Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh: Dạy học sinh phát triển toàn diện

Cập nhật: 07-11-2012 | 00:00:00

Không chỉ là lý thuyết suông

Năm 2008 Bộ GD-ĐT đã có Chỉ thị số 40 về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, trong đó có nội dung rèn luyện kỹ năng sống (KNS) cho các em. Năm 2010 bộ tiếp tục ra Công văn số 3408 về việc bồi dưỡng cho giáo viên về tổ chức hoạt động giáo dục giá trị và KNS cho HS. Từ năm học 2010-2011, Bộ GD-ĐT chủ trương đưa nội dung GDKNS đại trà vào các trường bằng cách tích hợp vào các môn học và các hoạt động ngoài giờ lên lớp.  Vừa học vừa chơi cũng giúp các em rèn luyện được những kỹ năng sống có ích

Việc đưa KNS vào trường học trong những năm học vừa qua được nhiều phụ huynh tán thành. Ông Nguyễn Văn Phước, một phụ huynh nhận định: “Trong khi xã hội đang đầy rẫy những cám dỗ với đủ thứ trò chơi độc hại thì việc đưa chương trình GDKNS vào trong trường học là điều cần thiết. Thế nhưng đừng chỉ là những bài học lý thuyết sáo rỗng mà trên hết lá cần những kỹ năng thực tế để các em có cơ hội tiếp xúc và thực hành ngay tại chỗ và áp dụng được ở mọi lúc, mọi nơi. Như thế mới gọi là KNS”.

Cô Vũ Bích Hằng, Hiệu trưởng trường tiểu học Dĩ An cho biết: “Sau khi nội dung GDKNS cho HS được đưa vào trường tiểu học, nhiều hoạt động bổ ích được trường chúng tôi xây dựng. Để rèn luyện KNS, chúng tôi cho HS chơi những trò chơi tương tác, những trò chơi dân gian để các em rèn luyện tính tập thể, khả năng làm việc

 nhóm; cho HS đi tham quan các di tích lịch sử; tham gia các trò chơi vận động… để từ đó xây dựng tinh thần chia sẻ, ý thức trách nhiệm. KNS sẽ được hình thành một cách tự nhiên và hiệu quả trong chính những môi trường hoạt động cụ thể như vậy chứ không phải chỉ từ những bài giảng trên lớp”.

Nhiều ý kiến cho rằng, phần lớn các trường học hiện nay đã quá nặng về dạy kiến thức, ít quan tâm đến việc GDKNS cho HS dẫn đến có một bộ phận HS trong các trường thiếu hụt hiểu biết về môi trường xung quanh, ứng xử cần thiết trong cuộc sống. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong hành vi, lối sống đạo đức của nhiều HS.

Trách nhiệm không của riêng ai

Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, GDKNS cho HS phải bảo đảm các yếu tố: giúp HS ý thức được giá trị của bản thân trong mối quan hệ xã hội; giúp HS hiểu biết về thể chất, tinh thần của bản thân mình; có hành vi, thói quen ứng xử có văn hóa, hiểu biết và chấp hành pháp luật… Tuy nhiên, GDKNS để đạt hiệu quả đòi hỏi nhiều yếu tố chứ không phải chỉ từ các bài giảng.

Cùng với việc đưa các bài dân ca vào trường học, các trò chơi dân gian cũng được Bộ GD-ĐT chủ trương đưa vào nhà trường trong nhiều năm qua. Trò chơi dân gian có vị trí rất quan trọng trong đời sống vui chơi của tuổi thơ. Trong thời buổi tràn ngập game online, những trò chơi dân gian như nhảy dây, ô ăn quan, đá cầu, cướp cờ, trồng nụ trồng hoa… đang dần bị quên lãng. Kể từ khi phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” và nội dung GDKNS lồng ghép vào các môn học được triển khai sâu rộng trong các nhà trường thì các trò chơi dân gian bắt đầu sống lại và được sử dụng thường xuyên sau mỗi giờ học căng thẳng và luôn được chọn để vui chơi, biểu diễn trong các ngày lễ lớn do trường tổ chức.

Ngoài ra, nhà trường cũng nên thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho HS tham gia như: hoạt động văn hóa - nghệ thuật, hoạt động lao động công ích, tham quan, tiếp cận các công trình văn hóa, lịch sử, chứng tích chiến tranh, công trình khoa học-kỹ thuật… có như vậy sẽ phát triển được tối đa năng lực, nhân cách, trí tuệ của các em.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Hiếu cho biết: “Năm học này sở chỉ đạo các trường học tiếp tục tăng cường rèn luyện KNS cho HS. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”. Mỗi thầy cô giáo tâm huyết, trách nhiệm hơn trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho HS. GDKNS chỉ thật sự có hiệu quả khi người thầy có tâm huyết, sự kiên nhẫn và nhất là phải có thời gian. GDKNS không phải chỉ là công việc của giáo viên, nhà trường mà của cả xã hội, cộng đồng. Phải kết hợp cả gia đình, nhà trường và xã hội mới mong đào tạo được những HS phát triển toàn diện.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=273
Quay lên trên
X