Đào tạo nghề cho người khuyết tật: Giúp người khuyết tật vươn lên, hòa nhập xã hội

Cập nhật: 04-05-2019 | 05:35:02

Nhằm giúp cho người khuyết tật (NKT) vượt lên số phận, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã luôn nỗ lực tổ chức các chương trình dạy nghề để trang bị cho họ phương thức lao động. Điều này không những khích lệ NKT mà còn là thông điệp kêu gọi sự đóng góp của cá nhân trong xã hội ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

 NKT học nghề in lụa tại Trung tâm Dạy nghề NKT tỉnh

Đào tạo nghề

Chúng tôi ghé thăm Trung tâm Dạy nghề NKT tỉnh trong lúc các cán bộ trung tâm đang hoàn tất hồ sơ và cấp giấy chứng chỉ nghề cho các học viên. Không khí ở đây vui nhộn hẳn lên bởi có rất nhiều gia đình với tâm trạng phấn khởi vì giờ đây con em của mình đã có một nghề mưu sinh. Cầm chứng chỉ nghề trên tay, một bà mẹ không giấu được niềm vui thốt lên: “Tôi rất mừng vì con được học nghề, về nhà xin cho con đi làm để có công việc ổn định, hòa nhập cộng đồng”.

Khác với những trung tâm dạy nghề khác, trung tâm là nơi tiếp nhận, quản lý, dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề NKT tỉnh, cho biết: “Dạy nghề cho NKT là một việc làm thiết thực có ý nghĩa sâu sắc, giúp họ có được một nghề để có thể tự kiếm sống, ổn định cuộc sống. Chỉ tính trong năm 2018, trung tâm đã đào tạo 7 lớp nghề cho 71 học viên. Đây quả là con số đáng khích lệ, giúp các em có được một việc làm ổn định, bỏ đi mặc cảm bản thân”.

Tại trung tâm, ngoài việc học nghề các em còn được tham gia học lớp xóa mù chữ. Trung tâm tổ chức các lớp dạy văn hóa, giáo dục đạo đức lối sống đến từng học viên, giúp họ am hiểu về luật pháp và tự rèn luyện nhân cách, đạo đức, lối sống của mình. Hiện trung tâm đào tạo 6 ngành nghề chính: Tin học đồ họa, điện tử gia dụng, may công nghiệp, in lụa, cắt tóc nam nữ và dệt cocoro. Chúng tôi đến thăm lớp in lụa, học viên ở đây trông thật vô tư, hồn nhiên như đứa trẻ. Nhìn mọi người ai ai cũng cần mẫn làm việc, chúng tôi không nghĩ rằng những người này họ đang bị khiếm khuyết tâm hồn, trải qua những cơn đau vật vã về thể xác và giờ đây họ đang cố gắng vươn lên và khẳng định mình trong gia đình, xã hội.

Nhiều chính sách ưu tiên dạy nghề cho NKT

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm cho NKT, như: Đào tạo nghề miễn phí, giới thiệu việc làm, định hướng nghề, tạo điều kiện cho NKT phát huy khả năng, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức lớp dạy nghề. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện hỗ trợ kinh phí hoặc cho vay tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để NKT mua sắm thiết bị, dụng cụ hành nghề sau khi học nghề. NKT cũng được ưu tiên tư vấn học nghề và việc làm phù hợp với điều kiện sức khỏe và khả năng lao động.

Điển hình phải kể đến mô hình “Đào tạo nghề gắn với cộng đồng tại các huyện nông thôn” của Hội Bảo trợ NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh. Chị Nguyễn Thị Mai (Dầu Tiếng) bị khuyết tật chân. Năm 2018, chị được Hội Bảo trợ NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh hỗ trợ học nghề may gia công túi xách tại cơ sở may gia công thị trấn Dầu Tiếng. Sau khi học nghề, chị Mai được cơ sở nhận làm thợ phụ. Hiện tiền lương mỗi tháng của chị khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, đủ để chị trang trải cuộc sống.

Nói về chính sách ưu tiên dạy nghề, bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề NKT tỉnh, cho biết thêm: “Hàng quý, trung tâm tổng hợp số lượng học viên có nhu cầu xin việc làm để giới thiệu đến các công ty, doanh nghiệp. Từ cuối năm 2018 đến nay, trung tâm đã giới thiệu cho 17 em làm việc tại các công ty, cơ sở tư nhân. Trung tâm hiện đang tiếp tục duy trì lớp gia công dụng cụ y tế với 13 học viên, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Các em học viên ngoài giờ học được sắp xếp tham gia sản xuất, gia công với thu nhập bình quân từ 100.000 - 500.000 đồng/ học viên/1 tháng”. Riêng năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với các huyện, thị, thành phố rà soát, thông báo cho NKT tham gia ứng tuyển vào Công ty OmRom. Kết quả, có 6 NKT đủ điều kiện vào làm việc tại công ty.

 Trên địa bàn tỉnh hiện có 16.800 NKT, trong đó có khoảng 30% NKT có khả năng lao động. Phấn đấu đến năm 2020, Hội Bảo trợ NKT, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh sẽ hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm tại cộng đồng cho 9 huyện, thị, thành phố với 63 NKT. Mức hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng/1 trường hợp, tùy vào tình hình thực tế, thời gian mỗi nghề được dạy và nhu cầu của người học.

 KIM HÀ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=554
Quay lên trên