Quân đoàn 4 - “Quả đấm thép” phía Nam: “Dịch giả” chiến trường

Cập nhật: 18-11-2014 | 09:41:24

Kỳ 17: “Dịch giả” chiến trường

Trong lịch sử chiến tranh hiện đại, lực lượng trinh sát kỹ thuật (TSKT) có một vai trò rất quan trọng. Nhiệm vụ của “binh chủng” này không phải cầm súng trực tiếp chiến đấu với kẻ thù mà là âm thầm theo dõi địch qua hệ thống điện đài, mạng không lưu, vô tuyến điện… từ đó mã khóa thông tin, dịch những bức điện mật của địch để nắm địch. Họ là những người lính rất thông minh, được mọi người gọi vui là “dịch giả” chiến trường. Chúng tôi đang kể về anh hùng LLVTND Trần Công Lập, nguyên Đội trưởng Đội TSKT Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 - một “dịch giả” nổi tiếng thời chiến tranh…

Đại tá Trần Công Lập (giữa) trong lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vào ngày 10-1-2012 (ảnh do Bảo tàng QĐ 4 cung cấp)

Nói đến chiến công của TSKT phải kể đến tài nghi binh của lực lượng này trong chiến dịch Tây nguyên, giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975. Có thể nói, trước lúc chiến dịch đánh vào Buôn Ma Thuột diễn ra, ta đã có một “chiến dịch” nghi binh bằng thực địa và chủ yếu là trên điện đài. Thời điểm này, địch liên tục “thu” được các thông tin của quân ta qua điện đài, khiến chúng hí hửng cho rằng đã biết hết, đã nắm chắc quân ta sẽ đánh vào Pleiku và Kon Tum nên chúng sơ hở phòng thủ Buôn Ma Thuột. Thực ra, những thông tin mà địch nỗ lực thu được đều là giả. Đó là sản phẩm do đơn vị TSKT của ta cố tình “cung cấp” cho chúng nhằm nghi binh. Sự khéo léo, phối hợp nhịp nhàng của TSKT đã làm cho địch tin sái cổ. Thậm chí, cho đến lúc Sư đoàn 10 của ta đánh chiếm quận lỵ Đức Lập và tuyến phòng thủ liên hoàn phía Tây Nam Buôn Ma Thuột, địch vẫn không hề biết ý đồ chiến lược của ta. Còn tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh vùng 2 chiến thuật ngụy lúc này vẫn nhận định: “Cộng sản đánh Quảng Đức, uy hiếp Buôn Ma Thuột chỉ để nghi binh tạo điều kiện cho vài ngày tới tập trung lực lượng đánh vào Kon Tum, Pleiku”.

TSKT có vai trò quan trọng trong các chiến dịch đánh địch của bộ đội ta.

Trong ảnh: Bộ đội QĐ 4 tiến công giải phóng Xuân Lộc năm 1975 (ảnh do Bảo tàng QĐ 4 cung cấp)

Không chỉ giỏi nghi binh lừa địch, TSKT của ta cũng rất tài tình trong thủ thuật thu sóng, giải mã, dịch những bức điện mật của chúng và thành tích nổi bật này gắn liền với người anh hùng Trần Công Lập. Anh Lập sinh ra và lớn lên tại xã Bình Mỹ, huyện Hóc Môn, TP.HCM, quê hương của 18 thôn vườn trầu nổi tiếng - một địa chỉ đỏ trong những năm đầu của cách mạng Việt Nam. Kế thừa truyền thống bất khuất của cha ông, mới 14 tuổi anh Lập đã đi theo cách mạng ở địa phương. Hòa bình lập lại, anh được tập kết ra Bắc học tập, sau đó lại trở về Nam chiến đấu. Là người thông minh bẩm sinh, lại được quân đội đào tạo kỹ càng nên anh Lập đã sớm có những chiến công trong chiến đấu và đậm nét nhất là thời kỳ anh làm nhiệm vụ TSKT.

