Khởi sắc An Bình

Cập nhật: 26-05-2012 | 00:00:00

Trong cơ cấu kinh tế của xã An Bình, huyện Phú Giáo, nông nghiệp vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, dịch vụ, thương mại của An Bình cũng đã có những bước phát triển đáng kể.

Trong năm 2011, mặc dù gặp phải một số khó khăn nhất định nhưng kinh tế An Bình vẫn tăng trưởng 8%. Đến cuối năm 2011, số hộ dân tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp của An Bình chiếm tỷ lệ 85% và thương mại, dịch vụ chiếm tỷ lệ 15%. Hiện nay thế mạnh của nông nghiệp An Bình vẫn là các loại cây trồng lâu năm như cao su và tiêu. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng của An Bình trong thời gian qua diễn ra mạnh mẽ với việc diện tích trồng cao su dần dần thay thế diện tích trồng tiêu đã già cỗi hoặc bị sâu bệnh. Diện tích trồng cao su của An Bình là 1.823 ha, tiêu 129 ha, điều 51 ha, cây ăn quả 39 ha. Lĩnh vực chăn nuôi cũng phong phú với việc An Bình có các đàn vật nuôi lớn là heo hơn 19.000 con, gia cầm trên 130.000 con. Việc giá mủ cao su ở mức cao trong thời gian qua đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân xã An Bình, trong đó thu nhập bình quân của người dân trong năm 2011 là 18 triệu đồng/người/năm. Ngay trên địa bàn xã có sự hiện diện của 2 nông trường cao su nên đã góp phần rất tốt trong việc giải quyết việc làm cho thanh niên trên địa bàn. Phát huy lợi thế này, thời gian qua An Bình cũng đã tích cực mở các lớp dạy nghề khai thác mủ cao su cho thanh niên; bên cạnh đó là khuyến khích, tạo điều kiện cho họ vào làm việc tại các nông trường hay các vườn cao su tiểu điền. 

Tiêu, một trong những loại cây trồng chủ lực của người dân An Bình

Thương mại - dịch vụ của An Bình cũng đã có những chuyển biến tích cực. Việc có tuyến đường trục chính của tỉnh chạy qua địa bàn xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa. Trên trục đường chạy qua xã từ lâu đã hình thành nên các cụm thương mại dịch vụ. Các mặt hàng bán tại các điểm này cũng ngày càng phong phú và quy mô ngày càng lớn. Tuy mới chỉ dừng lại ở tỷ lệ 15% trong cơ cấu kinh tế chung của xã nhưng các hoạt động này góp phần tích cực trong việc cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân An Bình.

Đến cuối năm 2011, số hộ nghèo trên địa bàn xã An Bình chỉ còn 247 hộ, chiếm tỷ lệ 6,7%, hộ cận nghèo còn 186 hộ, chiếm tỷ lệ 5,04%. Công tác dân tộc được An Bình chú trọng với việc lập hồ sơ xin cấp đất cho các hộ dân thiếu đất để họ ổn định sản xuất. Trong năm 2011 đã lập được 49 hồ sơ. Bên cạnh đó công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhất là các hộ trong khu tái định canh Suối Sai luôn được chú trọng nhằm giúp các hộ đồng bào này ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập. Ông Trần Công Quang, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, thu nhập từ các loại cây trồng lâu năm, sự tăng lên của các hoạt động thương mại dịch vụ đã góp phần nâng cao thu nhập của cư dân trên địa bàn xã. Hiện nay các công trình xã hội trên địa bàn xã đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của bà con như trường học, nước sạch, điện. Trong thời gian tới, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, An Bình sẽ chú ý hơn nữa đến việc phát huy những nét đặc trưng trong văn hóa của cộng đồng dân tộc trên địa bàn xã cũng như tiếp tục tạo điều kiện cho các câu lạc bộ phát triển như câu lạc bộ công nhân xa quê, câu lạc bộ tiếng hát người cao tuổi...

CAO SƠN

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên