Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số huyện Phú Giáo: Đã đổi thay

Cập nhật: 11-05-2012 | 00:00:00

Huyện Phú Giáo có 12 dân tộc thiểu số, với 664 hộ, 2.847 nhân khẩu, trong đó đông nhất là dân tộc Khơ-me với 244 hộ sống tập trung tại xã An Bình, tiếp theo là dân tộc Sán Chỉ với gần 50 hộ cư trú tại xã Tam Lập; dân tộc Tày, Nùng tại xã Tân Hiệp... Nhờ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của cả cộng đồng, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) huyện đã từng ngày khởi sắc. Đi đôi với việc phát triển kinh tế, khôi phục bản sắc văn hóa (VH) dân tộc cũng đang được coi là nhiệm vụ cấp thiết, cần sự chung tay góp sức của chính ĐBDTTS.  Hội thi Văn hóa - Văn nghệ ĐBDTTS  giúp dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tìm lại nét VH dân tộc

Ổn định cuộc sống

Đến với các xã, nơi cư trú của ĐBDTTS ở huyện Phú Giáo hôm nay, có thể nhận thấy sức sống mới đang trỗi dậy. Ông Trần Công Quan, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình kể, trước đây, đời sống gặp nhiều khó khăn, nhưng bây giờ cuộc sống đồng bào Khơ-me ở địa phương ngày đang đổi thay rõ rệt. Mọi người đã biết áp dụng các kỹ thuật trồng trọt để sản xuất, qua đó năng suất cây trồng ngày càng được nâng lên. Đó là sự thay đổi căn bản trong cuộc sống mới của đồng bào Khơ-me, biết ưu tiên cho lao động và tăng gia sản xuất.

Để đồng bào được hưởng các điều kiện thuận lợi về kinh tế, chăm sóc y tế, giáo dục... tỉnh đã dành nhiều chương trình, dự án đầu tư. Điển hình là các chương trình 134, 135 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào. Được biết, chương trình 134, 135 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở được triển khai năm 2004. Từ năm 2004 đến nay, xã An Bình đã cấp đất cho 104 hộ, mỗi hộ 1 ha. Không những cấp đất, Hội Nông dân xã còn giới thiệu các mô hình trồng trọt, chăn nuôi đạt năng suất cao để bà con Khơ-me học tập; hướng dẫn trồng, chăn nuôi theo khoa học kỹ thuật cao... từ đó, đời sống kinh tế của bà con Khơ-me đã ổn định, giảm hẳn hộ nghèo, xóa hộ đói. Theo đó, hiện nay số hộ Khơ-me còn nằm trong diện hộ nghèo, cận nghèo chưa đến 20 hộ theo tiêu chí hộ nghèo của tỉnh. Với giọng nói sang sảng, “già làng” Ngưu Ngọt chia sẻ: “Nhờ ơn Đảng, Nhà nước, đồng bào Khơ-me đã có cơm no, áo ấm. Con em được đi học, đường sá, nhà cửa khang trang, cuộc sống ngày càng phát triển. Đến nay, đồng bào Khơ-me trong xã kinh tế đã ổn định, không còn hộ đói nữa”.

Nếu như trước đây, đồng bào Sán Chỉ tại ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập quen với tập quán nuôi gia súc, gia cầm theo lối thả rong thì nay đã chuyển sang trồng cao su, tiêu, điều, nuôi cá nước ngọt... Nguồn thu từ chăn nuôi, trồng trọt hàng năm mang lại lợi ích lớn, góp phần tăng thêm thu nhập từ 50 - 200 triệu đồng cho các hộ gia đình. Trong đó, phải kể đến hiệu quả từ dự án nuôi cá nước ngọt. Thực hiện chủ trương tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống của ĐBDTTS nghèo, tạo điều kiện cho các hộ người dân tộc nghèo trên địa bàn thoát nghèo một cách bền vững, UBND xã Tam Lập đã triển khai dự án nuôi cá nước ngọt với hơn 30 hộ tham gia, trong đó có hơn 10 hộ DT Sán Chỉ. Qua gần 8 năm triển khai, nhiều hộ đã gặt hái kết quả khá tích cực. Bình quân mỗi năm, trừ chi phí, mỗi hộ lãi hơn 100 triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lập Nguyễn Anh Vũ, vui vẻ nói: “Cuộc sống của ĐBDTTS Sán Chỉ trên địa bàn xã đã khá hơn nhiều. Nhiều gia đình đã có xe gắn máy, xe ô tô; 100% số hộ có điện thắp sáng, tất cả con em đều được đến trường...”.

Nếu như cách đây mấy năm, ĐBDTTS Tày, Nùng tại xã Tân Hiệp (Phú Giáo) có chừng 10 hộ, thì nay sự ổn định và đổi thay của vùng đất này đã thu hút hơn 50 hộ đồng bào Tày, Nùng ở nhiều nơi đến sinh cơ, lập nghiệp. Cuộc sống của đồng bào đổi thay từng ngày. Ông Hoàng Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, hiện nay các hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn xã đã biết tính toán các phương án làm ăn hiệu quả, đồng bào đã biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm chỉ lao động và kết hợp với những chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp của Nhà nước mà đời sống đã có nhiều thay đổi. Ngoài ra hàng năm vào các dịp lễ, tết, lãnh đạo các cấp, các ngành đều đến thăm, tặng quà, góp phần động viên đồng bào yên tâm sinh sống và sản xuất.

Không những phát triển kinh tế, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện luôn chú trọng sự nghiệp giáo dục - đào tạo con em ĐBDTTS và coi đó là nhân tố hàng đầu trong việc nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững. Do đó, con em ĐBDTTS đi học đều được hỗ trợ kinh phí, sách vở; cán bộ xã, thị trấn thường xuyên đến tận nơi động viên đồng bào đưa con em đến trường. Hiện nay, 100% con em ĐBDTTS trên địa bàn huyện trong độ tuổi được đến lớp, biết chữ. Con em ĐBDTTS theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học không còn hiếm như trước. Nhiều người là ĐBDTTS hiện là giáo viên, cán bộ viên chức công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước trong và ngoài huyện.

Phát triển kinh tế đi đôi với bảo tồn bản sắc văn hóa

Những năm qua, cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế - xã hội cho ĐBDTTS, Đảng bộ, chính quyền huyện cũng rất coi trọng vấn đề đầu tư cho các lĩnh vực đời sống VH nhằm nâng cao đời sống tinh thần của ĐBDTTS. Đồng thời, đề ra nhiều biện pháp cụ thể, tích cực nhằm nỗ lực bảo tồn và phát huy VH các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc VH là đòi hỏi bức thiết. Thế nhưng, vấn đề này đang là bài toán khó đối với các cấp chính quyền tại địa phương. Họ đang rất cần sự hợp tác của chính người ĐBDTTS để có thể phát huy giá trị VH tốt đẹp của dân tộc mình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Thế Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin -Thể thao (VHTT-TT) huyện Phú Giáo, cho biết: Là huyện có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, như: Khơ-me, Sán Chỉ, Tày, Nùng, Stiêng, Hoa... nên VH của các dân tộc trên thường đa dạng, phong phú và mang đậm bản sắc. Tuy nhiên, hiện nay lớp trẻ thường không mặn mà với nền VH truyền thống của dân tộc, nhiều nghệ nhân chưa kịp truyền, dạy vốn VH truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ trẻ; trong phong tục, tập quán, một số tập tục lạc hậu chưa loại bỏ hoàn toàn... Thực trạng trên đặt ra sự cần thiết bảo tồn và phát huy VH các dân tộc thiểu số.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát huy bản sắc VH các dân tộc thiểu số, huyện tập trung các dự án trọng điểm. Trong đó, việc tổ chức lễ hội các dân tộc thiểu số trên địa bàn được duy trì đều đặn, đồng thời tổ chức nhiều đợt điều tra, khảo sát, thống kê các nghi lễ, lễ hội của ĐBDTTS. Đến nay, một số nghi lễ, lễ hội đã phục hồi và trở thành ngày hội của cộng đồng, như, Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Sán Chỉ (mùng 6 Tết âm lịch). Trước những thách thức mai một bản sắc VH các dân tộc trên địa bàn huyện, Trung tâm VHTT-TT huyện, cùng các ban ngành, đoàn thể đã góp sức xây dựng nhiều chương trình thu hút ĐBDTTS tham gia. Cụ thể, thường xuyên tổ chức VH văn nghệ - thể thao đồng bào dân tộc huyện Phú Giáo để ĐBDTTS có dịp nghe, thấy được nét VH đặc sắc của dân tộc mình; mở lớp dạy các điệu múa dân tộc Khơ-me, Tày, Nùng nhằm tạo lập đội văn nghệ chuyên biểu diễn những tiết mục văn nghệ của dân tộc thiểu số trong những dịp lễ, tết. Trong lĩnh vực thể thao, tổ chức nhiều giải thi đấu giữa các ấp, xã, thị trấn trong đó đưa các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc VH vào hội thi, qua đó thu hút nhiều người dân tộc thiểu số tham gia, như: Ném còn, đẩy gậy, kéo co, đu quay...

Thời gian tới, để tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc VH các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, Trung tâm VHTT-TT huyện sẽ tiếp tục kế thừa, chọn lọc và bài trừ sản phẩm văn hóa độc hại, lai căng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao vai trò, ý thức, trách nhiệm của người dân khi tham gia xây dựng và phát huy đời sống văn hóa; tiếp tục có chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện chương trình phát triển, bảo tồn bản sắc VH dân tộc; coi trọng công tác đào tạo những tài năng trẻ, đặc biệt tài năng là người dân tộc thiểu số nhằm bảo đảm tính kế thừa trong hoạt động VH, văn nghệ.

T.LÝ-T.HOÀI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=707
Quay lên trên