Tết của những người tha hương

Cập nhật: 06-01-2012 | 00:00:00

Một mùa xuân nữa đang đến gần. Theo truyền thống của người Việt Nam, tết là dịp để mọi người trong gia đình họp mặt sum vầy sau một năm tất bật lo cho cuộc sống. Có những người do hoàn cảnh họ đành chấp nhận tha hương. Năm hết, tết đến, khát vọng lớn nhất của họ là được trở về quê hương đón tết cùng với người thân.

Mấy ngày nay, chị Thanh phụ giúp việc nhà cho một gia đình ở phường Phú Cường (TX.TDM) thấy lòng dạ cứ bồn chồn đến khó tả. Chị bảo ăn gì cũng không thấy ngon. Tôi thử dọ hỏi: Chắc là chị nôn về quê đón tết? Như đoán trúng ý, chị cởi mở tâm sự hơn. Chị chia sẻ, quê chị ở tận Nghệ An, thời tiết nơi đây khắc nghiệt, mùa hè thì nắng nứt đất, mùa đông thì lạnh cắt da. Để có điều kiện lo cho các con ăn học nên người, mấy mẹ con dắt díu nhau rời quê hương vào Nam sinh sống, các con có điều kiện học tập. Chị vào đây đã 12 năm nhưng chỉ về quê được 4 - 5 lần, năm trước chị đã không về nên năm nay chị quyết lòng về cho bằng được. Bởi như lời chị bảo, bây giờ còn sức thì cố mà về quê tết với anh em, bà con thân thuộc, mai này khi lớn tuổi muốn về cũng không thể đi được.

Về quê ăn tết luôn là nỗi khát khao của những người tha hương cầu thực. Chị Ẩn, một người bán vé số dạo cho biết, chị đã đặt mua vé xe rồi, mấy hôm nay chị nhận thêm vé số bán để có tiền mua quà bánh, quần áo về cho con. Về quê ăn tết với chồng con đôi ba ngày rồi trở vô. Chị gắng sức sống xa quê vài năm nữa để đứa con út học xong đại học chị sẽ về hẳn Thanh Hóa sống với gia đình.

Quê hương là máu thịt, gia đình là tổ ấm. Thế nhưng vì cuộc sống nên rất nhiều bà con ở miền Bắc, miền Trung phải rời quê hương vào Nam kiếm sống. Họ làm đủ mọi việc, từ bán vé số, phụ giúp việc nhà, bán hàng rong, làm công nhân... những đồng tiền họ tiết kiệm gửi về cho người thân được đổi bằng mồ hôi, công sức qua những tháng ngày lao động vất vả. Họ chấp nhận hy sinh tình riêng mà ra đi để lo cho tương lai của con cái. Đã có biết bao người thân của họ đã ăn học thành tài nhờ sự tảo tần của những người cha, người mẹ như vậy. Chúng ta, những người “cùng chung một nước phải thương nhau cùng”, nên cần có những hoạt động giúp đỡ họ trên bước đường mưu sinh nơi đất khách quê người.

H.Thái

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên