Sáng mãi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” – Bài 1

Cập nhật: 23-07-2019 | 10:20:42
LTS: Thực hiện công tác “đền ơn đáp nghĩa”, những năm qua, tỉnh Bình Dương đã đưa ra nhiều chính sách mới chăm lo cho người có công (NCC) như chế độ mai táng phí đối với NCC từ trần, nâng mức hỗ trợ thêm hàng tháng, tặng sổ tiết kiệm, xây tặng nhà, giảm thuế đất… Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2019), từ số báo này, Báo Bình Dương khởi đăng chuyên đề: Sáng mãi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” gửi đến bạn đọc.

Bài 1: Chính sách mới cho người có công

Tăng mức hỗ trợ chi phí tang lễ; tăng mức trợ cấp hàng tháng… là những chính sách mới có hiệu lực từ 1-1- 2019 của tỉnh dành cho đối tượng chính sách (ĐTCS), NCC trên địa bàn tỉnh. Việc hỗ trợ này nhằm tiếp tục thực hiện việc đãi ngộ thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu để đất nước hòa bình, thống nhất, phát triển hôm nay.


Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao sổ hồng nhà ở xã hội cho đối tượng chính sách không có đất cất nhà tình nghĩa

Chế độ mai táng phí đối với NCC từ trần

Một trong những chính sách chăm lo cho ĐTCS, NCC đã được tỉnh thực hiện vào đầu năm 2019 là Nghị quyết số 09/2018/ NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ việc tang đối với một số đối tượng trên địa bàn tỉnh. HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện cần hướng dẫn cụ thể về thủ tục, hồ sơ theo quy định của pháp luật; chỉ đạo tuyên truyền nêu gương trong cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm tiết kiệm, chống lãng phí và văn minh trong việc tang theo tinh thần Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”.

Theo Nghị quyết số 09, ngoài các chính sách quy định của Trung ương, các đối tượng sau khi từ trần thì thân nhân hoặc người tổ chức mai táng được tỉnh hỗ trợ thêm từ ngân sách tỉnh. Trường hợp một đối tượng được hưởng nhiều mức hỗ trợ tang lễ khác nhau chỉ được áp dụng một mức hỗ trợ tang lễ cao nhất.

“Đây là chính sách thể hiện sự tri ân đối với những NCC, người đã cống hiến cho đất nước. Qua những chính sách trên đã phần nào làm “ấm lòng” những người đã hy sinh thân thể, người thân cho cách mạng để giờ đây chúng ta được sống trong ấm no, hạnh phúc, hòa bình”.

(Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

Mức hỗ trợ chi phí lễ tang 30 triệu đồng, gồm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 đã được công nhận; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Mức hỗ trợ chi phí tang lễ 25 triệu đồng cho người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8-1945 đã được công nhận. Mức hỗ trợ 20 triệu đồng gồm: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng (kể cả vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá đang hưởng trợ cấp hàng tháng); NCC giúp đỡ cách mạng; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; thanh niên xung phong đã hưởng trợ cấp thanh niên xung phong; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…

Đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, mức hỗ trợ chi phí tang lễ 20 triệu đồng.

Nâng mức trợ cấp hàng tháng

Ngoài chăm lo xây dựng nhà ở, tặng sổ tiết kiệm, trang thiết bị nội thất thiết yếu, khám bệnh miễn phí… đầu năm 2019 đến nay, NCC trên địa bàn tỉnh còn được nâng mức hỗ trợ thêm hàng tháng 15%, 30% từ ngân sách tỉnh ngoài mức trợ cấp, phụ cấp hiện hưởng. Được tăng mức hỗ trợ, các ĐTCS, NCC trong tỉnh vui mừng trước sự quan tâm của chính quyền địa phương dành cho mình. Từ đó, họ cảm thấy “ấm lòng” hơn trước sự hy sinh của người thân, của chính bản thân mình cho cách mạng, cho hòa bình độc lập.

Bà Nguyễn Thị Búp (SN 1941, vợ liệt sĩ, ngụ ấp Bà Phái, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng), tâm sự từ đầu năm 2019 đến nay, hàng tháng bà được hưởng thêm 15% so với mức trợ cấp cũ. Có thêm tiền, bà chăm lo cuộc sống của mình tốt hơn. “Tôi cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, địa phương luôn chăm lo chu đáo đến đối tượng gia đình chính sách, NCC”, bà Búp nói.

Bà Búp chỉ là một trong số hàng ngàn NCC, ĐTCS đã được thụ hưởng theo tinh thần Nghị quyết 08/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ một số đối tượng NCC trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết số 08 có 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ thêm, trong đó 2 nhóm (đối tượng 1 và đối tượng 2) được hỗ trợ thêm hàng tháng 0,15 lần (15%) mức trợ cấp, phụ cấp hiện hưởng (theo quy định của Chính phủ); nhóm đối tượng 3 được hỗ trợ thêm hàng tháng 0,3 lần (30%) mức chuẩn hiện hành (theo quy định của Chính phủ).

Nhóm đối tượng 1, NCC đang hưởng trợ cấp, phụ cấp hàng tháng gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; NCC giúp đỡ cách mạng…. Nhóm đối tượng 2, thân nhân của NCC với cách mạng đang hưởng trợ cấp, bao gồm: Người đang hưởng tuất liệt sĩ; người đang hưởng tuất từ trần; người đang hưởng trợ cấp người phục vụ mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học; con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Nhóm đối tượng 3, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế trước ngày 30-4-1975 đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hoặc Huân chương Chiến thắng, Huy chương Kháng chiến (hoặc Huy chương Chiến thắng) hưởng trợ cấp một lần, ngoài ra không hưởng chế độ nào khác; người hoạt động kháng chiến đang hưởng lương hưu trước năm 1990.

Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết một chính sách nữa thể hiện sự quan tâm của tỉnh dành cho ĐTCS, NCC là Quyết định số 09/2015/QĐ- UBND quy định về việc miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Quyết định quy định rõ các đối tượng được miễn, gồm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên; thân nhân của liệt sĩ đang hưởng tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng. Giảm tiền sử dụng đất quy định có 4 mức là: 90%, 80%, 70%, 65% tùy theo tỷ lệ thương tật, mức độ đóng góp của NCC với cách mạng.

Theo ông Trịnh Đức Tài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, chế độ, chính sách hỗ trợ chi phí lễ tang đối với một số đối tượng trên địa bàn tỉnh hiện đang thực hiện theo Nghị quyết số 64/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách cho đối tượng được hưởng hỗ trợ cũng như mức hỗ trợ đã không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nghị quyết mới đã thể hiện sự quan tâm của địa phương dành cho những người đã có nhiều đóng góp cho tỉnh Bình Dương.

 Bài 2: Các địa phương làm tốt công tác người có công

 THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên