Giải pháp nào cho ngành gạch ngói giá rẻ?

Cập nhật: 14-06-2012 | 00:00:00

Toàn tỉnh hiện có 107 lò gạch sử dụng công nghệ Hoffman nằm trong lộ trình phải dẹp bỏ do gây ô nhiễm môi trường (ONMT). Đây là loại lò sử dụng phế phẩm của ngành nông nghiệp như vỏ trấu, mùn cưa, vỏ hạt điều... để đốt nên tạo ra nhiều khói bụi trong quá trình hoạt động. Tại một số lò, mặc dù khói bụi đã được xử lý qua hệ thống lọc bằng nước, nhưng do ống khói thấp nên không bảo đảm các yếu tố môi trường. Việc đưa gạch ra vào các lò loại này hoàn toàn bằng thủ công, nên không bảo đảm sức khỏe cho người lao động (LĐ)...

“Bùng nổ” lò gạch Hoffman!

Bà Bùi Thị Ngọc Ánh, chủ doanh nghiệp (DN) Thành Trung ở Vĩnh Hòa, Phú Giáo, đại diện các chủ cơ sở sản xuất gạch Hoffman, cho biết: “Năm 2000, chấp hành chủ trương của Nhà nước, chúng tôi đã di dời các lò gạch thủ công từ Dĩ An đến Phú Giáo. 10 năm sau, một lần nữa chúng tôi chấp hành chủ trương đổi mới công nghệ từ lò thủ công sang lò Hoffman. Bình quân mỗi dây chuyền phải đầu tư 5 - 7 tỷ đồng. Hai năm qua, gia đình tôi đầu tư xây dựng 3 lò Hoffman với tổng vốn hơn 20 tỷ đồng. Trong khi đồng vốn bỏ ra chưa kịp thu hồi, thời hạn ưu đãi của DN chưa hết thì chúng tôi được tin phải chấm dứt hoạt động”.

 Do sử dụng phế phẩm nông nghiệp để đốt lò nên loại lò Hoffman phát sinh nhiều khói bụi trong quá trình hoạt động

Trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao không đầu tư lò Tuynel, bà Ánh cho biết gia đình bà lựa chọn công nghệ Hoffman là vì loại lò này có mức đầu tư vừa phải; tận dụng được các nguồn phế liệu có sẵn để đốt lò; chất lượng gạch cao, giá thành hạ. Trong khi mức đầu tư lò Tuynel cao gấp 3 lần (khoảng 20 tỷ đồng/lò). Chính vì thế, giá gạch Hoffman bán ra trên thị trường hiện chỉ ở mức 460 đồng/viên, còn gạch sử dụng công nghệ Tuynel giá đội lên tới 650 đồng/viên. Nhờ giá rẻ, gạch sản xuất từ công nghệ Hoffman đáp ứng rộng rãi nhu cầu của người tiêu dùng. Và, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc “bùng nổ” lò gạch sử dụng công nghệ Hoffman.

Trước đó, từ ngày 29-6-2010, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1867/UBND-VX về việc cấm xây dựng lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh. Nội dung công văn nêu rõ: “Từ nay trở đi ngừng việc triển khai mở rộng thí điểm và xây dựng mới lò gạch Hoffman trên địa bàn tỉnh”. Tuy nhiên, trên thực tế các lò gạch Hoffman vẫn phát triển và phần lớn nằm gần khu dân cư, khu công nghiệp... nên gây ONMT, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, cũng như sản xuất của các DN khác. Trước sự “bùng nổ” về số lượng lò gạch Hoffman, chính quyền các huyện buộc phải lập biên bản, xử phạt và yêu cầu tháo dỡ đối với những lò xây dựng không phép. Chỉ tính riêng ở huyện Tân Uyên, chính quyền đã ra 60 quyết định xử phạt và buộc tháo dỡ!

Thực hiện kết luận của thanh tra Bộ Xây dựng, ngày 14-2-2012, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 328/UBND-KTN triển khai thực hiện Quyết định 15/2000/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị thành lập các đoàn liên ngành tiến hành kiểm kê và đi đến chấm dứt hoạt động các lò gạch thủ công, lò gạch Hoffman xây dựng không chủ trương, không phép trước ngày 30-6-2012. Công văn nhấn mạnh: “Đến thời điểm trên, lò gạch nào chưa chấm dứt thì tiến hành cưỡng chế niêm phong. Sau thời gian này, huyện, thị nào chưa thực hiện xong hoặc để các lò gạch thủ công, lò Hoffman không phép tiếp tục phát sinh mới, lãnh đạo UBND huyện, thị phải chịu trách nhiệm...”.

Giải pháp để phát triển bền vững

Như vậy, chủ trương dẹp bỏ lò gạch thủ công và lò Hoffman để giảm thiểu tác động môi trường là đã rõ. Tuy nhiên, để giảm bớt thiệt hại đối với các chủ DN đang sử dụng công nghệ Hoffman để sản xuất gạch, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra cụ thể về tính pháp lý của DN, cơ sở đầu tư, thời điểm đầu tư, đánh giá tác động môi trường trong quá trình hoạt động để đưa ra lộ trình chấm dứt đối với từng lò cho phù hợp. Cùng với đó là quy hoạch vùng sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), cũng như hướng dẫn đầu tư, tránh tình trạng DN loay hoay chuyển từ công nghệ lạc hậu này sang công nghệ lạc hậu khác. Riêng đối với các lò Hoffman cố tình vi phạm chủ trương của tỉnh, cần xử lý triệt để.

Thực hiện Quyết định 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; đồng thời cũng là để phát triển bền vững, thiết nghĩ ngay từ bây giờ Bình Dương cần có lộ trình phát triển VLXD không nung, tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn. Kèm theo đó là các giải pháp phát triển VLXD không nung, chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm VLXD không nung và đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng về tính ưu việt của VLXD không nung, từng bước thay thế VLXD nung như hiện nay.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, tính đến nay, bên cạnh 49 lò nung Tuynel, toàn tỉnh có 107 cơ sở lò gạch sử dụng công nghệ Hoffman. Trong đó, 1 lò được xây dựng thí điểm, 3 lò do UBND huyện cấp phép, 20 lò xây dựng sai phép và 83 lò xây dựng không phép. Lò gạch Hoffman tập trung nhiều nhất là ở huyện Tân Uyên (61 lò) và huyện Phú Giáo (34 lò).

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=284
Quay lên trên