Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn

Cập nhật: 18-04-2012 | 00:00:00

Bài 1. Doanh nghiệp thiếu vốn vì áp lực lãi suất!

Tại hội nghị tiếp xúc với các doanh nghiệp (DN) được tổ chức vào cuối tuần qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm, nhấn mạnh: “10 năm trở lại đây, chưa bao giờ kinh tế Bình Dương lại tụt giảm đến thế. Doanh số và lợi nhuận của các DN đều giảm, vì vậy nguồn thu ngân sách cũng giảm”. Tại hội nghị này, đại diện nhiều DN và các hiệp hội ngành hàng đã đưa ra đề nghị Nhà nước cần có ngay các động thái về mặt tài chính, tín dụng để giúp DN vượt qua khó khăn.  Theo Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Võ Trường Thành, do khó khăn về vốn, một số DN gỗ xin “chết tập thể” nhưng cũng không được!

Doanh nghiệp than lãi suất ngân hàng cao!

Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, nói: “Hiện tại, tình hình kinh tế thế giới, trong nước đều gặp khó khăn nên nhiều DN đang đứng bên bờ vực phá sản. Một số DN gỗ mặc dù đã ngưng hoạt động nhưng vẫn còn vướng các thủ tục giải thể nên vẫn phải cầm chừng! Bên cạnh đó nguyên nhân còn do thiếu vốn  duy trì hoạt động sản xuất, trả lương cho người lao động và đặc biệt là trả lãi ngân hàng (NH). Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương than thở: “Do lãi suất NH cao nên DN không dám vay nhiều. Vì thiếu vốn mà hầu hết các DN của ngành sơn mài, điêu khắc đều nhỏ lẻ, manh mún, không thể mở rộng sản xuất, không làm được phòng trưng bày sản phẩm để quảng bá, tiếp thị sản phẩm ra thị trường...”.

Bà Đỗ Thị Kim Loan, Tổng Giám đốc Công ty TM&SX Sao Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương thì bức xúc:  DN đang sống dở, chết dở vì “lỡ” vướng vay vốn trung hạn phải trả lãi cao. Trong khi mọi thứ chi phí đầu vào đều tăng đột biến. Vì thế, DN thiết tha muốn tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp. Thời gian qua, cũng vì lãi vay cao mà có những DN đạt kim ngạch xuất khẩu 100 - 200 tỷ đồng/năm nhưng vẫn phá sản do không có khả năng trả lãi, trả nợ NH. Trong khi DN nội “chết”, thì DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn trụ được nhờ các chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhờ nguồn vốn từ công ty mẹ vay ở NH nước ngoài có giá rẻ. Điều đó cho thấy không có nước nào trên thế giới có mức lãi suất cao như ở Việt Nam. Chúng tôi rất cần Nhà nước có ngay những động thái thiết thực để cứu DN”.

Bao giờ vốn rẻ đến tay doanh nghiệp?

 “Nghe lãi suất huy động giảm, một số NH hạ lãi vay, nhưng DN “mừng hụt”. Tôi hỏi một NH quen thì được biết DN phải trả nợ cũ, vay lại nợ mới. Nợ này mới được hưởng lãi suất rẻ. Trong khi tài sản thì chúng tôi đã thế chấp, không còn tài sản để thế chấp vay nữa thì lấy đâu ra tiền trả nợ cũ! Không biết đến bao giờ vốn rẻ mới đến tay DN? Vì từ trước tới nay, NH tăng lãi suất thì nhanh, còn hạ lãi suất thì chậm!”, ông Nguyễn Thành Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty Sắt thép Đại Thiên Lộc  thắc mắc.

Ông Đào Thế Sơn, Ủy viên Ban Chủ nhiệm CLB Xuất khẩu Bình Dương nói thêm: “Nhiều DN đang trông mong lãi suất giảm trần, nhưng khi lãi suất NH giảm, các DN lại lo khó tiếp cận”.

Trong khi đó, theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: “Bộ phải tập trung mọi nỗ lực để hỗ trợ DN về cơ chế chính sách, về vốn nhưng phải có địa chỉ rõ ràng. Chỗ nào khó khăn mới được hỗ trợ. Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, thực tế DN nào không hoạt động được nữa thì phải chấm dứt”. Với quan điểm rõ ràng như vậy thì DN nhỏ và vừa kể như “rời cuộc chơi” nếu thiếu vốn, vì bộ không thể “gánh” hết được bởi những ràng buộc nói trên.

Doanh nghiệp thiếu vốn để tái cấu trúc!

Theo các chuyên gia kinh tế, để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, các DN cần phải thực hiện tái cấu trúc. Đây được coi là biện pháp lâu dài và định hướng có tính chiến lược cho các DN Việt Nam nói chung và DN Bình Dương nói riêng. Tái cơ cấu DN chính là sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của DN từ quản lý đến kinh doanh, nhưng đào đâu ra tiền để DN tái cơ cấu!

Việc tái cấu trúc đòi hỏi các DN phải thay đổi tư duy quản lý, cải cách công tác quản lý, tái cấu trúc lại quá trình kinh doanh, trên cơ sở đó định hình mô hình, cơ cấu tổ chức phù hợp với điều kiện và định hướng kinh doanh của DN. Nhưng khi hỏi các doanh nhân Bình Dương về vấn đề này thì ai cũng có chung ý kiến: “Tiến hành tái cơ cấu DN đồng nghĩa với việc cần nguồn vốn lớn để trang trải. Cụ thể là phải thuê chuyên gia đến trao đổi và mở nhiều lớp tập huấn để nhân viên các cấp nhận thức và thay đổi kỹ năng làm việc theo cách mới. Ngoài ra, còn phải thay đổi các trang thiết bị cũ bằng các trang thiết bị hiện đại; thuê kiểm toán viên độc lập kiểm tra xem việc chi thu và theo dõi tiến độ công việc thực hiện qua số tiền chi và thu thực tế so với bản ngân sách hàng năm... Trong khi đó, DN còn không có tiền để trả lãi, trả vốn cho NH thì lấy đâu ra tiền để tái cơ cấu?

Trả lời những thắc mắc của DN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm, nói: “Việc NH tăng lãi suất là nằm trong nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát. Lãnh đạo tỉnh cũng đã nhiều lần bàn bạc với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Bình Dương về vấn đề này, nhưng không thể được. Có chăng là tỉnh sẽ dùng vốn nhàn rỗi của ngân sách để bơm cho DN”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh hứa sẽ đưa vấn đề này ra bàn bạc để nhanh chóng có cách hỗ trợ DN về vốn.

Vẫn biết thương trường là chiến trường, nhưng DN “chết” hàng loạt đồng nghĩa nền kinh tế sẽ yếu dần. DN đang hy vọng rất nhiều ở lời hứa “đồng hành” của lãnh đạo địa phương để DN sống còn và phát triển.

Không dễ vay vốn ngân hàng!

Chủ một DN chuyên sản xuất trang phục phụ nữ ở TX.TDM, cho biết hiện tại sau khi trừ các khoản chi phí nhân công, điện, nước, nguyên phụ liệu, thuế... thì kết quả lợi nhuận thu về không quá 15%. “Với thực tế sức mua giảm như hiện nay, nếu vốn sản xuất phải vay NH, coi như sản xuất càng nhiều, càng lỗ nặng!”, ông chủ của DN này chia sẻ.

Nói như vậy để thấy rằng, với mức lãi suất cho vay ngắn hạn kể từ ngày 12-4 của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tuy đã giảm sâu tới 2,5% so với trước, xuống còn 14,5%/năm, cho thấy để cân bằng lợi nhuận từ phía DN đi vay là điều không mấy dễ dàng. Trên thực tế, những DN nhỏ và vừa như DN chuyên sản xuất trang phục phụ nữ ở TX.TDM nói trên, không dễ tiếp cận để vay vốn NH nếu không có tài sản thế chấp. Bởi để được vay vốn từ NH, thì DN phải có quy mô đủ lớn và tình hình tài chính tốt...

Điều đó là hoàn toàn có thật, vì trong một thông cáo được đưa ra vào trung tuần tháng 4, Techcombank tuyên bố dành 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 15% cho các DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn, hàng tiêu dùng thiết yếu... nhưng chỉ tập trung hỗ trợ cho các DN có quy mô đủ lớn và tình hình tài chính tốt, đáp ứng các quy định và điều kiện của Techcombank. Eximbank thì cho biết dành 6.000 tỷ đồng với lãi suất 16,5%/năm để cho vay các đối tượng là các DN xuất khẩu!

Điều đó cho thấy, thực tế có nhiều DN nhỏ và vừa mong muốn được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp từ NH để vượt qua khó khăn, nhưng không dễ tiếp cận để được vay vốn!

Thảo Vy

Bài 2: Thuế, phí và một số thủ tục hành chính còn bất cập!

 BẢO ANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên