Đổi mới các lớp học cho công chức

Cập nhật: 08-11-2011 | 00:00:00

Nhân dịp trả lời phỏng vấn báo chí xoay quanh vụ việc một phó giám đốc sở ở Hà Nội được cấp dưới “tự ý thi hộ”, ông Lê Quốc Lý - Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia, cho biết cơ sở 3 của học viện tại Đà Nẵng đã quyết định áp dụng hình thức điểm danh bằng dấu vân tay để “chống” tình trạng gian lận trong khi đi học. Theo đó, mỗi người đều có dấu vân tay riêng nên việc điểm danh rất chặt chẽ, không thể nhờ ai học thay, thi hộ như trường hợp “kỳ khôi” vừa mới xảy ra ở Hà Nội.

Sự việc trên làm người viết chợt nhớ đến câu chuyện đã xảy ra cách đây ít năm, khi giới chuyên môn trong làng bóng đá thế giới kiên quyết “nói không” với việc áp dụng “trọng tài camera” để thay cho trọng tài bằng người để điều khiển trận đấu. Lý do đơn giản chỉ vì họ mong muốn giữ lại “cái hồn” và những cảm xúc chân thực, đặc biệt của bóng đá do chính các trọng tài bằng da bằng thịt tạo ra. Việc điểm danh bằng máy tại Đà Nẵng cũng khá giống câu chuyện vừa nêu về mặt hình thức, đó là cùng mong muốn dùng công nghệ, thiết bị hiện đại để tạo ra sự công bằng cao hơn. Chỉ khác nhau ở chỗ, một bên muốn giữ lại cảm xúc tự nhiên do con người tạo ra, còn một bên là ứng dụng máy móc hiện đại để tăng tính chính xác, ngăn ngừa tiêu cực có thể xảy ra cũng bởi chính con người.

Áp dụng sự trợ giúp vô tư của máy móc để tạo thuận lợi, công bằng hơn trong việc học hành, thi cử là điều rất cần làm. Tuy nhiên, trong môi trường “cán bộ đi học” mà phải áp dụng “máy điểm danh” cũng khiến nhiều người cảm thấy chạnh lòng, băn khoăn suy nghĩ: Phải chăng tinh thần tự giác học tập của cán bộ đang “có vấn đề” nên nhà trường phải dùng tới biện pháp “chẳng đặng đừng” này?

Học dùm, thi hộ là chuyện không hiếm lâu nay, nhưng đã là cán bộ, đảng viên có điều kiện trải qua nhiều môi trường học hành, làm việc còn vi phạm ắt khó được dung thứ. Tình trạng này xảy ra có phần không nhỏ từ công tác quản lý thiếu chặt chẽ. Đó không chỉ là áp dụng biện pháp quản lý tiên tiến hay thiết bị theo dõi hiện đại mà còn có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa đơn vị có cán bộ đi học và nhà trường. Không thể để đến khi sự việc đáng tiếc xảy ra rồi “đổ lỗi” cho nhau theo kiểu “trong thời gian đi học, cán bộ thuộc nhà trường quản lý” hoặc ngược lại.

 Tuy vậy, cho dù tăng cường máy móc, thiết bị mà thiếu đi yếu tố cốt lõi là tinh thần tự giác, trách nhiệm của người học thì cũng chưa thể đạt được kết quả tốt. Để cán bộ, công chức thiết tha với các lớp học, cần có sự tính toán hợp lý trong việc chọn cử đối tượng đi học, nội dung lớp học và cả đổi mới, cải tiến nội dung, phương pháp học tập các lớp đào tạo, bồi dưỡng dành cho cán bộ, công chức sao cho ngày càng sát thực tế, hấp dẫn hơn.

QUANG MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=278
Quay lên trên