Chủ tịch Quốc hội lên đường thăm chính thức 3 nước châu Âu

Cập nhật: 09-03-2013 | 00:00:00

Chủ tịch Quốc hội cùng đoàn sẽ đi thăm 3 nước Liên bang Nga, Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Ba Lan từ ngày 9 – 17-3.

Sáng 9-3, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lên đường đi thăm chính thức Liên bang Nga, Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Ba Lan từ ngày 9-17/3, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội 3 nước này.

Cùng đi với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi; Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và một số thành viên khác.

Việt Nam và Liên bang Nga có mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống. Kể từ khi hai bên ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược; quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tích cực theo hướng hợp tác hữu nghị, ngày càng toàn diện và tin cậy hơn. Trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 7-2012); hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Trong sắc lệnh đầu tiên của Tổng thống Nga Putin về đối ngoại (7-5-2012), Nga đặt Việt Nam ngang hàng với các nước lớn trong khu vực, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ. Điều này, thể hiện sự coi trọng và mong muốn của bạn trong phát triển quan hệ với Việt Nam.

Liên tục những năm gần đây, đối thoại chính trị, hợp tác quân sự song phương Việt Nam - Nga đã được tăng cường, việc trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao cũng được đẩy mạnh. Quan hệ kinh tế, thương mại Việt - Nga tiếp tục phát triển nhanh: thương mại song phương năm 2011 đạt xấp xỉ 2 tỷ USD; năm 2012 đạt gần 2,45 tỷ USD (trong đó Việt Nam xuất siêu).

Đầu tư của Nga vào Việt Nam tăng từ 100 triệu USD năm 2008 lên 1,7 tỷ USD năm 2012. Hai nước phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế tại LHQ, Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái bình Dương (APEC),…

Về quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp, Quốc hội Việt Nam và Thượng viện, Hạ viện Nga trong thời gian qua cũng phát triển tốt đẹp, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ chung giữa hai nước.

Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2012 của Chủ tịch Hội đồng Liên bang, Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Liên bang Nga đã ký thỏa thuận hợp tác mới, tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường hợp tác nghị viện giữa hai bên. Trao đổi đoàn cấp cao Lãnh đạo Quốc hội được duy trì đều đặn hàng năm. Quốc hội ta và Hội đồng Liên bang, Duma quốc gia Nga đều có nhóm Nghị sỹ hữu nghị hoạt động tích cực, thúc đẩy quan hệ hai bên.

Đối với Cộng hòa Liên bang Đức, từ nhiều năm nay đây là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu. Chính giới Đức, dù đảng cầm quyền hay đối lập, đều đánh giá cao vai trò và chủ trương tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel (tháng 10/2011), hai bên đã ký tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Đức đặc biệt quan tâm việc khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU. Đức cam kết ủng hộ việc chấm dứt việc áp thuế chống bán phá giá giầy mũ da, tỏ thiện chí đối với Việt Nam trong điều tra chống gian lận thương mại.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của ta sang EU (bằng cả Anh và Pháp cộng lại). Đức là một trong những viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp trên 1 tỷ Euro cho các dự án ODA tại Việt Nam.

Quan hệ hợp tác nghị viện song phương giữa Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức cũng được duy trì, thúc đẩy. Lãnh đạo Quốc hội Liên bang và Thượng viện Đức đã nhiều lần thăm Việt Nam (Chủ tịch Quốc hội Wolfgang Thierse (2001), Chủ tịch Hội đồng Liên bang - Matthias Plazech (2005), Chủ tịch Hội đồng Liên bang Harald Ringstorff (2007). Quốc hội Việt Nam cũng thường xuyên cử đoàn thăm làm việc, trao đổi kinh nghiệm với các nghị sỹ Bạn và đã thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị với Đức.

Đối với Ba Lan, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam cũng phát triển tốt đẹp. Năm 2010, hai nước đã cùng nhau tổ chức kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ba Lan hiện là bạn hàng số 1 của Việt Nam tại Trung Đông Âu, còn Việt Nam là bạn hàng thứ 3 của Ba Lan ở Đông Nam Á.

Kim ngạch trao đổi hàng hóa những năm qua tăng khá nhanh và chủ yếu ta xuất siêu. Cộng đồng người Việt tại Ba Lan có khoảng 20.000 – 30.000 người, tích cực đóng góp vào việc phát triển hữu nghị, kinh tế - thương mại hai nước.

Quan hệ hợp tác giữa Quốc hội ta và Quốc hội Ba Lan thời gian qua không ngừng được duy trì và phát triển. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp thăm chính thức và học tập kinh nghiệm trong hoat động lập pháp. Nhóm Nghị sỹ hữu nghị song phương giữa hai nước cũng đã được thành lập và hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội.

Chuyến thăm chính thức 3 nước Liên bang Nga, Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Ba Lan của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta từ nay đến ngày 17-3 sẽ góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước này, mở ra hướng phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp Việt Nam với Liên bang Nga, Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Ba Lan.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=211
Quay lên trên