Dấu mốc đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada lên tầm cao mới

Cập nhật: 21-08-2023 | 07:45:08

Chiều 8/11/2017, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Canada Justin Trudeau thăm chính thức Việt Nam.

Năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng khi Việt Nam và Canada kỷ niệm 50 năm ngày hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (21/8/1973-21/8/2023).

Trải qua nửa thế kỷ, mối quan hệ xuyên Thái Bình Dương giữa Việt Nam và Canada ngày càng phát triển tốt đẹp và rộng mở. Dấu mốc 50 năm chính là nền tảng vững chắc để mở ra những chương mới của tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước Việt Nam-Canada.

Quan hệ Đối tác toàn diện phát triển tốt đẹp

Việt Nam và Canada thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/8/1973 và đến tháng 11/2017, hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Tuyên bố chung về việc Việt Nam và Canada xác lập quan hệ Đối tác toàn diện đề ra các nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước, các phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ tập trung vào 7 lĩnh vực hợp tác là chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, quốc phòng-an ninh, văn hóa-giáo dục, khoa học-công nghệ và giao lưu nhân dân.

Ở thời điểm đó, dấu mốc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện có ý nghĩa to lớn đối với hai nước, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo hai nước trong việc đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, tạo cơ sở thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác sâu rộng, hiệu quả trong bối cảnh hai nước ngày càng chia sẻ nhiều lợi ích trên các bình diện song phương, khu vực và quốc tế.

Nội hàm của khuôn khổ Đối tác toàn diện đã xác định nội dung trọng tâm và định hướng phát triển hợp tác trong nhiều năm tới, trong đó tập trung vào 7 lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, với việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với Canada, Việt Nam đã hoàn tất thiết lập đối tác chiến lược/toàn diện với tất cả các nước Nhóm các nước Công nghiệp Phát triển (G7), khẳng định vai trò và vị thế ngày càng đi lên của đất nước.

Kể từ khi xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, quan hệ Việt Nam-Canada ngày càng đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực. Trong quan hệ chính trị-ngoại giao, Việt Nam và Canada đã thể hiện mối quan hệ hữu nghị trên tinh thần hợp tác qua sự thăm viếng từ lãnh đạo cấp cao của cả hai nước.

Về phía Việt Nam, có các chuyến thăm Canada của Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 6/2005); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị cấp cao G20 tại Canada (tháng 6/2010); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (tháng 9/2014); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Canada và dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước Công nghiệp Phát triển (G7) mở rộng tại Quebec (8-10/6/2018); Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai thăm và làm việc tại Canada (tháng 11/2018); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhân dịp dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) tại Vương quốc Anh (tháng 11/2021); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Nhật Bản (tháng 5/2023)…

Toàn quyền Canada David Johnston thăm dự án do Canada hỗ trợ phát triển cây trồng vật nuôi tại Sóc Trăng (năm 2011).

Về phía Canada, có các chuyến thăm Việt Nam của Toàn quyền David Johnston thăm cấp Nhà nước (tháng 11/2011); Thủ tướng Jean Chrétien (tháng 11/1994); Thủ tướng Stephen Harper dự Hội nghị cấp cao APEC-14 tại Hà Nội (tháng 11/2006); Ngoại trưởng Stephan Dion (tháng 9/2016); Thủ tướng Justin Trudeau thăm chính thức và dự Hội nghị cấp cao APEC-25 tại Việt Nam (tháng 11/2017); Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Phát triển quốc tế Hạ viện Canada Robert Daniel Nault thăm và làm việc tại Việt Nam (tháng 12/2017); Bộ trưởng Quốc phòng H.Sajjan (tháng 6/2018); Bộ trưởng Ngoại giao Mélanie Joly (tháng 4/2022)…

Cùng với việc gia tăng trao đổi đoàn cấp cao, hai nước duy trì tiếp xúc thường xuyên bên lề các hội nghị cấp cao, diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực.

Gần đây nhất, nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước Công nghiệp Phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản, ngày 20/5/2023, tại thành phố Hiroshima, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp người đồng cấp Canada Justin Trudeau để trao đổi, thảo luận về hợp tác song phương, cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Tại cuộc gặp, hai thủ tướng đã bày tỏ ấn tượng trước tiến triển tốt đẹp trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada trong đó hợp tác thương mại là điểm sáng với kim ngạch song phương đạt trên 7 tỷ USD năm 2022.

Hai Thủ tướng nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 10 tỷ USD; tăng cường hỗ trợ phát triển, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống; Việt Nam đề nghị Canada hợp tác trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, ký kết các thỏa thuận để thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu.

Trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), lãnh đạo hai nước thống nhất thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, ưu tiên tăng cường tiếp xúc, đối thoại, trao đổi đoàn các cấp; thúc đẩy giao lưu nhân dân.

Cùng với sự phát triển không ngừng của quan hệ chính trị-ngoại giao, hợp tác an ninh-quốc phòng Việt Nam-Canada cũng được thúc đẩy mạnh mẽ phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện. Giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương giữa hai nước ngày càng sôi động và hiệu quả. Các tuần lễ văn hóa, các sự kiện giao lưu nhân dân thường xuyên được tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam và Canada.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Hiroshima, Nhật Bản, ngày 20/5/2023

Hai bên cũng chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong các vấn đề quốc tế, hợp tác chặt chẽ tại các cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, Cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp (Francophonie), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Việt Nam luôn ủng hộ vai trò cầu nối của Canada với châu Á-Thái Bình Dương và hoan nghênh sự đóng góp của Canada cho hòa bình, ổn định và phồn vinh trong khu vực.

Trong khi đó, các lãnh đạo Canada nhiều lần khẳng định Canada có lợi ích lâu dài tại châu Á-Thái Bình Dương, và Việt Nam chính là đối tác quan trọng của Canada ở khu vực. Canada mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với Việt Nam.

Hợp tác kinh tế, thương mại có nhiều tiềm năng

Quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Canada là nền tảng vững chắc cho phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước. Từ khi xác lập Đối tác toàn diện năm 2017, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 3,86 tỷ USD, tăng 10,31% so với năm 2017. Năm 2019, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (mà Việt Nam và Canada là 2 trong số 11 thành viên) có hiệu lực thực thi tại Việt Nam đã đẩy thương mại hai nước lên một tầm cao mới với mức tăng trưởng 22,53%, đạt 4,74 tỷ USD.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến cho tăng trưởng thương mại giữa hai nước giảm đà nhưng vẫn đạt được mức tăng 7,27%, với trị giá thương mại đạt 5,08 tỷ USD. Năm 2021 đạt 6,02 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. Năm 2022 đạt 7,03 tỷ USD và 7 tháng năm 2023 đạt 3,6 tỷ USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Canada gồm dệt may, giày dép các loại, hàng thủy sản, máy vi tính, phương tiện vận tải và phụ tùng; Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Canada gồm lúa mỳ, đậu tương, phân bón các loại, thức ăn gia súc và nguyên liệu, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác.

Theo các chuyên gia, dư địa cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Canada vẫn còn rất lớn. Chính phủ Canada theo đuổi chiến lược đa dạng hóa thị trường và coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á. Đây là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường này. Tháng 1/2022, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao, Thương mại và Phát triển Canada đã ký Bản ghi nhớ về việc thành lập Ủy ban kinh tế hỗn hợp Việt Nam-Canada.

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư cũng đạt những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến tháng 7/2023, Canada đầu tư trực tiếp vào Việt Nam 253 dự án với tổng vốn đăng ký là 4,84 tỷ USD. Hai bên đã ký kết các văn bản gồm Ý định thư hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Quỹ Khoa học bang Quebec; Bản ghi nhớ về Gói hỗ trợ Kỹ thuật về Nghiên cứu Quản lý Sân bay giữa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Ngân hàng Quốc gia Canada…

Ngoài ra, Canada khẳng định duy trì viện trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam, tổng giá trị ODA Canada dành cho Việt Nam từ năm 1990 là khoảng 2 tỷ đôla Canada (CAD). Canada cũng viện trợ 15,2 triệu CAD cho 2 Dự án An toàn Thực phẩm - SAFEGRO dành cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Hợp tác giáo dục-đào tạo giữa hai nước cũng được thúc đẩy thông qua việc hai bên đã ký Bản ghi nhớ về thúc đẩy cơ hội hợp tác giáo dục và trao đổi song phương giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chính quyền tỉnh bang British Columbia tháng 11/2021. Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực được chú trọng trong quan hệ song phương và Canada luôn xác định Việt Nam là thị trường ưu tiên cho hợp tác giáo dục. Hiện có khoảng 21 nghìn du học sinh Việt Nam đang theo học tại Canada.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp ông Jeremy Harirson, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Xuất khẩu Chính quyền tỉnh Saskatchewan của Vùng Prairie (Canada) năm 2022.

Hợp tác giữa các địa phương của hai nước cũng luôn được thúc đẩy. Hiện đã có các cặp địa phương kết nối, hợp tác với nhau như Hà Tĩnh-Langley (tỉnh bang British Columbia), Thành phố Hồ Chí Minh-Toronto (tỉnh bang Ontario), Đà Nẵng-Vancouver...

Phía Canada đã triển khai một số dự án viện trợ phát triển (ODA) tại một số địa phương như dự án phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ cho tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh; dự án đào tạo dạy nghề cho người lao động cho tỉnh Hậu Giang và Vĩnh Long…

Cộng đồng người Việt tại Canada hiện có khoảng 250 nghìn người, đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội và làm phong phú thêm nền văn hóa của đất nước Canada tươi đẹp. Những tinh hoa ẩm thực Việt Nam cũng đã trở nên rất quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của biết bao người dân Canada.

Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư, an ninh-quốc phòng, hỗ trợ phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường biển, năng lượng sạch và tái tạo, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, xây dựng nền nông nghiệp xanh và bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, có thể thấy dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, song mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada đã không ngừng phát triển vững chắc, ngày càng thực chất và hiệu quả. Tiềm năng và dư địa để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước còn rất lớn.

Với bề dày lịch sử của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, với tình cảm nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân hai nước dành cho nhau, chắc chắn, quan hệ hai nước sẽ tiến xa hơn nữa trong tương lai./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên