Tạo mọi điều kiện hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo

Cập nhật: 15-10-2014 | 09:01:27

Từ lâu, công tác giảm nghèo ở Bình Dương luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện thông qua biện pháp hỗ trợ vốn, hướng dẫn cách làm ăn… Có được “cần câu”, các hộ nghèo (HN), hộ cận nghèo (HCN) đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Ông Huỳnh Văn Ráng (bìa trái), người dân ở phường Lái Thiêu (TX.Thuận An) tặng quà cho hộ nghèo. Ảnh: VĂN SƠN

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), qua quá trình rà soát HN, HCN theo chuẩn mới, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 4.185 HN chiếm tỷ lệ 1,52%; 4.638 HCN chiếm 1,68%. Kết quả đó cho thấy Bình Dương luôn quan tâm, hỗ trợ để HN, HCN sớm ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Các chính sách vay vốn tín dụng, bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội, hỗ trợ làm nhà ở... cho HN, HCN cơ bản thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.

9 tháng qua, Sở LĐ- TB&XH đã hướng dẫn các huyện, thị, thành phố mua cấp thẻ BHYT cho 20.776 HN vàHCN với kinh phí 10.526 triệu đồng. Toàn tỉnh xây dựng, sửa chữa 73 căn nhà đại đoàn kết cho HN, người có hoàn cảnh khó khăn gần 2.797 triệu đồng; thăm, tặng quàtết cho HN nhân dịp Tết Nguyên đán cho 1.615 HN. Ngoài ra, sở còn hỗ trợ các huyện, thị, thành phố thực hiện phúc tra HN theo tiêu chí mới của tỉnh; thực hiện báo cáo Đoàn giám sát vềthực hiện chính sách pháp luật vàgiảm nghèo giai đoạn 2005-2012.

Bên cạnh hỗ trợ vốn, các địa phương còn tạo “cần câu” cho HN, HCN bằng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vay vốn, dạy nghề. Theo số liệu Phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH, trong 9 tháng, sở đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề mở nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, người nghèo; trong đó chủ yếu lựa chọn đào tạo các ngành nghề ứng dụng, như lái xe nâng, nấu ăn đãi tiệc, may gia dụng, chăm sóc sinh vật cảnh, trồng nấm, cạo mủ cao su… Theo kế hoạch năm 2015, Phòng Dạy nghề sẽ đào tạo 245.000 người và đến nay đã dạy được 1.100 người. Ngoài ra, các địa phương xây dựng mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, quy trình canh tác, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ nông sản. Từ nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo, nhiều hộ gia đình đã phát huy sự năng động, sáng tạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình sản xuất.

Ông Ninh Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục hướng dẫn huyện, thị, thành phố thực hiện mua cấp BHYT cho HN, HCN theo quy định và bảo lưu các chính sách đối với hộ mới thoát nghèo; thực hiện công tác tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở xã, phường, khu ấp làm công tác giảm nghèo tại tỉnh và các huyện, thị; thực hiện rà soát điều tra hộ nghèo cuối năm 2014. Đồng thời, hướng dẫn các huyện, thị, thành phố tổ chức tiếp xúc với HN, HCN để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Về phía người dân khi được hỗ trợ vốn, kỹ thuật, mô hình… họ đã nỗ lực sản xuất để nhanh chóng thoát nghèo. Đây là tín hiệu vui trong công tác tuyên truyền để HN và nhân dân nhận thấy hiệu quả, qua đó tránh sự ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước... Có như vậy, công tác giảm nghèo mới thực sự bền vững, góp phần củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên