Diễn đàn trẻ em: Nơi trẻ nói lên những mong ước

Cập nhật: 05-07-2017 | 08:40:19

Tháng hành động vì trẻ em (TE), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp với các địa phương tổ chức Diễn đàn trẻ em năm 2017 để lắng nghe tâm tư, giải đáp những thắc mắc của trẻ. Đây cũng là dịp nhìn lại việc giải quyết các vấn đề TE nêu ra từ diễn đàn năm 2016.

Tham gia diễn đàn các em được bày tỏ nguyện vọng của mình

 Trẻ kiến nghị

Trong tháng 6, tất cả 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều tổ chức Diễn đàn trẻ em. Tại diễn đàn, đại diện Sở LĐ-TB&XH đã điểm lại những khuyến nghị của TE nêu ra từ năm 2016 và kết quả thực hiện. Mặc dù đã có nhiều giải pháp hiện thực hóa các kiến nghị của TE, nhưng một số đề xuất vẫn chưa được thực hiện tốt. Bởi vậy, các em tiếp tục bày tỏ tại diễn đàn năm nay như những tác động của mạng xã hội, nhất là tình trạng bạo lực học đường đến với TE. Thiếu sân chơi cho trẻ cũng là vấn đề được các em đưa ra. Hay tình trạng trẻ bị xâm hại, bị tai nạn thương tích…

Em Nguyễn Hoài Nam (Phú Giáo) đặt câu hỏi: “Trước ảnh hưởng của mạng xã hội, nhiều hành vi xâm hại xảy ra khiến TE lo lắng. Vậy các cấp lãnh đạo có biện pháp gì để bảo vệ TE, đưa các vụ việc ra pháp luật để xử lý?”. Còn em Trương Ngọc Ánh (Dầu Tiếng) nêu vấn đề: “Cháu thấy bạo lực học đường xảy ra nhiều và ngày càng gia tăng. Trước tình trạng đó, các cô chú lãnh đạo có biện pháp gì để đưa việc giáo dục kỹ năng sống vào chương trình học chính khóa nhằm giảm thiểu bạo lực học đường? Và có biện pháp gì ngăn chặn tình trạng bạo lực hay không?”. Liên quan đến việc bảo đảm an toàn cho trẻ, em Hồng Loan (TX.Tân Uyên) hỏi: Các cấp lãnh đạo có biện pháp gì hạn chế những vụ tai nạn gây thương tích cho trẻ? Nhiều trẻ cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến việc trang bị kiến thức cho cha mẹ bảo vệ con mình, cho trẻ để tự bảo vệ, phòng tránh bị xâm hại, bạo lực. Các em còn đề nghị xây dựng sân chơi lành mạnh dành cho mình…

Giải tỏa lo lắng

Tham gia diễn đàn, trao đổi với trẻ về vấn đề chăm sóc và bảo vệ, đại diện Hội LHPN các cấp cho rằng, hội là hội của cha mẹ các con, nên hội sẽ trang bị kỹ năng chăm sóc, bảo vệ TE cho cha mẹ các con. Nhất là những kỹ năng phòng tránh cho trẻ khỏi bị đánh đập, xâm hại tình dục, bạo lực học đường. Quan trọng là cha mẹ giúp các con ra sao để các con biết cách phòng tránh bạo lực, xâm hại.

Đối với vấn nạn bạo lực học đường, phòng giáo dục - đào tạo các địa phương nhìn nhận, bạo lực học đường ngày càng diễn ra nhiều hơn và là nỗi lo của cả xã hội. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong quan hệ bạn bè... Phòng GD-ĐT cũng khuyến cáo các em học sinh cần biết tự tiết chế bản thân, loại trừ những suy nghĩ tiêu cực, nhằm kiểm soát hành vi của mình. TE từ 14 đến dưới 16 tuổi nếu vi phạm pháp luật nghiêm trọng cũng sẽ bị quản chế bởi pháp luật, nên các em phải hiểu để điều chỉnh hành vi. Bên cạnh đó, ngành giáo dục sẽ triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền đến trẻ về pháp luật; trong nhà trường, thầy cô phải gần gũi, tâm sự với học sinh để hiểu các em hơn và vào cuộc kịp thời để can thiệp, bảo vệ các em.

Riêng việc sân chơi, khu vui chơi cho trẻ, lãnh đạo các huyện, thị, thành phố hứa sẽ cân đối ngân sách, lên kế hoạch xây dựng các điểm vui chơi giải trí cho nhân dân, nhất là TE. Đồng thời, chỉ đạo đoàn thể tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ trong dịp hè, rằm tháng giêng, Ngày Quốc tế thiếu nhi, dịp cuối tuần… Từ đó giúp các em có thêm cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong học tập, cuộc sống.

Sau khi các địa phương tổ chức xong diễn đàn cấp huyện, thị, thành phố sẽ chọn những em có câu hỏi hay, thiết thực để tham dự diễn đàn cấp tỉnh. Tại đây, những ý kiến, kiến nghị của các em được gửi đến lãnh đạo tỉnh, các sở ngành để từ đó có cơ sở chăm lo tốt hơn thế hệ măng non.

 “Diễn đàn TE được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho TE nói lên ý kiến, nguyện vọng của mình với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại TE. Trên cơ sở đó giúp các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách hiểu được tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của TE để từ đó hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền của TE ngày một tốt hơn. Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức kinh tế - xã hội, cộng đồng dân cư, gia đình và bản thân TE về quyền của trẻ, đặc biệt là xây dựng được môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh cho mọi TE; tạo cho các em có kỳ nghỉ hè bổ ích và trang bị cho các em những kỹ năng thực hành xã hội, nâng cao nhận thức của các em về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại TE”.

(Bà Nguyễn Thanh Trúc, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH)

THIÊN LÝ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên