Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp người nghèo, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Nhân tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2019 (từ ngày 17-10 đến 18-11), phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn bà Trần Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về vấn đề này.
Bà Trần Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Ảnh: T.VY
- Thưa bà, thời gian qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh” được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia tích cực, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” đã mang lại cơ hội thoát nghèo cho nhiều người nghèo. Xin bà cho biết những chương trình mà người nghèo đã được thụ hưởng từ cuộc vận động?
- Quan tâm chăm lo cho người nghèo là việc làm cao đẹp, thể hiện truyền thống đạo lý của dân tộc. Thời gian qua, tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho người nghèo, từ việc xây dựng các nguồn Quỹ “Vì người nghèo” và các nguồn hỗ trợ khác đến việc triển khai thực hiện các chính sách về giảm nghèo bền vững đã thực sự phần nào giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm.
Từ khi phát động đến nay, MTTQ và các tổ chức thành viên Mặt trận đã vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh được trên 200 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ đã vận động được, MTTQ và các tổ chức thành viên đã triển khai xây dựng và sửa chữa 7.955 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, mái ấm tình thương, phẫu thuật tim cho trẻ em nghèo, thăm hỏi hỗ trợ bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo. Ngoài công tác chăm lo cho người nghèo, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên và tặng quà cho 61.593 gia đình chính sách, người có công cách mạng với kinh phí 23,7 tỷ đồng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thực hiện công trình trao tặng trang thiết bị nội thất thiết yếu cho gia đình chính sách với tổng kinh phí thực hiện trên 12 tỷ đồng.
- Hiện nay Bình Dương cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương, không có hộ tái nghèo, ngoài chính sách chung đối với người nghèo của Trung ương, tỉnh còn có chính sách riêng nào, thưa bà?
- Trong những năm qua, ngoài việc thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác giảm nghèo của Trung ương, Bình Dương còn ban hành nhiều chính sách giúp đỡ người nghèo. Điển hình là Quyết định 426/QĐ-UBND ngày 13-2- 2018 về phê duyệt Bộ tiêu chí điều tra, rà soát hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều tỉnh giai đoạn 2018-2020. Đây là sự nhạy bén, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh trong quá trình vận dụng linh hoạt các nghị định, chỉ thị của Đảng vào kế hoạch giảm nghèo của tỉnh. Điển hình trong năm 2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH rà soát các hộ nghèo thiếu hụt về thông tin. Qua rà soát, toàn tỉnh có 1.110 hộ nghèo cần được hỗ trợ, UBND tỉnh cũng đã cho chủ trương chi từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh trên 6 tỷ đồng để thực hiện công trình trao tặng tivi cho hộ nghèo.
Cùng với việc chú trọng giảm nghèo thông tin, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trích từ Quỹ “Vì người nghèo” và các nguồn quỹ do các tổ chức thành viên vận động, phối hợp trao tặng học bổng, xe đạp cho 2.845 học sinh nghèo hiếu học với số tiền gần 6 tỷ đồng, tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho 1.979 người thuộc hộ nghèo với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Chủ trương của tỉnh vận động người nghèo tham gia học nghề, tạo việc làm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình giảm nghèo phù hợp với từng đặc điểm địa phương. Triển khai thí điểm mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo dựa vào cộng đồng…
- Một số thuận lợi, khó khăn trong vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, thưa bà?
- Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền vận động nhằm huy động nguồn hỗ trợ từ nhân dân, các nhà hảo tâm, các cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Mặt trận cũng đã phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể. Mỗi huyện, thị, thành phố đến các phường, xã, khu, ấp đều có ban vận động đến từng hộ, từng đoàn thể, hướng vào những đối tượng có điều kiện kinh tế khá giả, đặc biệt đảng viên thực hiện trước để khích lệ động viên các đối tượng khác. Mỗi đơn vị, cơ sở có một cách làm khác nhau nhưng cuộc vận động đã thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên và toàn dân trong tỉnh tham gia với tinh thần tự nguyện, lan tỏa sâu rộng phong trào.
Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chỉ đạo Ủy ban MTTQ cấp huyện, xã và Ban công tác Mặt trận các tổ dân phố thực hiện tốt vai trò tập hợp lực lượng, phát huy tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái” trong cộng đồng dân cư, vận động các tổ chức đoàn thể và nhân dân đóng góp, giúp đỡ hộ nghèo.
- Thưa bà, thông điệp của tỉnh trong tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2019 là gì?
- Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hãy phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái “Lá lành đùm lá rách”, “Nhường cơm sẻ áo”, tích cực hưởng ứng một ngày lương ủng hộ. Sự đóng góp thiết thực này nhằm tạo thêm nguồn lực để tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, hỗ trợ họ nhà ở, phát triển sản xuất, giảm bớt khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thay mặt Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh, xin chân thành ghi nhận những tấm lòng nhân ái và mong muốn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các tổ chức, cơ quan, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong tỉnh tích cực đóng góp, ủng hộ xây dựng quỹ.
- Xin cảm ơn bà!
KIM HÀ