Tuyển sinh vào các trường trung cấp chuyên nghiệp: Vẫn lắm gian nan

Cập nhật: 06-03-2012 | 00:00:00

Định hướng ngay từ bậc THCS

Em Trần Quyết Thắng, ngụ tại phường Đông Hòa, TX.Dĩ An từng học hết lớp 9 tại trường Võ Trường Toản nhưng Thắng không đậu vào cấp 3. Thấy em còn nhỏ quá nên gia đình không muốn cho em đi học nghề mặc dù Thắng không hề có hứng thú học tiếp. Hiện tại, ban ngày Thắng ở nhà hoặc lang thang tại các tiệm internet để luyện game online; buổi tối thì em đánh lừa cha mẹ đi học bổ túc tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên TX.Dĩ An. Khi được hỏi sao không cho em vào học tại các trường TCCN để vừa học văn hóa lại vừa học được một cái nghề. Mẹ em, bà Bùi Thị Thu cho biết: “Tại lúc đó thấy cháu nó còn nhỏ quá, sợ nó học nghề vất vả với lại học xong chưa chắc đã có được việc làm. Thôi cứ để cho nó tốt nghiệp bổ túc đã rồi tính tiếp, cố cho nó thi vào ĐH”. 

Chọn cho mình một nghề mà mình yêu thích để học tập thì chắc chắn cũng sẽ thành công

Có nhiều HS không có khả năng học văn hóa nhưng vì nhiều áp lực nên vẫn phải đeo đuổi “sự nghiệp” học chữ. Đối với những em này, học chữ là một nỗi ám ảnh, nên nhiều khả năng các em sẽ chán học rồi bỏ học giữa chừng. Nếu vì áp lực của gia đình, của xã hội và ý chí bản thân, các em có thể “bơi” theo hết chương trình, nhưng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT thì rất thấp, việc thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ lại càng hiếm hoi.

Chủ trương “phân luồng” sau THPT là hoàn toàn đúng, cần khuyến khích HS học nghề hoặc học TCCN thay vì cứ đổ xô vào ĐH. Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh đã từng nhận định tại kỳ họp HĐND: “Với việc phân luồng HS, ngành giáo dục đang tích cực thực hiện và đi đúng hướng. Tuy nhiên, do tâm lý của một số phụ huynh và HS còn ngần ngại vì các em còn quá nhỏ không đi học nghề được. Để giải quyết những trường hợp như vậy, các trung tâm giáo dục thường xuyên phải tiếp tục nhận các em vào học đã khiến việc phân luồng gặp nhiều khó khăn”.

Công tác tuyển sinh vào TCCN vẫn nhiều hạn chế

Năm 2010-2011, theo thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo Bình Dương, trong số 44.126 HS, sinh viên thì chỉ có 15.260 HS vào học TCCN. So với năm 2009-2010, tuy số trường TCCN tăng thêm 2 trường nhưng quy mô TCCN giảm 3.110 HS.

Nguyên nhân chủ yếu của việc khó khăn trong công tác tuyển sinh của các trường TCCN là những khó khăn về đời sống kinh tế, cơ hội việc làm và làm đúng ngành sau khi tốt nghiệp của HS TCCN đối với một số ngành còn chưa cao, do các cơ sở đào tạo quá nhiều (ngành kế toán...). Mặt khác, nhận thức của xã hội chưa chuyển biến, tư tưởng bằng mọi giá phải học ĐH vẫn phổ biến. Chính vì thế, HS có khuynh hướng đăng ký nhiều hơn vào hệ TCCN của các trường CĐ, ĐH. Trong tổng số 15.260 HS học TCCN thì chỉ có 5.456 HS học tại các trường TCCN, còn lại học tại các trường CĐ và ĐH. Mặt khác, việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường TCCN còn hạn chế nên thiếu sự hấp dẫn đối với người học.

Thực hiện chủ trương phân luồng sau THCS, trong năm 2010-2011, đã có 661 HS/750 HS tốt nghiệp THCS vào học TCCN. Tuy nhiên với đối tượng HS này trong 1 năm học, tỷ lệ bỏ học cao. Nhìn chung, công tác tuyển sinh của các trường đa số đều thực hiện đúng quy chế tuyển sinh TCCN, tuy nhiên tính cạnh tranh nguồn tuyển sinh HS tốt nghiệp THPT giữa các trường ngày càng gay gắt. Các trường CĐ, ĐH có nhiều điều kiện thuận lợi nên thu hút HS vào học TCCN, còn các trường TCCN tuy có nhiều cố gắng song vẫn khó khăn hơn trong công tác tuyển sinh đối tượng này. Mặt khác, công tác thông tin, tư vấn, quảng bá nhà trường, vị trí thuận lợi của từng trường đều ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh. Hạn chế lớn nhất trong tuyển sinh TCCN vẫn là sự thiếu thông tin đến với HS ở các vùng sâu, vùng xa.

Ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: “Trong năm học vừa qua, công tác đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục chuyên nghiệp đã đạt được những kết quả nhất định, nhân lực trình độ TCCN ngày càng đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động. Đây là hiệu quả của việc chuẩn bị chu đáo về nhân lực, vật lực và sự quản lý chặt chẽ của các trường. Nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo của các trường trong xu thế cạnh tranh hứa hẹn sẽ đào tạo ra những “sản phẩm” có chất lượng, đáp ứng yêu cầu xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thí sinh chỉ chọn trường TCCN như nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, sau khi không còn hy vọng vào được ĐH, CĐ nên công tác tuyển sinh TCCN còn gặp nhiều khó khăn, nhiều trường tuyển sinh nhiều đợt nhưng HS nhập học vẫn không đạt chỉ tiêu. Vì vậy, để tạo lực hút thật sự cho các trường TCCN cần có sự đầu tư tập trung, lâu dài để tạo nền tảng nâng cao chất lượng đào tạo”.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên