Sách tham khảo cho trẻ em: “Sai một ly, đi một dặm”

Cập nhật: 16-03-2013 | 00:00:00

Gần đây, nhiều cuốn sách tham khảo (STK) dành cho trẻ em bị phát hiện mắc lỗi về nội dung gây băn khoăn, lo lắng cho các bậc phụ huynh (PH), bởi những lỗi này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành nhận thức của con em họ. Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ cho con trẻ. Vậy nên, “sai một ly” dễ “đi một dặm”.

Các bậc phụ huynh cần giúp con trẻ lựa chọn sách tham khảo phù hợp Lạc vào “ma trận”

Tuần qua, độc giả đã phát hiện những cuốn sách cho trẻ mầm non có in lá cờ Trung Quốc. Đó là những cuốn như: “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1” của Nhà xuất bản (NXB) Dân Trí, tập 2 bộ sách “10 phút cho bé trước giờ đi ngủ” của NXB Mỹ Thuật, “Bé làm quen với chữ cái” của NXB Sư Phạm... Thêm vào đó, ngày 11-3, một PH có con học lớp 3 tại trường tiểu học ở Tân Bình, TP.HCM đã phản ánh về lỗi sai nghiêm trọng kiến thức lịch sử trong cuốn “Vở luyện từ và câu” tập 2 (lớp 3) vì sai sót về nội dung lịch sử “Lý Thường Kiệt và trận đánh trên sông Bạch Đằng”. Đây là cuốn vở in chữ sẵn cho học sinh nhìn để luyện chính tả theo của NXB Hà Nội. Đa phần, đây là những cuốn sách hướng dẫn cho trẻ những khả năng: quan sát, tư duy, ghi nhớ, tưởng tượng và sáng tạo, khả năng ngôn ngữ... Vì vậy, nhiều bậc PH lo lắng về sự ảnh hưởng của chúng đến việc hình thành tư duy của trẻ.

Khảo sát một vài nhà sách trên địa bàn tỉnh có thể thấy sự đa dạng của các đầu STK ở mọi cấp học. Riêng bậc tiểu học thì sự xuất hiện chủ đạo vẫn của NXB Thời Đại, NXB Giáo Dục, NXB Mỹ Thuật, NXB Sư Phạm... với các cuốn tập tô, luyện chữ, giúp bé học toán... có giá từ 7.000 - 25.000 đồng/ cuốn. Màu sắc hấp dẫn và chất liệu đẹp hay xấu phụ thuộc vào giá cả từng cuốn. Tuy nhiên, đa phần nội dung đều na ná nhau. Trao đổi với chị Trần Thị Mai (P.Phú Mỹ, TP.TDM) đang lựa sách cho con, nghe chị chia sẻ: “Thực sự là giờ lựa sách cho con thấy rất khó. Con mình chưa tiếp cận với cuốn sách bị lỗi đó nhưng theo mình nghĩ, PH cần để ý hướng dẫn cho trẻ khi tiếp cận tri thức. Vì nếu trẻ nhận thức sai lệch với thuần phong mỹ tục của người Việt thì sẽ rất khó sửa, nhất là những gì chúng học được từ sách báo”.

Sở dĩ có tình trạng bát nháo về in ấn và phát hành sách như trên là do sự phát triển nhanh chóng về số lượng cơ sở in công nghiệp trên cả nước. Theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông (11-2012), kể từ khi Luật Xuất bản năm 2004 và Nghị định số 105/2007 đi vào thực tế thì số lượng cơ sở in tăng rất nhanh. Từ 160 cơ sở in thuộc sở hữu Nhà nước (2004) thì đến nay có khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp. Trong đó, chỉ có 1/3 cơ sở in là chịu sự điều chỉnh, kiểm soát của Luật Xuất bản và Nghị định 105, còn lại gần 2/3 cơ sở in công nghiệp và 10.000 cơ sở in lưới, in quảng cáo, photocopy không có khung pháp lý điều chỉnh, tức là các cơ sở này chỉ cần đăng ký kinh doanh là được hoạt động.

Rất cần sự định hướng

Sách cho trẻ em vốn rất được các gia đình quan tâm vì nó ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ nhỏ, thế nhưng thật đáng tiếc vì đây chính là lĩnh vực có nhiều sai phạm. Nó chứng tỏ sự cẩu thả trong công tác biên dịch của các công ty làm sách liên kết và sự thiếu sát sao trong quản lý của cơ quan chức năng.

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Bình Dương) cho rằng, việc lựa chọn STK cho trẻ phần lớn là do các bậc PH, vì vậy PH cần có những kiến thức cơ bản để chọn cho con em mình những cuốn sách “chuẩn” nhất. Đối với các giáo viên hay PH muốn tìm sách luyện viết chữ đẹp thì nên theo mẫu chữ chuẩn của Bộ GD-ĐT. Hiện nay, riêng các sở GD-ĐT ở khu vực phía Nam đều có cuốn: “Em luyện viết đúng, viết đẹp” do NXB Giáo Dục phát hành, được nhóm cán bộ phụ trách các tỉnh phía Nam nghiên cứu, biên soạn theo đúng mẫu quy định. “Kinh nghiệm là PH nên để ý trên bìa tựa của sách có ghi: “Theo mẫu chữ mới” vì thường những người nghiên cứu sâu, kỹ mới cập nhật. Còn những người làm qua loa sẽ có tình trạng tái bản những cuốn đã cũ, mẫu không đúng. Riêng trong vấn đề bán STK ở nhà trường, bà Tuyết cho hay: “Ngay dịp đầu năm học, sở đã phát hành những học cụ, học liệu của Bộ GD-ĐT cho học sinh. Các trường sẽ đăng ký với Phòng Giáo dục cấp học đó để mua. Tình trạng bán STK trong trường có chăng là ở một số trường tư thục. Vì họ “đánh” vào thị hiếu PH. Vì vậy, các bậc PH cũng đừng vội vã, quan tâm thái quá”.

Về công tác quản lý và chế tài xử phạt, bà Tuyết cho biết: “Bộ Giáo dục quy định phổ cập mầm non đối với trẻ 5 tuổi khá chặt chẽ. Trẻ bắt đầu học mầm non đến giữa năm học chưa được cầm viết vì không phù hợp với sự phát triển cơ xương của trẻ. Nếu trường nào dạy khi kiểm tra, phát hiện sẽ phê bình, nhắc nhở”.

Có câu ngạn ngữ: “Để bạc để vàng không bằng để sách cho con”. Giáo dục là cái nôi, là tiêu chí hàng đầu hình thành nhân cách cho trẻ. Và sách là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc tiếp cận tri thức của trẻ. Vì vậy, đừng để những lỗi của người lớn làm sai lệch tư duy con trẻ.

Cần tổ chức các tổ kiểm duyệt chặt chẽ trước khi phát hành

“Trước khi phát hành, những người nằm trong bộ phận quản lý trực tiếp của các NXB, công ty phát hành sách... nên hình thành các tổ kiểm duyệt chặt chẽ nội dung ấn phẩm trước khi đưa ra thị trường. Khi phát hành cần ghi rõ cơ quan nào kiểm duyệt để chịu trách nhiệm. Nếu sai sót thì các cơ quan chức năng nên vào cuộc chứ đừng để đến khi báo chí phê bình rồi mới vào cuộc”. (Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT)

 

THANH LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên