều mà người dân cần tìm hiểu cặn kẽ để có sự phát triển ổn định, lâu dài.  

Anh Nguyễn Văn Tỵ tự hào với sản phẩm măng cụt của vườn nhà mình đã đoạt giải nhì Hội thi trái cây ngon - an toàn Nam bộ lần V-2013

“Lối ra” từ măng cụt

3 năm trở lại đây, thu nhập của gia đình anh Nguyễn Văn Tỵ ở ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền (Dầu Tiếng) đã được cải thiện đáng kể. Giờ đây việc làm nông của gia đình anh Tỵ khá nhàn nhã. “Nhờ măng cụt cả đó các anh ạ”, anh Tỵ mở đầu câu chuyện với chúng tôi.  

Những diện tích đất thường xuyên ngập nước cũng được người dân xã Thanh Tuyền chuyển sang trồng măng cụt

Cách đây khoảng 8 năm, khi đó gia đình anh Tỵ với 1 ha đất trồng lúa hai vụ là nguồn thu nhập chính. Song việc trồng lúa vất vả, cộng với đầu tư lớn về phân bón, thuốc men nên sau khi trừ chi phí thì thu nhập còn lại sau mỗi mùa thu hoạch không được là bao. Không thể gắn bó mãi với cây lúa khi đã bỏ ra nhiều công sức mà hiệu quả thấp, anh Tỵ manh nha chuyển đổi cây trồng. Nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn cây lúa đã được gia đình anh thử nghiệm nhưng phải đến khi “bén duyên” với cây măng cụt anh Tỵ mới yên tâm và bắt đầu dốc vốn đầu tư. Trước khi anh Tỵ trồng măng cụt thì trên địa bàn xã Thanh Tuyền cũng có nhiều người đã trồng loại cây này. Tuy nhiên, do nhiều nông dân chưa nắm bắt được kỹ thuật và chọn giống không phù hợp hoặc chưa chú trọng đầu tư đúng mức nên cây măng cụt chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, cộng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã học hỏi được, anh Tỵ đã bước đầu thành công với cây măng cụt. Cách đây 3 năm, gia đình anh đã thu hoạch lứa măng cụt đầu tiên, đó là thành quả sau 5 năm chăm sóc và chờ đợi. Tuy lứa đầu chưa đem lại lợi nhuận cao nhưng hứa hẹn sẽ là nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Trong vụ măng cụt năm 2012, anh thu được tổng cộng trên 2 tấn, với giá bán bình quân 25.000 đồng/kg. Anh Tỵ cho biết, không như những loại cây trồng khác, cây măng cụt cho lượng quả năm sau luôn cao hơn năm trước. “Nếu chăm sóc đàng hoàng, đúng quy trình kỹ thuật thì cây măng cụt có thể cho thu hoạch hàng chục, thậm chí cả trăm năm và dĩ nhiên “ăn đứt” cây cao su về thu nhập cũng như công thu hoạch…”, anh Tỵ so sánh.

Tìm chỗ đứng trên thị trường

“Cây măng cụt nhà tui đã đi… du lịch Suối Tiên rồi đó”, vừa nói anh Tỵ vừa đi lấy từ trong tủ kiếng ra một tấm giấy được lồng trong khung gỗ cẩn thận. Đó là giấy chứng nhận của Ban tổ chức Hội thi trái cây ngon - an toàn Nam bộ lần V-2013 tại TP.HCM, chứng nhận măng cụt nhà anh đoạt giải nhì của hội thi. Đây là hội thi nằm trong chương trình Lễ hội trái cây Nam bộ được TP.HCM tổ chức tại Khu du lịch Suối Tiên. Đây là hội thi có uy tín, thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem và nơi đây cũng là “võ đài” để các loại cây trái đặc sản, an toàn của nhiều tỉnh, thành ở Nam bộ thi thố chất lượng của mình.

Anh Tỵ nói rằng, khi được Hội Nông dân xã và Trạm Khuyến nông huyện động viên gia đình anh tham gia hội thi anh cũng đắn đo vì nghĩ trái cây mình nếu ngon thì người tiêu dùng rồi sẽ biết, “hữu xạ tự nhiên hương” mà. Nhưng anh lại nghĩ, sau này nông dân Thanh Tuyền sẽ có nhiều người trồng măng cụt và lúc đó sẽ cần được người tiêu dùng biết đến, tiêu thụ, mà hội thi là cơ hội không thể tốt hơn để quảng bá măng cụt quê mình nên anh Tỵ quyết định “lều chỏng” dự thi. “Tui khá bất ngờ khi măng cụt nhà mình đoạt giải nhì của hội thi. Trước đó tui chỉ nghĩ mình đem măng đi giới thiệu là chính và học hỏi thêm kiến thức trồng măng thôi. Cũng không dám nghĩ măng mình sẽ đoạt giải bởi nghĩ cây trái nhà mình sao sánh được với những xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, sầu riêng Cái Mơn, nhãn xuồng Tiền Giang, vú sữa Vĩnh Kim, bưởi Tân Triều…”, anh Tỵ nói. Nói về kết quả đạt được từ hội thi này, ông Huỳnh Văn Dưỡng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tuyền phấn khởi cho biết, điều kiện của Ban tổ chức đưa ra cho phần thi của loại trái cây măng cụt là mỏng vỏ, cơm nhiều, ít hột, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và trọng lượng 10 trái phải đạt 800g. Măng cụt Thanh Tuyền đều đạt những điều kiện của Ban tổ chức, đặc biệt là trọng lượng măng Thanh Tuyền 10 trái đã trên 1kg.

Trước khi măng cụt của gia đình anh Tỵ giành được giải cao tại Hội thi trái cây ngon-an toàn Nam bộ lần V-2013 thì măng cụt Thanh Tuyền đã một lần đứng trên bục cao nhất của hội thi này. Đó là vào năm 2011, măng cụt của gia đình anh Huỳnh Văn Sang ở ấp Rạch Kiến đã giành được giải nhất.

Liên tiếp giành được các giải cao tại hội thi cây trái được xem là có uy tín và quy mô lớn nhất Nam bộ, măng cụt Thanh Tuyền đã được nhiều người biết đến. Tiếng lành đồn xa, măng cụt Thanh Tuyền thực sự đã tiến một bước dài trong hành trình xây dựng thương hiệu để mở ra một hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp của huyện Dầu Tiếng.

Hình thành vùng chuyên canh cây măng cụt

Hiệu quả từ cây măng cụt của gia đình anh Tỵ và một số nông dân khác trên địa bàn xã Thanh Tuyền đã khiến nhiều hộ sản xuất nông nghiệp ở đây có thêm động lực để chuyển đổi sang trồng măng cụt. Ông Dưỡng cho biết, đến thời điểm này nhiều hộ đã đăng ký chuyển những diện tích sản xuất các cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng măng cụt. Đây là hướng đi phù hợp với chủ trương chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao mà tỉnh đang thực hiện.

Hiện toàn xã Thanh Tuyền có khoảng 22 ha măng cụt. Diện tích này sẽ được mở rộng trong thời gian tới khi các chương trình, dự án phát triển vùng chuyên canh cây măng cụt đang được triển khai trên địa bàn. Với lợi thế về khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng cũng như đầu ra ổn định và ít công chăm sóc, cây măng cụt trở thành lựa chọn của nhiều hộ nông dân không chỉ ở Thanh Tuyền mà cả xã Thanh An (Dầu Tiếng) và những xã ven sông Sài Gòn. Việc phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái, trong đó có măng cụt kết hợp với phát triển du lịch sinh thái đang mở ra cho Thanh Tuyền hướng phát triển bền vững trong tương lai.

Bài 2: Còn nhiều nỗi lo

• TRÍ DŨNG - HÒA NHÂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên