Dấu ấn trên đường phát triển

Cập nhật: 06-10-2020 | 08:44:01

Kỳ 1: Mở lối tiên phong

Kiên định với quyết sách phát triển kinh tế theo hướng dịch chuyển cơ cấu từ thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ với chiến lược cốt lõi là chú trọng đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế khu, cụm công nghiệp tập trung, đã tạo đòn bẩy cho sự phát triển nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Sau nhiều năm nỗ lực, “hoa thơm trái ngọt” đã đến với Bình Dương.

VSIP, biểu tượng của sự phát triển mô hình khu, cụm công nghiệp Bình Dương nhiều năm qua

Vươn mình đứng dậy

Những năm 90 của thế kỷ trước, mỗi lần nghe đến địa danh Bình Dương - Sông Bé, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh của một vùng đất hoang sơ với những nông trường cao su xen kẻ những ruộng lúa, ruộng khoai mì manh mún, nhỏ lẻ. Mỗi lần có dịp về miệt Long Nguyên (Bàu Bàng) tôi thường dành 2 đến 3 giờ đồng hồ ngồi uống cà phê tán gẫu với một lão nông. Ông là Nguyễn Văn Ngôn, dân Bến Cát chính gốc, tính tình vui vẻ hòa đồng. Điều khiến tôi thích thú nhất là mỗi lần gặp, tôi đều được nghe ông Ngôn kể một câu chuyện về các sự tích, điển tích của những địa danh ở Bình Dương.

Ông Ngôn kể rằng, hồi đó vùng Bình Dương còn hoang sơ lắm, đường đi đầy cỏ dại, nhà cửa thưa thớt, khắp nơi chỉ một màu xanh của cỏ cây. Thời đó, những người nông dân với phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ nên luôn phải sống trong tình trạng thiếu thốn, cơm trộn khoai mì vào cho đủ bữa.

Những ngày tháng vất vả cứ thế trôi qua cho đến đầu thập niên 90, khi toàn quốc thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991). Tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ được cấp phép quy hoạch và phát triển 15 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích trên 6.000ha. Sau này khi tách tỉnh vào ngày 1-1-1997, Bình Dương còn 13 KCN với diện tích 4.033ha.

Kỹ sư điều khiển hệ thống máy móc tự động hóa tại một nhà máy trong khu công nghiệp VSIP. Ảnh: XUÂN THI

Trong đó “viên gạch” đầu tiên tạo nên nền móng vững chắc cho mô hình xây dựng khu, cụm công nghiệp tập trung, thu hút đầu tư trong và ngoài nước của Bình Dương phải kể đến KCN Sóng Thần I và KCN Bình Đường được thành lập vào năm 1995. Thời điểm này, hầu hết các địa phương đều đang tập trung đổi mới, cải cách nông nghiệp nhằm xóa đói giảm nghèo, Bình Dương là “cánh chim đơn lẻ” mở lối tiên phong trong việc xây dựng mô hình này.

Quả ngọt hôm nay

Trải qua 25 năm kiên trì với chính sách xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp làm nền móng vững chắc, tạo bệ phóng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mang lại “quả ngọt” cho tỉnh nhà. Người Bình Dương không giấu được nổi niềm vui khi biết, nhìn thấy quê hương mình từ một tỉnh nghèo thuần nông ngày nào, giờ đây lại là một đô thị công nghiệp kiểu mẫu với mức thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao thứ 2 cả nước tính tới thời điểm hiện tại.

Đến với địa bàn TP.Thuận An, TP.Dĩ An là những con đường giao thông huyết mạch, liên thông, là KCN nối tiếp KCN. Phóng tầm mắt lên cao một chút trước mặt chúng tôi là những tòa nhà được xây dựng theo kiến trúc công nghiệp hiện đại, xen lẫn với nhịp sống đô thị công nghiệp đang diễn ra hối hả khắp vùng.

Đến KCN VSIP I với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ ban quản lý, chúng tôi mất gần nửa ngày chỉ để “cưỡi ngựa xem hoa” tham quan khuôn viên rộng hơn 500ha của KCN kiểu mẫu này. Đứng trước một khuôn viên với phong cách xây dựng khoa học, sạch đẹp, chúng tôi không thể kiềm chế sự hiếu kỳ để nhanh chóng thả dài bước chân trên các ngã đường KCN. VSIP I cũng chỉ là một trong hơn 30 KCN đang hiện hữu trên đất Bình Dương hiện tại.

Phía sau những cánh cổng với hình ảnh logo quen thuộc kia là không gian làm việc khoa học, sáng tạo của các cán bộ, công nhân thuộc nhiều công ty nổi tiếng trên thế giới. Đó là nơi tạo ra những sản phẩm “Made in Vietnam” chất lượng mỗi ngày để phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng khắp năm châu bốn biển. Nhìn những người công nhân trẻ đang điều khiển hệ thống máy móc làm việc một cách miệt mài, chúng tôi lại nghĩ đến những chú ong thợ luôn miệt mài tìm hoa hút mật cho đời.

Tiếp nối sự thành công từ những nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh tiếp tục có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô thân thiện với môi trường; dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp mới.

“Tiếng lành đồn xa”, Bình Dương tiếp tục hái quả ngọt khi chỉ mới đầu quý IV-2019, tỉnh đã vượt chỉ tiêu đề ra về việc thu hút đầu tư FDI giai đoạn 2015- 2020 về cả số vốn và thời gian. Theo đó tỉnh đề ra mức thu hút đầu tư FDI giai đoạn này là 7 tỷ USD nhưng chỉ mới quý IV- 2019 tỉnh đã thu về 10,2 tỷ USD, vượt 3,2 tỷ so với kỳ vọng. Hơn ai hết, người Bình Dương hiểu rõ để đạt được sự tăng trưởng mang tính thần kỳ này, là sự nỗ lực chung của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Giai đoạn xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà có thể nói đã thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và kiến tạo môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh lý tưởng cho các nhà đầu tư thì vẫn là câu chuyện khiến các cấp, các ngành còn trăn trở. “Làm thế nào để nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp yêu mến và muốn gắn bó với Bình Dương dài lâu, để mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp luôn thuận lợi, không bị vướng mắc thủ tục hành chính…”, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói.

Với nhiều năm kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam, ông Hideyuki Okada, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh (JBAH) cho biết, nếu các nhà đầu tư muốn tìm một nơi để triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình thì Bình Dương là một lựa chọn hoàn hảo, từ hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp cho đến những vấn đề liên quan đều đồng bộ, thuận lợi. Đặc biệt lãnh đạo Bình Dương luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo ông Okada, đó cũng là lý do khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đăng ký đầu tư trên địa bàn Bình Dương. (Còn tiếp)

- Với chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều năm qua, Bình Dương sớm trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Kể từ khi “phát pháo sáng” đầu tiên mang tên KCN Sóng Thần I vào năm 1995, nền kinh tế tỉnh bắt đầu có sự dịch chuyển và khởi sắc rõ nét. Tính đến nay toàn tỉnh đã có 48 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích lên đến hơn 14.970ha, có trên 46.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp của tỉnh đã đạt mức 80%, tỷ lệ lấp đầy và quy mô các khu, cụm công nghiệp dự kiến sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2020-2025.
- Tính đến nay, Bình Dương thu hút được trên 35 tỷ USD vốn đầu tư FDI, chiếm 9,2% tổng mức đầu tư FDI cả nước. Doanh nghiệp tham gia đầu tư vào Bình Dương đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó những quốc gia và vùng lãnh thổ có mức đầu tư cao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ…

ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên