Doanh nghiệp nỗ lực giữ nhịp sản xuất

Cập nhật: 06-04-2023 | 08:14:42

Đơn hàng sụt giảm với phần lớn ngành xuất khẩu chủ lực, như đồ gỗ, dệt may, giày dép, thủy sản… khiến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023 đứng trước áp lực không nhỏ. Trong thời điểm nhiều khó khăn này, doanh nghiệp (DN) cố gắng duy trì lực lượng lao động, sắp xếp lại ca kíp hợp lý… để giữ được nhịp độ sản xuất.

 Các DN dệt may nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để duy trì sản xuất, kinh doanh

 Xoay chuyển tình thế

Quý I-2023, sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Mặc dù DN đã chủ động thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhưng số lượng đơn hàng và quy mô đơn hàng giảm mạnh. Để giữ được nhịp sản xuất, các DN phải nỗ lực xoay chuyển tình hình, kể cả dự liệu những vấn đề của tương lai.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I ước tăng 0,15% so với cùng kỳ năm 2022 (quý I-2022 tăng 7,2%). Trong đó, chế biến, chế tạo tăng 0,4%. Đây là một con số cho thấy sản xuất đang đối diện với nhiều khó khăn. Khó khăn mà DN đang gặp phải từ thị trường bị thu hẹp, hàng tồn kho nhiều, giá nguyên liệu đầu vào tăng, khó tiếp cận nguồn vốn… Nhiều DN dừng ký hợp đồng lao động với số lượng lớn do không có đơn hàng dự trữ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều DN thay vì cắt giảm lao động họ đang cố gắng sắp xếp, tối ưu hóa sản xuất để “giữ việc” cho người lao động (NLĐ).

Theo Hiệp hội Dệt may tỉnh, từ đầu năm rất nhiều DN trong ngành đã xác định năm nay có nhiều khó khăn, đơn hàng ít và thời gian ký ngắn nhưng các DN vẫn không cắt giảm lao động. Bên cạnh đó, cố gắng tìm đơn hàng mới để ổn định thu nhập, việc làm của NLĐ. Thậm chí có rất nhiều DN nhận may cả túi xách, các mặt hàng thời vụ để có việc làm cho công nhân.

Tại Công ty Cổ phần Triệu Phú Lộc (huyện Bắc Tân Uyên) dù đơn hàng không nhiều sự lựa chọn nhưng chủ DN vẫn cố gắng duy trì sản xuất để giữ việc cho NLĐ, không để bất cứ công nhân nào bị mất việc. Thậm chí DN này còn tăng lương theo lộ trình cho NLĐ. Đây tưởng chừng là việc hết sức bình thường song trong điều kiện hiện nay đã giúp DN giữ được lao động. Chủ DN này cho biết đang nỗ lực tìm kiếm và đàm phán một số đơn hàng lớn với các đối tác ở Mỹ, dự kiến tình hình sau quý II-2023 sẽ khả quan hơn.

Khó khăn không chỉ ở những công ty sản xuất trong nước mà đối với cả khối DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng không ngoại lệ. Ông Alexander Christopher Falter, Tổng Giám đốc Công ty Ecco (huyện Bàu Bàng), cho biết công ty đang có hơn 1.600 lao động. Dù đang gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu và đơn hàng nhưng Ecco vẫn không sa thải lao động. DN đã và đang sử dụng thời gian này để tập trung vào việc đào tạo, nâng cao kỹ thuật cho NLĐ.

Bà Hà Bình, Giám đốc nhân sự Công ty Bowker Việt Nam (TP.Thuận An), cho biết với mong muốn ổn định đời sống NLĐ, công ty đang tiếp cận các thị trường mới để tìm kiếm đơn hàng, duy trì chế độ đãi ngộ để họ an tâm làm việc. Công ty cũng thực hiện xét khen thưởng công nhân có thành tích trong lao động, sản xuất. Đây là cơ hội để NLĐ nâng cao tay nghề.

Cần tiếp thêm nguồn lực

Để tháo gỡ khó khăn, nhiều DN đề xuất cơ quan chức năng xem xét đẩy nhanh tiến độ các thủ tục miễn, giảm thuế, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp. Tất cả để giúp DN có thêm nguồn lực, nhanh chóng quay vòng vốn, có thêm ngân sách để giữ chân, chăm lo cho NLĐ.

Ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty Gỗ Lâm Việt, cho biết các DN trong Hiệp hội Gỗ Bình Dương đang cố gắng giữ chân NLĐ bằng cách chia ca sản xuất luân phiên. Bởi nếu cho công nhân nghỉ việc thì họ sẽ kiếm việc khác hoặc về quê, đến khi có đơn hàng trở lại sẽ không có nhân công sản xuất. Việc tuyển dụng rất khó khăn và mất nhiều thời gian, nhất là các công nhân lành nghề. Bên cạnh là chi phí mà DN đang phải gánh, từ tiền lương công nhân, các khoản bảo hiểm, chi phí xử lý nước thải, kiểm định môi trường định kỳ đến chi phí sử dụng hạ tầng…

Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh, cho biết hiện lãi suất cho vay từ các ngân hàng thương mại đang duy trì lãi suất khá cao, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN rất khó khăn, phải gồng gánh vượt qua để duy trì sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.

Trước khó khăn thách thức của DN hiện nay, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến đất đai, xây dựng, thủ tục đầu tư, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường thế giới, có giải pháp duy trìđà xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng thêm nhiều thị trường mới.

 Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Đề nghị Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Bình Dương chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm các chỉ thị liên quan để các chính sách hỗ trợ lãi suất trở thành động lực, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Ngân hàng thương mại chủ động gặp gỡ DN để ghi nhận các khó khăn, vướng mắc, cùng nhau tháo gỡ. Cùng với đó, DN cũng phải nỗ lực “tự cứu mình”, tự cơ cấu lại tài chính, kinh doanh, thậm chí là chuyển đổi ngành nghề phù hợp”.

 TIỂU MY  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=568
Quay lên trên