Chuyện về một bà mẹ!

Cập nhật: 28-12-2011 | 00:00:00

Chuyện kể lại rằng ở địa phương này có người mẹ tên Lê Thị Nghê, 42 năm về trước - vào tháng 10-1969, chiến trường Quảng Đà đang trong giai đoạn vô cùng ác liệt, quân địch thường xuyên mở những đợt càn quét dã man. Hang Ba Hàng trên núi Kẽm - Đá Dừng nằm ở phía tây heo hút thuộc thôn Trà Linh, xã Quế Tân, huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Linh Kiều, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) được xem là nơi an toàn. Tại nơi này khi ấy, ngoài số dân tự sơ tán, còn hơn 200 người dân trong thôn được cán bộ và du kích xã đưa vào hang để trú ẩn... Hàng ngày, kẻ địch đã tổ chức từng nhóm đi lùng sục để tìm diệt cán bộ và người dân. Má Năm Nghê lúc ấy cũng trú ẩn trong hang cùng 2 con nhỏ, một người con gái đã 4 tuổi và một người con trai mới được 3 tháng tuổi mà lòng dạ ngổn ngang vì chồng má - một du kích vừa chết do bom B52 tại làng cách đó không lâu. Lúc ấy, người con nhỏ của má bỗng khóc thét mà không cách gì dỗ được, trong khi ấy lính Mỹ rầm rập lục soát sắp tới. Vì sinh mạng của hàng trăm con người má đã không thể có cách nào khác ngoài cách đau đớn hy sinh con mình để hàng trăm người được sống sót bình an...

Chiến tranh đã lùi xa, lịch sử đã sang trang, đất nước ta đã hòa bình, thống nhất và đang trong quá trình phát triển đi lên công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Để đền đáp công ơn của những cá nhân, gia đình có công với cách mạng, Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, các tầng lớp nhân dân đã và đang có những việc làm thiết thực nhằm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn trái nhớ kẻ trồng cây” tốt đẹp của người dân Việt Nam... Nhưng xót xa thay, hiện nay má Năm Nghê tuổi đã già, sức đã yếu đang sống cô đơn, quạnh quẽ lại canh cánh nỗi đau trong lòng vì cuộc chiến với lương tâm khi nhớ lại quá khứ đau buồn, dù đã mấy mươi năm trôi qua... lại chưa được hưởng chế độ gì vì các ngành chức năng không biết “xếp vào diện nào” dù hành động cao cả đó của má được cán bộ, nhân dân trong xã cảm phục, nhớ ơn.

Không chỉ có má Lê Thị Nghê, thiết nghĩ trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên khắp mọi miền Tổ quốc nói chung và ở Bình Dương nói riêng có thể vẫn còn nhiều trường hợp như  trường hợp nói trên. Do đó, xin hãy đừng quên họ với những đóng góp dù âm thầm nhưng có ý nghĩa hết sức lớn lao, dù có khi bản thân và gia đình họ không đòi hỏi gì cả, nếu quên họ là chúng ta đã có lỗi với lịch sử, có lỗi với những người đã khuất và có lỗi với những người như má Lê Thị Nghê.

Bình Dương được xem là một trong những địa phương điển hình trong cả nước thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa. 100% địa phương trong tỉnh thực hiện tốt công tác này. Ngoài các chế độ theo quy định, trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn ra nhiều hoạt động chăm lo cho gia đình chính sách với sự tham gia của cả cộng đồng, bảo đảm các gia đình chính sách có cuộc sống ổn định. Từ đây, nhiều gia đình chính sách không chỉ trở thành những nhân tố gương mẫu tại địa phương mà còn là những điển hình trong kinh doanh, sản xuất, chăn nuôi... Những ngày này, cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng đang có nhiều hoạt động thể hiện lòng tri ân đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng nhân dịp tết đến, xuân về. Ngày 8-12 vừa qua, Chủ tịch nước vừa ký quyết định về việc tặng quà Tết Nhâm Thìn cho một số đối tượng chính sách với 2 mức từ 200.000 -400.000 đồng. Riêng Bình Dương, hàng năm, trong dịp này, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm hỏi và tặng quà đến các gia đình chính sách tiêu biểu. Các địa phương, các tổ chức kinh tế, xã hội, các cá nhân cũng có nhiều hoạt động “nhớ nguồn” như quan tâm, giúp đỡ gia đình chính sách gặp khó khăn để họ có một cái tết vui tươi, ấm cúng và chan chứa nghĩa tình.

DÂN THƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=385
Quay lên trên