Sau chiến thắng đợt 1 chiến dịch Bình Giã của Sư đoàn 9, toàn đơn vị đang củng cố lực lượng đánh địch lần 2, vào ngày 27-12-1964, Trần Công Lập đã theo dõi “thám báo và mở khóa mật mã” dịch bức điện của địch có nội dung: Sẽ cho Tiểu đoàn 33 biệt động quân ngụy đổ bộ tiếp viện chiến trường vào ngày 28-12-1964. Thông tin mật quan trọng này lập tức được anh báo cáo cấp trên. Căn cứ vào điện báo của địch, ta đã phán đoán chính xác hành động của chúng, tập trung hỏa lực khống chế buộc địch phải đổ bộ xuống khu vực ta đang đợi sẵn. Kết quả, ta đã tiêu diệt sạch Tiểu đoàn 33 biệt động quân ngụy, bắn rơi 19 máy bay, trong đó có 1 trực thăng chở 4 cố vấn Mỹ.

Bình Giã là chiến dịch tấn công đầu tiên của quân ta trong cuộc chiến chống Mỹ. Là chiến dịch đầu nhưng mang tính quyết định, làm thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Dư luận quốc tế thời điểm đó đều thốt lên rằng: “Trận Điện Biên Phủ thứ hai phải chăng đã bắt đầu từ Bình Giã”, “Chiến thắng Bình Giã là một trận Điện Biên Phủ thu nhỏ của quân giải phóng”. Công lao của anh hùng Trần Công Lập trong chiến dịch này là rất lớn. Nếu viết ra thì chỉ vài dòng là đủ nhưng chính thông tin mà anh thu, mã hóa và dịch được của địch có sức mạnh bằng cả một đội quân chiến đấu trên mặt trận. Sau này, anh tiếp tục làm nên những chiến công rất lớn ở các chiến dịch Đồng Xoài, Bàu Bàng. Với bộ óc thông minh, biết phân tích, phán đoán anh Lập đã dịch chính xác hàng ngàn điện mật của địch góp công rất lớn cho bộ đội trực tiếp đánh giặc.

Đại tá Trần Công Lập nay đã nghỉ hưu sống tại TP.HCM. Hơn 10 năm đánh Mỹ, có lẽ ký ức về một lần ông kịp thời cứu đồng đội tại khu vực Suối Dây (Tây Ninh) làm ông nhớ mãi. Ông kể rằng: Vào lúc 5 giờ 45 phút ngày 6-10-1969, Đội TSKT của ông mã hóa, dịch và suy đoán được máy bay B52 Mỹ sẽ đánh vào khu vực sở chỉ huy nhẹ Sư đoàn 9 vào lúc 6 giờ. Ông lập tức báo về chỉ huy và đề xuất phương án tránh B52. Sau khi nhận được tin trên, chỉ huy sư đoàn liền giao đồng chí liên lạc chạy bộ đến thông báo cho đội phẫu thuật và trạm thương binh được biết. Thấy đồng chí liên lạc chần chừ vì đường xa, ông Lập xin làm thay nhiệm vụ vì nếu chậm trễ, các đơn vị hậu cần, đội phẫu thuật, thương binh sẽ bị bom đánh chết. Thời gian lúc này chỉ còn 10 phút, chạy đi thì kịp nhưng không kịp về nhưng ông Lập vẫn quyết tâm. Khi gần đến nơi ông vừa chạy vừa hô to để các thương binh còn nằm, ngồi trên mặt đất nhanh chóng xuống hầm trú ẩn. Cảnh báo xong, ông tức tốc chạy về, khi còn khoảng 30m nữa là đến hầm sở chỉ huy thì bom nổ rung trời, bụi bay mù mịt, một cành cây rơi trúng đầu làm ông bất tỉnh. Hết loạt bom thứ nhất, ông tỉnh lại và được đồng đội phát hiện dìu xuống hầm. Vừa đến miệng hầm, loạt bom thứ hai nổ vang và một mảnh gỗ lại bay vào đầu khiến ông bất tỉnh lần hai.

Hành động dũng cảm, không sợ hy sinh của Trần Công Lập đã kịp thời cứu hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, thương binh và sở chỉ huy Sư đoàn 9 được an toàn trước các đợt oanh tạc của bom B52 Mỹ. Quả thật không biết hậu quả sẽ khốc liệt thế nào nếu như hôm đó không nhờ sự phát hiện kịp thời của người chiến sĩ TSKT tài năng Trần Công Lập và lòng dũng cảm quên mình cứu đồng đội của ông. Đó là những hành động anh hùng của con người anh hùng. Trần Công Lập xứng đáng được ghi danh vào sử sách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Kỳ cuối: Vang mãi bản hùng ca

KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên