Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh vừa tổ chức cuộc họp thẩm tra tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2014 nhằm chuẩn bị trình kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh tới đây.
Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm vẫn duy trì tăng trưởng cao. Trong ảnh: Sản xuất các sản phẩm y tế tại Công ty TNHH ROHTO Việt Nam (KCN Việt Nam - Singapore I)
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng
Báo cáo sơ kết tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của UBND tỉnh nêu bật, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đã có chuyển biến tích cực với mức tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 14,2%, cao hơn mức 11,8% của cùng kỳ nhờ thị trường trong nước từng bước được cải thiện và mặt bằng lãi suất giảm. Số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và số vốn tăng so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên 1 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch năm nhờ môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện. UBND tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với các dự án trong các khu công nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh được cải thiện đã tạo điều kiện bảo đảm thu ngân sách đạt tiến độ dự toán. Trong đó, thu nội địa với hầu hết các khoản thu có tỷ trọng lớn đều đạt kết quả khá so với dự toán và tăng so cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt kết quả tích cực nhờ sự tập trung điều hành, theo dõi, giám sát tình hình thực hiện, nhất là các công trình trọng điểm như đường Phạm Ngọc Thạch, đường 7A…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Thị Kim Vân: Ngành nông nghiệp cần có đánh giá, khuyến cáo cho nông dân
Tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới quy định “sau 2 năm sẽ đánh giá lại nếu không đạt sẽ mất danh hiệu”. Nếu chúng ta không nêu và phân tích rõ vấn đề này thì sẽ gặp khó khăn về sau. Tiêu chí thu nhập ở các xã nông thôn mới phần lớn là dựa vào nông nghiệp, trong đó cây cao su là chính. Diễn biến tình hình cho thấy giá mủ cao su có thể còn giảm sâu do xuất khẩu chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc. Yêu cầu ngành nông nghiệp phải có báo cáo đánh giá và khuyến cáo cho bà con nông dân.
Mặc dù kết quả giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt khá và dự báo sẽ hoàn thành kế hoạch, nhưng tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm còn chậm, nhất là ở lĩnh vực văn hóa xã hội, cấp thoát nước… Có công trình được ghi vốn đầu năm nhưng không được giải ngân, trong khi có công trình không nằm trong danh mục lại được quyết toán…
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương Nguyễn Phú Cường dẫn chứng bằng những con số tăng trưởng tín dụng cụ thể: “Với đặc điểm đa số các DN ngoài quốc doanh, nhất là DN nhỏ và vừa hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn vay ngân hàng. Kết quả tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng qua đạt 7,12%, cao hơn so cùng kỳ cũng khẳng định xu thế tích cực của nền kinh tế trong năm 2014…”.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của UBND tỉnh cùng các sở, ngành chức năng đã chủ động, khẩn trương, tích cực, kịp thời thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp, giúp đỡ, hỗ trợ người lao động và các DN bị thiệt hại, nhanh chóng ổn định, trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.
Phát huy nội lực, tăng cường ngoại lực
Tuy vậy, trong quá trình thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cũng chỉ ra rằng: “Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi, nhưng mức cải thiện chưa nhiều, tăng trưởng giá trị công nghiệp đạt 12,5% so với 11,9% của cùng kỳ. Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn trong xu thế ổn định nhưng giảm nhẹ về giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu tại một số DN bị gián đoạn trong thời gian ngắn sau đó đã ổn định và trở lại bình thường”.
Đại biểu Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường lưu ý, trong cơ cấu kinh tế phải bảo đảm tính cân bằng, ổn định, phát huy tốt yếu tố nội lực. Tỉnh đã có Quỹ Hỗ trợ DN vừa và nhỏ nhưng suốt từ 10 năm qua quỹ này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Vì vậy, cần quan tâm phát triển quỹ này nhằm giúp DN trong nước có điều kiện phát huy lợi thế, đủ sức cạnh tranh, với các DN nước ngoài. “Thực tế cho thấy, thu hút ngoại lực để phát triển kinh tế là rất quan trọng nhưng không được quá lệ thuộc vào lĩnh vực này…”, ông Danh nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Nghĩa đề nghị: “Dựa trên kết quả phát triển kinh tế - xã hội, cần có sự phân tích, đánh giá cụ thể, chi tiết từng vấn đề theo từng nhóm để đưa ra dự báo, kế hoạch sát tình hình, tránh bất ngờ, bị động. Tuy lãi suất ngân hàng có giảm nhưng DN sản xuất vẫn chưa muốn vay vì làm ăn không có lãi, bị hàng hóa nước ngoài cạnh tranh ngay trân sân nhà bằng nhiều hình thức chuyển vốn, chuyển giá…”. Ông Nghĩa cũng cảnh báo hình thức đầu tư trá hình để hưởng lợi thế xuất xứ hàng hóa C/O khi Việt Nam chính thức là thành viên của Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)...
Đi sâu phân tích về kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Ban thẩm tra nhận định: “Kết quả thu hút vốn FDI đạt trên 1 tỷ USD đã hoàn thành kế hoạch cho cả năm. Tuy nhiên, tổng số vốn đăng ký của dự án mới là 337 triệu USD, bằng 57% so cùng kỳ, chỉ chiếm 1/3 tổng vốn thu hút được. Đồng thời, vốn bình quân 1 dự án là 4,3 triệu USD chỉ bằng 1/2 vốn bình quân (9,41 triệu USD) một dự án thu hút được trong 6 tháng đầu năm 2013. Con số này cho thấy, tình hình thu hút các dự án đầu tư mới còn khó khăn, đòi hỏi tỉnh cần phân tích, đánh giá cụ thể để có giải pháp phù hợp trong thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới.
Một trong những giải pháp quan trọng và lâu dài được đại biểu Nguyễn Tầm Dương, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, nhấn mạnh là công tác quy hoạch và điều hành thực hiện đúng quy hoạch. Quy hoạch là định hướng chiến lược cho sự phát triển, nhưng qua giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhận thấy nhiều quy hoạch chưa thật sự triển khai tốt trên thực tế như quy hoạch xe buýt, quy hoạch chợ, trung tâm thương mại, quy hoạch hạ tầng công nghệ thông tin…
DUY CHÍ