Quản lý game online: Tiền hậu bất nhất

Cập nhật: 23-05-2012 | 00:00:00

Tháng 8-2010, khi báo chí lên án gay gắt những tác động tiêu cực của game online lên cộng đồng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã tạm dừng cấp phép các trò chơi trực tuyến mới để rà soát, chấn chỉnh. Thế nhưng, thống kê mới nhất của Sở TT-TT TPHCM cho thấy, hiện có 69 game trực tuyến trong diện được quản lý đang lưu hành trên thị trường, trong đó có 10 game mới được Bộ TT-TT cấp phép trong khoảng thời gian từ tháng 9-2011 đến tháng 2-2012!

  Nhiều thanh niên chơi game online ở một tiệm internet tại quận 4 TPHCM.Game ngoại lấn át game nội

Khá bất ngờ trước việc Bộ TT-TT lại cấp phép hoạt động cho 10 game online mới hoạt động, đi vào tìm hiểu chúng tôi được biết, Bộ TT-TT vừa có văn bản số 1913 báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân việc tiếp tục thẩm định các trò chơi trực tuyến có nội dung thuần túy giải trí và giáo dục. Theo bộ này, trong lúc chờ ban hành dự thảo Quy chế về quản lý cung cấp và sử dụng trò chơi trực tuyến (quy chế), bộ sẽ xem xét, tiếp tục thẩm định và cho phát hành các trò chơi trực tuyến có nội dung giáo dục, giải trí thuần túy do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, không có hành động đối kháng mang tính bạo lực theo thẩm quyền được giao.

Lý giải về quyết định trên, Bộ TT-TT cho rằng, sau gần 1 năm dừng thẩm định nội dung các trò chơi trực tuyến mới, bộ nhận thấy giải pháp cấm đoán cực đoan không là giải pháp tối ưu để giảm thiểu tác động tiêu cực của trò chơi trực tuyến, thậm chí quy định này đã vô hình trung hạn chế cả trò chơi có tính giải trí, giáo dục đang rất cần được khuyến khích phát triển, đặc biệt là các trò chơi do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất (?). Bộ TT-TT nhận được hồ sơ đề nghị cho phép phát hành một số trò chơi trực tuyến có nội dung giáo dục kết hợp với giải trí. Đây là những trò chơi do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất có nội dung giáo dục thuần túy, trắc nghiệm kiến thức trung học phổ thông, những câu hỏi nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh… Bộ TT-TT nhận thấy việc cho phép phát hành các trò chơi có nội dung giáo dục kết hợp với giải trí thuần túy sẽ phù hợp định hướng giáo dục và xu hướng giải trí hiện đại của giới trẻ.

Theo tinh thần văn bản số 1913 của Bộ TT-TT báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì chỉ “cấp phép cho phát hành trò chơi trực tuyến do Việt Nam sản xuất”, nhưng theo danh sách các trò chơi trực tuyến đã được bộ phê duyệt nội dung, kịch bản đang phát hành tại Việt Nam (từ năm 2011 đến tháng 2-2012) mà chúng tôi có được thì trong 10 game chỉ có 4 game sản xuất trong nước (Chinh phục Vũ Môn; PI - Đảo thiên đường; B-Kool; cờ tướng, cờ carô), có đến 4 game sản xuất từ Trung Quốc; 1 game do Đài Loan sản xuất và 1 game do Hàn Quốc sản xuất.

Nơi siết, nơi buông lỏng

Trong khoảng thời gian từ giữa năm 2010 đến đầu năm 2011, TPHCM đã nhận được sự ủng hộ lớn của người dân TP và các phương tiện truyền thông khi đi tiên phong trong việc công khai tuyên chiến với trò chơi trực tuyến bạo lực bằng hàng loạt biện pháp được triển khai liên tục, kiên quyết. Khi đó, đã có 18 trong tổng số 43 game có nội dung bạo lực bị chặn đứng. Tiếp đó, 29 game kiếm hiệp của 9 doanh nghiệp cũng buộc phải loại bỏ tính năng đối kháng. Các trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá các trò chơi trực tuyến bạo lực cũng đã bị xử phạt và buộc gỡ bỏ nội dung vi phạm. Hàng ngàn đại lý internet, nhiều doanh nghiệp cung cấp game online đã bị kiểm tra, thanh tra, xử phạt. Các doanh nghiệp phát hành game đã phải ngừng cung cấp cho tất cả các đại lý internet từ 22 giờ đến 8 giờ mỗi ngày…

Tuy nhiên, tại cuộc họp mới đây với UBND TP, báo cáo của Sở TT-TT TPHCM cho thấy bằng nhiều hình thức lưu hành, số lượng game đã gia tăng và đang dần luồn lách thoát khỏi sự quản lý của sở. Cụ thể, theo một lãnh đạo Sở TT-TT, hầu hết các doanh nghiệp game online từng bị TPHCM xử lý mạnh tay vì kinh doanh trò chơi có yếu tố bạo lực đã chuyển địa bàn hoạt động ra phía Bắc, nhiều nhất ở Hà Nội. Cơ quan này đã có văn bản đề nghị các địa phương hợp tác xử lý vấn đề này nhưng hiện chưa nhận được phản hồi tích cực nào. Cạnh đó, các game mới đưa vào hoạt động sau này thường đặt hẳn server ở nước ngoài, dù sử dụng phiên bản tiếng Việt. Nhiều game cũng được lưu hành thông qua các mạng xã hội trên internet, có thể tải về và chơi rất dễ dàng. Theo thống kê của Sở TT-TT, hiện có 69 game trực tuyến trong diện được quản lý đang lưu hành trên thị trường nhưng qua khảo sát thực tế trên internet thì có tới 102 game có thể truy cập được từ Việt Nam!

Tác hại của game online có yếu tố bạo lực ai cũng rõ. Và để quản lý hiệu quả, cần có sự thống nhất từ cấp bộ ngành đến địa phương. Tình trạng thiếu nhất quán trong quản lý, nơi chặt, nơi buông lỏng, hậu quả sẽ khó lường.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên