Đóng tàu, vận tải biển là ưu tiên

Cập nhật: 25-05-2012 | 00:00:00

Đó là khẳng định của đại biểu Trần Du Lịch khi trả lời báo giới bên lề cuộc họp Quốc hội đang diễn ra. Theo đại biểu Trần Du Lịch, bài học lớn nhất sau những sai phạm tại Vinashin, Vinalines là phải minh bạch hoạt động các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tương tự như các công ty đại chúng. Đóng tàu, vận tải biển là những ngành mang tính chiến lược quốc gia. Tiếc rằng, chúng ta thiếu chính sách cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước tham gia, nguồn lực chỉ tập trung cho một số tập đoàn, tổng công ty. Do đó, khi những sự việc này xảy ra thì càng cần phải  khẳng định rõ ràng. Định hình những ngành công nghiệp riêng gắn liền với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt kinh tế biển là cần thiết. Còn việc các tập đoàn làm ăn thua lỗ là chuyện riêng. Nếu như chúng ta nhìn vào các tập đoàn đó để rồi bi quan với cả ngành công nghiệp đóng tàu và vận tải biển thì không nên.

Cùng quan điểm với đại biểu Trần Du Lịch, nhiều bạn đọc cũng cho rằng, kinh tế biển là một trong những điểm mạnh của đất nước và cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Không một người dân nào của Việt Nam quay lưng với các ngành kinh tế biển, bởi nguồn lợi mà các ngành này mang lại là rất lớn. Cái cần hiện nay là phải tái cơ cấu lại các ngành này để đem lại hiệu quả cao hơn. Vinashin, Vinalines sai phạm thì lãnh đạo của các tập đoàn này phải chịu trách nhiệm trước người dân, pháp luật. Trong khi đất nước còn nghèo, người dân còn khổ và nền kinh tế cả nước đang đứng trước những khó khăn lớn như hiện nay thì những sai phạm tại Vinashin, Vinalines cần nghiêm trị để làm gương. Tuy nhiên, điều làm nhiều người băn khoăn và khó hiểu là tại sao một đất nước với số lượng tập đoàn Nhà nước không nhiều, trong khi số bộ và cơ quan ngang bộ quản lý các tập đoàn còn nhiều hơn cả số tập đoàn mà vẫn để xảy ra sai phạm lớn như vậy! Nếu các bộ, ngành quản lý “chịu khó” thanh tra, kiểm tra định kỳ và kịp thời chấn chỉnh thì đâu đến nổi!

Mặc dù không bi quan với các ngành công nghiệp đóng tàu, vận tải biển nhưng sau những sai phạm xảy ra tại Vinashin, Vinalines nhiều người dân tự hỏi liệu Chính phủ có nên ưu ái dồn tiền thuế của dân cho các tập đoàn Nhà nước, để rồi số tiền đó cứ vơi dần bởi các cá nhân thừa lòng tham, nhưng thiếu trách nhiệm! Nếu các tập đoàn nói trên được xã hội hóa, đầu tư từ nguồn tiền tư nhân thì chắc rằng sai phạm sẽ không xảy ra, bởi tư nhân đã đầu tư là phải tính toán đồng tiền thu về. Ngoài vấn đề thiếu minh bạch, điều ai cũng biết là để quản lý, điều hành một tập đoàn, một công ty đòi hỏi người quản lý, điều hành phải có kinh nghiệm, năng lực và cả trách nhiệm. Vấn đề được nhiều người đặt ra là cần làm rõ trách nhiệm của những cơ quan chủ quản các tập đoàn này về vấn đề đề bạt cán bộ lãnh đạo các tập đoàn nói trên, nếu không sẽ còn nhiều tập đoàn khác cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự!

Thế kỷ 21 được ví là thế kỷ tiến ra biển, kể cả những quốc gia không có biển, vì thế đóng tàu, vận tải biển là những ngành kinh tế vô cùng quan trọng. Đây là những ngành công nghiệp cần sự đầu tư lớn, do vậy rất cần sự góp sức (cả tiền bạc và chất xám) từ nhiều nguồn lực khác nhau. Để các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước có thể tham gia, Nhà nước nên có chính sách kêu gọi và cơ chế khuyến khích để các thành phần kinh tế cùng tham gia đẩy mạnh phát triển các ngành này. Một khi ngành công nghiệp đóng tàu, vận tải biển mạnh lên, chắc chắn sẽ góp phần tích cực vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Lê Quang

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=328
Quay lên trên