Sắp chia tay bến phà 100 tuổi Thủ Thiêm

Cập nhật: 22-11-2011 | 00:00:00

Thăm hầm chui xuyên sông Sài Gòn trong buổi thông xe sáng 21-11, trở về bến phà nơi gần 20 năm đưa đón khách từ phà Thủ Thiêm vào trung tâm thành phố, ông Năm xe ôm chẳng thèm chờ ai nữa bởi phà vắng ngắt.

Chỉ hơn một tháng nữa thôi phà Thủ Thiêm chính thức đóng cửa sau gần 100 năm hoạt động đưa đón khách qua lại đôi bờ Đông - Tây Sài Gòn. Cũng chỉ còn chừng ấy ngày ông Năm còn ngồi ở bờ Tây để chờ đưa đón khách từ phà vào trung tâm thành phố. Mà thực ra từ hai ngày nay chủ yếu ông ngồi chơi ở mái hiên lối vào bến phà, còn khách thì đã chọn con đường qua cầu Thủ Thiêm và hôm 21-11 là ngày đầu tiên hầm Thủ Thiêm thông xe nên họ đổ xô vào hầm hết. Những chuyến phà qua lại sông Sài Gòn thưa vắng người.

  Khách đi phà thưa dần từ buổi sáng thông xe.

"Tôi buồn không phải vì từ nay thất thu do bến phà sắp đóng cửa, mà không vui bởi nơi này đã gắn bó với mình từ mấy chục năm trời. Dù sao cũng có quá nhiều kỷ niệm", ngồi nhìn về phía bên kia quận 2, ông Năm nói.

Phà Thủ Thiêm đìu hiu vắng khách

Người lái xe ôm ngoài 70 tuổi có gương mặt và dáng đi còn nhanh nhẹn cho biết, ông gắn bó với bến phà này từ khi mới lập gia đình, nay con cháu trong nhà đã hơn 10 người.

"Tôi bắt đầu làm quen với ụ phà và tiếng máy ầm ầm nhả khói bằng nghề bán thuốc lá dạo, bán vé số rồi lái xe ôm đón khách. Bến phà chính là nồi cơm của cả gia đình. Giờ con cháu đã thành đạt, tiền kiếm được từ khách đi xe không còn quan trọng nữa, nhưng nhiều năm nay tôi vẫn bám lấy bến phà này. Đơn giản nơi đây đã có quá nhiều kỷ niệm, tôi quen bà xã cũng ở chốn này", ông kể.

Sáng nay, hay tin công trình hầm vượt sông có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á nối quận 1 sang quận 2 bên kia sông Sài Gòn rồi thẳng tiến về hướng Nhơn Trạch - Đồng Nai chính thức cho lưu thông, ngoài ông Năm xe ôm, nhiều người khác từng gắn bó với bến phà 100 năm tuổi cũng cho biết họ cảm thấy buồn.

"Biết hầm chui qua sông là niềm tự hào của thành phố nhưng tôi vẫn tiếc lắm khi rời bến sông mà ở đó tôi đã buôn bán làm ăn từ thời chưa có chồng đến nay con cháu đã lớn hết. Giờ đã có nhà mới ở quận Bình Thạnh, nhưng tôi vẫn không quên được tiếng còi phà, cảnh khách khứa nườm nượp chờ qua sông", chị Mười bán quán giải khát ở đầu phà bên kia đường Lương Định Của, quận 2, nói.

Nhà ở quận 2, đi làm ở trung tâm Sài Gòn, bao nhiêu năm qua mỗi ngày chờ phà sang sông, giờ có được hầm chui hiện đại, thế nhưng theo nhóm nhân viên văn phòng Phương - Nga - Thủy, cho biết cảm giác lên phà tròng trành trên sông vẫn là những kỷ niệm khó quên.

Lưu luyến hơn cả vẫn là nhân viên bến phà Thủ Thiêm, bởi trong số họ, nhiều người đã gắn bó đời mình với nơi này suốt mấy chục năm trời.

"Nhiệm vụ mới phải làm, ai cũng được cắt đặt công tác khác, nhưng không bịn rịn sao được khi chúng tôi phải chia ra làm 3 nhóm. Vài anh em về công tác ở hầm chui, số khác về bến phà nội địa bên bờ quận 1, còn lại sang phà Cát Lái. Ở đây, đại gia đình 44 người của chúng tôi đã như những người thân", anh Nguyễn Công Dân, Phó giám đốc Xí nghiệp phà Cát Lái - Thủ Thiêm chia sẻ.

Nhìn bến phà vắng hoe, cùng tâm trạng với cấp trên, trưởng máy tàu Trần Quang Đăng, thâm niên 32 năm tại bến phà Thủ Thiêm hay nhân viên Nguyễn Tường Phúc, người 28 năm làm công việc tháo xích neo phà, đều nhìn nhận rất buồn khi phải rời xa nơi đã quá đỗi thân quen.

"Tôi sẽ nhớ từng con nước lên xuống, nhớ mớ lục bình mồ côi trên bến sông này. Dẫu đường hầm hiện đại là niềm vui lớn, là ước mong từ bấy lâu nay, song phải xa chỗ làm đã mấy chục năm gắn bó thật khó ngăn lòng buồn", đưa mắt nhìn về phía bờ Thủ Thiêm khi phà đã ra đến giữa dòng, anh Phúc nói.

Tháng 3-2010 bốn đốt hầm dìm được lai dắt từ bể đúc ở Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) về đến khu vực Thủ Thiêm, lắp đặt nối kết. Ngày 4-8-2010 mẻ bê tông đầu tiên được đổ thi công đốt hợp long, nối kết đốt hầm số 4 với hầm dẫn phía Khánh Hội (quận 1). Mẻ bê tông cuối cùng của đốt hợp long đã được thực hiện vào ngày 4-9-2010. Ngày 21-9-2010 hợp long thành công hầm Thủ Thiêm. Ngày 21-11-2011, hầm Thủ Thiêm chính thức mở cửa cho người dân lưu thông.

Ngày 31-12, bến phà Thủ Thiêm chính thức ngừng đón khách. Trên bờ phía trung tâm Sài Gòn vẫn còn một bến phà nhưng chỉ phục vụ khách du lịch trên sông chứ không đưa khách qua lại quận 2 và trung tâm thành phố như gần 100 năm qua.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên