Đau đầu với phí giao thông!

Cập nhật: 26-03-2012 | 00:00:00

Theo các phương tiện truyền thông, ngày 1-6 tới đây, thực hiện Nghị định 18, người dân sẽ phải đóng thêm loại phí giao thông có tên gọi là phí bảo trì đường bộ (BTĐB), hiện Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Tài chính đang nghiên cứu để thống nhất đưa ra mức phí cụ thể nộp vào quỹ BTĐB cho từng loại xe (ô tô và xe máy). Bên cạnh đó, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đang đề xuất thông qua 2 loại phí khác là phí lưu hành phương tiện cá nhân (tại 5 thành phố: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng) và phí lưu thông ô tô trong đô thị giờ cao điểm. Việc thu thêm các loại phí này là nhằm tạo nguồn thu để sửa chữa đường bộ, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trên đường để kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông cộng cộng...

Có thể nói phí giao thông đã và đang là gánh nặng đối với người dân nên theo các chuyên gia kinh tế, chủ tịch các hiệp hội, các hợp tác xã hoạt động thuộc lĩnh vực dịch vụ vận tải... thì việc thêm các loại phí nói trên là tăng thêm gánh nặng, vì để xe lăn được bánh trên đường người dân phải chịu 5 loại phí đối với xe máy và 9 loại phí đối với ô tô và xe tải. Trong đó, phí giao thông cầu đường và phí BTĐB có cùng mục đích thu để bảo trì cầu đường khiến doanh nghiệp vận tải phải chịu “phí chồng lên phí”, bắt buộc doanh nghiệp phải tăng giá cước vận tải hành khách và hàng hóa, như vậy cuối cùng người gánh chịu vẫn là người dân. Một số người dân nghèo hành nghề chạy xe ôm cũng phàn nàn rằng “xe ôm đâu có phá đường sao vẫn phải đóng phí BTĐB”...

Thiết nghĩ muốn giải quyết nạn ùn tắc giao thông và kéo giảm tai nạn giao thông, vấn đề cần đặt ra theo nhiều người là phải có những giải pháp đồng bộ, liên quan đến điều tiết cung - cầu về phương tiện giao thông và nhu cầu đi lại, khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, sự phát triển của giao thông công cộng. Riêng muốn tăng nguồn thu cho ngân sách phục vụ việc đầu tư phát triển giao thông cần phải tính toán, cân nhắc mức phí thu là bao nhiêu, cách thu như thế nào, thu trên những loại phương tiện nào? Không nên thu phí nhằm hạn chế xe máy vì hiện nay các phương tiện công cộng của chúng ta chưa đáp ứng đủ và chưa phục vụ tốt người dân thì xe máy vẫn đang là phương tiện đi lại cơ động và thuận tiện nhất đối với nhiều người, do đó nếu cứ đặt ra các khoản thu phí đối với xe máy là trực tiếp làm giảm thu nhập của đa số người dân có thu nhập trung bình và thấp, đi ngược lại với xu hướng Nhà nước đang tìm cách hỗ trợ an sinh xã hội...

Nên chăng, để tăng nguồn vốn cho đầu tư phát triển giao thông chỉ nên tăng mức thu phí trước bạ và phí đăng ký biển số lần đầu đối với xe máy; với ô tô, xe tải thì tăng mức thu đối với các khoản thu hiện hành, mức thu này có thể điều chỉnh tăng tỷ lệ thuận đối với dung tích phân khối, diện tích chiếm chỗ giao thông. Còn nếu vẫn thực hiện việc thu phí BTĐB nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thì nên có đề án chính thức và đề án này phải được sự góp ý, phản biện của xã hội một cách rộng rãi trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua...

 VÕ HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên