Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội: Nhiều chuyển biến tích cực

Cập nhật: 05-09-2016 | 08:53:32

Thời gian qua, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đã trở thành phong trào lớn trong nhân dân. Từ đó tạo chuyển biến rõ trong nhận thức, sinh hoạt cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Người mù, người khuyết tật được bố trí vị trí ngồi phù hợp tại Lễ hội Chùa bà Thiên Hậu (TP.Thủ Dầu Một)

Lành mạnh hóa lễ hội

Bình Dương hàng năm có đến vài chục lễ hội đình, chùa, miếu, chưa kể các lễ giỗ họ, chạp tổ ở các từ đường dòng họ. Trong đó, có những lễ hội lớn như: Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, tại phường An Thạnh và phường Lái Thiêu (TX.Thuận An) và thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng) vào dịp rằm tháng Giêng hàng năm; Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín”… thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia.

Nếu như trước đây, mùa lễ hội luôn trở thành “điểm nóng” với những dịch vụ ăn theo “chặt chém” du khách, hay tệ nạn xã hội gây mất trật tự thì hiện nay lễ hội đã đi vào nề nếp. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường khá tốt. Các hiện tượng tiêu cực như móc túi, cướp giật, ăn xin và các hoạt động mê tín dị đoan ở lễ hội không còn tồn tại. Các lễ hội đều tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - thể thao vui tươi, lành mạnh. Người dân về dự lễ hội yên bình, không chen lấn, xô đẩy.

Theo ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh, để làm được như vậy, những năm gần đây, các lễ hội trên địa bàn tỉnh đều thành lập Ban tổ chức, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong các lễ hội được thực hiện thường xuyên trên loa, đài và tại các điểm diễn ra lễ hội. Các ban quản lý chùa đã thực hiện tốt việc hướng dẫn người dân thắp hương đúng nơi quy định. Bên cạnh đó có sự vào cuộc của các ngành chức năng, công an, quân sự, góp phần bảo đảm an toàn, văn minh mùa lễ hội. Riêng Sở VH-TT&DL đã ban hành các văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội và gần đây nhất là văn bản đề nghị các huyện, thị, thành phố thực hiện bộ tiêu chí đánh giá công tác quản lý, tổ chức lễ hội của Bộ VH-TT&DL.

Chuyển biến trong việc cưới, tang

Qua đánh giá những tồn tại trong tổ chức việc cưới những năm trước đây cho thấy, đa số các đám cưới tại Bình Dương khi đó đều tổ chức ăn uống linh đình. Tục mừng tiền, phong bì tùy theo từng vùng, gia chủ là bạn bè hay là đối tác làm ăn, quan hệ mà mừng nhiều hay ít. Trong đám tang vẫn còn để thi hài quá 24 giờ. Tục khâm liệm mời thầy pháp xua đuổi tà ma vẫn còn diễn ra; rắc vàng mã dọc đường vẫn còn; việc tổ chức ăn uống trong ngày tuần đầu, 49, 100 ngày vẫn còn; viếng đám tang với nhiều vòng hoa, câu đối gây lãng phí...

Sau này, cùng với phong trào xây dựng khu phố, gia đình văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-UB về việc tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Kế hoạch số 3328/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định số 40/2012/QĐ-UBND của UBND Bình Dương về việc ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đến nay, việc tổ chức cưới, tang trên địa bàn đều đã có những chuyển biến rõ rệt. Đánh giá về sự chuyển biến này, theo bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, trong giai đoạn từ năm 2006- 2015, trên địa bàn toàn tỉnh có 89.280 đám cưới, trong đó số đám cưới theo nếp sống văn hóa mới là 79.061 (tỷ lệ 88,55%); số đám cưới theo mô hình hiệu quả, tiết kiệm là 5.020 (tỷ lệ 6,35%). Có 54.116 đám tang, trong đó số đám tang theo nếp sống văn hóa mới là 42.102 (tỷ lệ 77,79%); số đám tang thực hiện hỏa táng là 6.482 (tỷ lệ 11,97%).

Có thể thấy, với kết quả đã đạt được và những giải pháp đề ra, chắc chắn việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực, không chỉ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp mà còn góp phần vào giảm nghèo, xây dựng quê hương Bình Dương ngày thêm giàu đẹp, văn minh.

 

T.LÝ

Chia sẻ bài viết
Tags
lễ hội

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên