Khởi nghiệp từ... niềm đam mê

Cập nhật: 28-06-2013 | 00:00:00

Thành công nhờ hướng đi đúng

Cơ sở Sơn Quyền chuyên kinh doanh sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ do Nguyễn Triệu Khang quản lý nằm trong con hẻm ở khu phố Tây B, phường Đông Hòa (TX.Dĩ An). Quy mô cơ sở khá nhỏ nhưng các dòng sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ ở đây lại rất đa dạng cả về mẫu mã, chủng loại. Sản phẩm chủ yếu làm bằng thủ công nên được nhiều khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng và đặt hàng. Để có được đầu ra ổn định và đảm đương công việc quản lý từ thiết kế mẫu mã đến hướng dẫn công nhân biến ý tưởng thành sản phẩm với Khang là cả một quá trình học hỏi, nghiên cứu miệt mài.  

 Trang trại nuôi chim bồ câu của Nguyễn Minh Sang

Vốn xuất thân từ làng quê ở Ninh Bình, tốt nghiệp THPT năm 2009, Khang vào Bình Dương ở với chú là anh Nguyễn Văn Truyên - Giám đốc cơ sở Sơn Quyền, vừa làm vừa ôn thi. Sau một thời gian miệt mài ôn luyện, Khang thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Thi đậu nhưng Khang suy nghĩ lại và quả quyết với bố mẹ sẽ theo chú học nghề thiết kế sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ chứ không phải theo ngành sư phạm như đã xác định từ trước. Dựa vào năng khiếu sẵn có, niềm đam mê và sự nhạy bén trong công việc, trong 2 năm theo chú vừa học vừa làm, cuối năm 2010, Khang được chú giao quản lý cơ sở Sơn Quyền. Đến nay, sau hơn 2 năm làm quản lý, Khang vẫn đang lèo lái cơ sở của chú giao cho đi lên, làm ăn có lãi. Từ chỗ chỉ có một vài mặt hàng đơn điệu như bàn, ghế, tủ, nay cơ sở đã cho ra hàng chục mẫu mã, chủng loại hàng mới đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay, các dòng sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của cơ sở Sơn Quyền như hộp đựng trang sức, hộp đựng viết, vỏ bút, khung ảnh… không chỉ xuất cho thị trường trong nước mà đã vươn ra các nước như Canada, Đức, Pháp, Nhật…

Không chỉ thành công trong kinh doanh, cơ sở anh Khang còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/ tháng. Cùng với chú của mình, chàng trai này còn ấp ủ rất nhiều dự định với việc mở rộng thị trường và quy mô sản xuất để làm giàu cho mình và tạo công ăn việc làm cho nhiều người hơn nữa.

Nói về chàng trai Nguyễn Triệu Khang, anh Nguyễn Văn Truyên cho biết: Từ việc thiết kế mẫu mã đến hướng dẫn công nhân làm ra sản phẩm Khang đều làm rất tốt. Nhiều sản phẩm do Khang thiết kế khi mang đi trưng bày tại các cuộc hội chợ triển lãm sản phẩm mỹ nghệ được Ban giám khảo đánh giá rất cao. Như năm 2012, tại Hội chợ triển lãm Đồng Nai với sản phẩm hộp đựng viết và vỏ cây viết được làm bằng gỗ đã mang về cho Khang giải nhất.

Chọn lối đi riêng bằng mô hình nuôi chim bồ câu

Không giống như Khang, Nguyễn Minh Sang (sinh năm 1984) sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật chuyên ngành cơ khí, “sống” với ngành này được một năm thì bỏ giữa chừng chuyển sang ngành khác. Sang cho biết: “Tôi vốn yêu thích vật nuôi từ nhỏ, bản thân lại thích làm chủ cuộc sống nên ngay sau khi nghỉ việc tôi quả quyết mở trang trại mua chim bồ câu về nuôi”.

Nghĩ là làm, Sang bắt tay vào mở trang trại nuôi chim bồ câu ngay tại nhà. Qua sự tìm hiểu nhu cầu thị trường, khi được một người bạn ở Tiền Giang giới thiệu loài chim bồ câu lai của Pháp nuôi theo hướng công nghiệp có giá trị cao và nhu cầu tiêu thụ lớn, Sang xuống tận nơi mua 200 cặp về nuôi. Thời gian đầu vì chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên đàn bồ câu hay bị bệnh hoặc chậm lớn. Đến khi chịu khó đọc sách báo, tham quan học hỏi từ các trang trại bồ câu ở Củ Chi (TP.HCM), Tiền Giang, đàn bồ câu của Sang ngày càng nhanh lớn và số lượng đàn không ngừng tăng lên. Hiện số lượng chim bồ câu trang trại Sang đã lên tới 1.000 con, mỗi tháng cho thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng. Không dừng lại ở đây, Sang cũng đang ấp ủ nhiều dự định đầu tư chuồng trại để nuôi thêm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn của khách hàng.

Có thể thấy rằng, hai chàng trai với hai con đường lập nghiệp khác nhau, nhưng bằng sự năng động, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm đã mang lại thành công cho Nguyễn Triệu Khang và Nguyễn Minh Sang. Qua đó để thấy rằng, thành công trong lập thân lập nghiệp với thanh niên không khó, nếu có niềm đam mê, biết kiên trì, chịu khó tìm tòi học hỏi để tìm ra hướng đi đúng.

 Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Bí thư Thị đoàn Dĩ An cho biết: “Hiện nay, Đoàn Thanh niên các phường của thị xã đang phát động đoàn viên thanh niên đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế ngay tại quê hương. Mô hình nuôi chim bồ câu của Sang và kinh nghiệm nghề nghiệp, kỹ năng quản lý của Khang là một trong những địa chỉ để chúng tôi tuyên truyền nhân rộng trong thanh niên”.

 

 TÂM BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=269
Quay lên trên