Tổ chức sản xuất an toàn trong mùa dịch bệnh

Cập nhật: 25-08-2021 | 08:20:04

 Sau hơn 1 tháng vào cuộc quyết liệt trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh (PCDB) Covid-19, đến thời điểm hiện tại tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Dầu Tiếng cơ bản được kiểm soát ổn định. Theo đó, đến nay toàn huyện đã có 87/89 ấp được thiết lập “vùng xanh an toàn”, huyện cũng đã lập phương án sẵn sàng cho sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới từ đầu tháng 9-2021.

 Doanh nghiệp trên địa bàn huyện Dầu Tiếng nỗ lực duy trì sản xuất, bảo đảm an toàn trong dịch bệnh. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Phú Đỉnh (Cụm công nghiệp Thanh An, huyện Dầu Tiếng). Ảnh: TIỂU MY

Kinh tế tăng trưởng ổn định

Báo cáo từ UBND huyện Dầu Tiếng cho biết dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng trong tháng 7-2021, ước tổng giá trị sản xuất trên địa bàn vẫn đạt 1.491 tỷ đồng, tăng 10,18% so cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước đạt khoảng 655,9 tỷ đồng, tăng 16%; giá trị thương mại - dịch vụ ước đạt 433,7 tỷ đồng, tăng 6%; giá trị sản xuất nông nghiệp 402,1 tỷ đồng, tăng 6%.

Tình hình phát triển của ngành trồng trọt Dầu Tiếng vẫn tiếp tục tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển bền vững. Cụ thể, trong 8 tháng năm 2021, toàn huyện ước giảm 250 ha cao su, trong khi đó diện tích cây ăn trái tăng 100 ha. Huyện cũng tiếp tục hướng dẫn người dân canh thời điểm thời tiết, khí hậu ổn định để gieo trồng các loại cây lương thực và rau màu vụ hè thu có hiệu quả với tổng diện tích gieo trồng ước đạt 1.211 ha.

Cùng với sự tăng trưởng của ngành trồng trọt, các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục có xu hướng gia tăng về số lượng, quy mô và chất lượng của các trang trại. Cụ thể, trong 7 tháng năm 2021, toàn huyện có 252 trang trại chăn nuôi, tăng thêm 25 trang trại so với năm 2020. Tổng đàn gia súc chăn nuôi tại các trang trại trên địa bàn ước đạt 186.700 con, tăng 35% so với năm 2020; tổng đàn gia cầm ước đạt 3,4 triệu con, tăng 21,4%. Nhiều nông hộ sau khi gặt hái quả ngọt từ mô hình nuôi trồng thủy sản, tiếp tục thực hiện tái canh theo hướng duy trì diện tích để bảo đảm giữ vững chuỗi cung ứng thị trường trong mùa dịch bệnh Covid-19.

Ngành công nghiệp của Dầu Tiếng dù mới phát triển ở quy mô nhỏ lẻ nhưng cũng đang có xu hướng tăng trưởng dần, đều theo thời gian. Theo đó, trong những tháng dịch bệnh diễn biến phức tạp vừa qua, nhiều doanh nghiệp cố gắng thực hiện “mục tiêu kép” vừa triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả đồng thời duy trì hiệu quả sản xuất để giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa đã ký kết với đối tác trước đó. Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký và thực hiện tốt phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Bảo đảm duy trì hoạt động xuyên suốt và thực hiện tốt 3 bảo vệ: Bảo vệ sản xuất, bảo vệ công nhân, bảo vệ nhà máy. Là địa phương đặc thù nông nghiệp nên ngoài các doanh nghiệp đăng ký hoạt động phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”, thời gian qua huyện cũng phê duyệt cho một số doanh nghiệp thực hiện phương án hỗn hợp.

Trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Dầu Tiếng đồng thời cũng tổ chức tốt hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn. Cụ thể, qua gần 2 tháng thực hiện các chỉ thị giới nghiêm phòng, chống dịch bệnh, hệ thống các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng thực phẩm… trên 12 xã, thị trấn đã hoạt động có quy củ hơn trước, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh an toàn. Đánh giá tổng quan cho thấy, số lượng và giá cả các loại hàng hóa thiết yếu như rau củ quả, thực phẩm tươi sống… dù một vài thời điểm có dấu hiệu khan hiếm và tăng giá cục bộ nhưng cơ bản được kiểm soát ở mức bình ổn.

Để bảo đảm người dân không bị “ép” phải mua hàng giá cao bởi các cửa hàng, siêu thị độc quyền, thời gian qua UBND huyện đã kịp thời phối hợp với Sở Công thương và các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường mở các điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn 12 xã, thị trấn. Sự có mặt của những cửa hàng này đã giúp giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… bảo đảm bình ổn.

T chc sn xut, kinh doanh an toàn

Dù đã chính thức công bố “vùng xanh” vào ngày 17-8, nhưng huyện Dầu Tiếng vẫn đang cẩn trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trong việc mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Theo đó, trong thời gian này sẽ lên kế hoạch, tổ chức các phương án sản xuất, kinh doanh an toàn phòng, chống dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết trong thời gian này huyện đang tiến hành rà soát lại danh sách các doanh nghiệp với các dữ liệu đầy đủ về công nhân lao động để tìm hướng xây dựng phương án an toàn phòng, chống dịch bệnh. Những doanh nghiệp muốn đăng ký hoạt động sản xuất trở lại sau khi hết giãn cách buộc phải có phương án tổ chức sản xuất an toàn phòng, chống dịch bệnh theo hướng xây dựng mô hình “3 xanh”, gồm: Công nhân xanh, nhà máy xanh, nhà trọ xanh. Đây sẽ là ưu tiên và cũng là điều kiện đầu tiên để huyện cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại trong thời gian tới.

Theo sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, để bảo đảm phương án sản xuất an toàn phòng, chống dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới, UBND các huyện, thị, thành phố cần chủ động đứng ra làm cầu nối để giúp các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh nhà trọ trên địa bàn đàm phán, thỏa thuận phương án thuê và cho thuê trọ dài hạn theo hướng hợp tác toàn diện. Với mong muốn sớm mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Dầu Tiếng cũng tích cực triển khai lấy ý kiến của các doanh nghiệp và chủ các cơ sở kinh doanh nhà trọ. Bước đầu, huyện xác định một số khu vực tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp và có hệ thống nhà bảo đảm sẽ thuận lợi để thực hiện. Dầu Tiếng cũng đặt khá nhiều kỳ vọng rằng mô hình này, doanh nghiệp và người lao động sẽ an tâm hơn trong công tác sản xuất và vẫn bảo đảm tốt các yếu tố an toàn phòng, chống dịch bệnh trong môi trường nhà máy, xí nghiệp và những khu nhà trọ xanh.

Đối với một số doanh nghiệp đặc thù như Công ty Cổ phần Cao su Dầu Tiếng và các công ty chuyên về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… huyện cũng linh hoạt triển khai phương án hỗn hợp kết hợp các yếu tố của phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”. Cụ thể, công nhân lao động và nhân viên khối văn phòng của doanh nghiệp sẽ áp dụng những phương án an toàn phòng, chống dịch bệnh khác nhau tùy theo tính chất công việc và mức độ nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh của các bộ phận mà có những quy định cụ thể.

 Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng: Dù mong muốn sớm mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh để duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước và quốc tế, nhưng Dầu Tiếng sẽ cố gắng cân nhắc thật kỹ những nguy cơ, rủi ro tái nhiễm dịch bệnh để có phương án phù hợp. Trước mắt, huyện sẽ rà soát và kiểm tra lại công tác an toàn phòng, chống dịch bệnh đối với các doanh nghiệp và công nhân lao động đang tham gia phương án sản xuất “3 tại chỗ” trên địa bàn, xem xét chấp thuận đối với những doanh nghiệp đăng ký mới có phương án, kế hoạch sản xuất an toàn. Những doanh nghiệp muốn tổ chức “1 cung đường, 2 địa điểm”, huyện sẽ hỗ trợ kết nối với các cơ sở kinh doanh nhà trọ để hai bên tiến hành đàm phán, thỏa thuận các vấn đề liên quan đến hợp tác thuê và cho thuê. Dù thực hiện phương án nào, doanh nghiệp cũng cần chủ động liên kết, phối hợp với địa phương trong việc sàng lọc công nhân lao động đầu vào (khi tham gia sản xuất “3 tại chỗ”) và đầu ra (khi dừng sản xuất “3 tại chỗ”).

 ĐÌNH THẮNG - D.TIẾNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên