Trọn tình với nước non

Cập nhật: 27-09-2014 | 08:28:55

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Lang, sinh năm 1931, tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo là một người phụ nữ cả đời cực khổ, chịu nhiều hy sinh vì con, vì chồng, chịu nhiều đau thương, mất mát để góp phần cho đất nước thanh bình, yên vui.

Ở cái tuổi 83, không ai còn gọi tên riêng của mẹ. Mọi người kính mến gọi mẹ bằng 5 từ cao quý “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Cả cuộc đời mẹ như “thân cò” tần tảo sớm hôm thay chồng nuôi con. Chồng, con mất đi để lại trong mẹ bao nỗi buồn thương suốt mấy chục năm dài.

Mẹ Lang kể, mẹ sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Phước Hòa (Phú Giáo) anh hùng. Gia đình mẹ, ba hoạt động cách mạng, mẹ gánh gạo nuôi quân, đến người em trai cũng hoạt động mật. Từ truyền thống gia đình, mẹ cũng làm giao liên, tải gạo, thuốc vào rừng cho bộ đội từ khi còn nhỏ.

Một tuần hai đến ba lần, mẹ tìm mọi cách mang lương thực cho cán bộ, du kích, bộ đội trong vùng căn cứ, dưới vỏ bọc gánh củi mưu sinh. Cứ thế, bọn giặc không hề nghi ngờ mẹ. Thường xuyên vào căn cứ, mẹ gặp người thanh niên ưu tú của mảnh đất Tây Ninh - Trương Văn Đạo (SN 1930). Ông hoạt động cách mạng từ lúc 16 tuổi. Ông được điều về hoạt động tại Phú Giáo. Khi có lệnh đình chiến, ông không trở về Tây Ninh mà ở lại Phú Giáo và kết hôn với mẹ. Tưởng rồi cuộc sống của mẹ êm đềm trôi qua, nhưng địch lại tiếp tục nổ súng phá tan ước mơ nhỏ nhoi ấy. Một lần nữa mẹ tiễn chồng lên đường tham gia kháng chiến. Hạnh phúc không trọn vẹn khi mẹ nhận được giấy báo tử của chồng. Ông hy sinh trong lúc giặc càn vào căn cứ. Phía trên chúng dùng máy bay uy hiếp, phía dưới, chúng thả lính nhảy dù để hòng “diệt cỏ tận gốc”. Lúc này, ông Đạo cùng anh em chống trả quyết liệt và ông đã hy sinh. “Buồn lắm con ơi! Ngày ông hy sinh, mẹ biết và đến tiễn đưa khi chúng chôn ông nhưng không dám nhận vì sợ các con bị ảnh hưởng. Đêm về, mẹ làm mâm cơm cúng để ông yên nghỉ”, mẹ Lang bộc bạch.

Sống trong lòng cách mạng, noi gương ba mẹ, anh Trương Văn Hạnh (SN 1956, tự Xuân) con trai thứ 4 của mẹ vừa lớn lên đã xin theo đội du kích xã. Anh Xuân đã dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu, được anh em tín nhiệm cử làm Xã đội phó xã Phước Vĩnh. Thương con, tự hào về con bao nhiêu mẹ đau khổ bấy nhiêu khi hay tin anh Xuân hy sinh trong lúc cùng anh em cưa bom lép để lấy thuốc súng (1-1975) để chế mìn tự tạo. Chị Trương Thị Mỹ, con thứ 7 của mẹ, cho biết lúc nhỏ anh Xuân ở nhà phụ mẹ làm củi nuôi các em. Năm 16 tuổi, anh theo ba vào căn cứ. Từ đó, gia đình rất ít khi được gặp mặt. Nghe mẹ kể lại, một lần vào thăm anh trong vùng căn cứ, anh bị sốt cao, mẹ tự tay cạo gió cho anh. Trong lúc cạo gió, mẹ phát hiện trên lưng anh có vết sẹo to. Anh bảo, trong đó có mảnh đạn, chờ giải phóng sẽ phẫu thuật lấy nó ra. Thế nhưng, chỉ còn 3 tháng nữa là miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh Xuân đã ra đi mãi mãi. Anh hy sinh cùng với 5 đồng đội. Hài cốt anh đã được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Giáo. Dù nếm trải nỗi đau mất chồng, mất con nhưng mẹ vẫn quyết tâm không bao giờ gục ngã. Mẹ lại lặn lội vào rừng tiếp tế lương thực cho bộ đội, chăm sóc vết thương cho những người con “mẹ chưa từng sinh ra”. Mẹ đã trở thành người mẹ chung của biết bao người lính, để khi hòa bình các anh thường tới lui, tri ân tấm lòng của mẹ.

 

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên